Soha News đã có buổi trao đổi với TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình để tìm lời giải đáp cho những cái chết thương tâm vừa rồi.
Thảng thốt vì những cái chết lãng xẹt
Thưa TS XHH Trịnh Hòa Bình, thời gian vừa qua có hàng loạt vụ học sinh uống thuốc sâu tự tử chỉ vì đánh mất quỹ lớp, mất sổ đầu bài với tư cách một người cha, ông có thể nói lên đôi chút cảm xúc của mình?
TS. Trịnh Hòa Bình: Việc các cháu quyên sinh vì mất mấy trăm nghìn tiền quỹ lớp, hay mất sổ đầu bài dẫn đến một sự thảng thốt không thể tin được. Bởi đó là những cái chết vì lí do lãng xẹt không thể chấp nhận được, không thuyết phục được ai cả.
Ở độ tuổi các em, các em chưa phải chịu trách nhiệm vì những hạn chế, lỗi lầm như thế. Ngay cả những em tuổi đấy giết người chẳng hạn cũng đâu có bị quy kết với hình phạt cao nhất. Các em chưa đủ chín chắn, hiểu biết để chịu trách nhiệm với những hành vi phạm tội cố ý chứ chưa nói đến việc không may, vô tình.
Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình.
TS. Trịnh Hòa Bình: Suy nghĩ của các em còn quá non nớt. Chúng được giao những việc nhỏ để tập làm người lớn, để có trách nhiệm hơn thôi nhưng ý nghĩ của chúng về trách nhiệm đó trở nên rất nặng nề. Khi không hoàn thành nhiệm vụ chúng dễ nghĩ quẩn dẫn đến việc quyên sinh thật sự làm người ta thấy bàng hoàng.
Dường như suy nghĩ của những đứa trẻ ấy bị bóp méo, không hồn nhiên không phát triển một cách bình thường. Các em còn quá nhỏ mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội chưa ra đâu vào đâu mà đã phải chịu trách nhiệm lớn đến như vậy.
Trong khi đó xã hội lại có quá nhiều kịch bản không hay như tự sát, hiếp dâm, bắn giết… Vì thế các em thiếu kĩ năng sinh tồn sẽ chọn những giải pháp tiêu cực thế này.
Nhiều mối nguy hiểm đe dọa học sinh
Theo ông trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với những cái chết thương tâm này của các em học sinh đến đâu?
TS. Trịnh Hòa Bình: Trong cuộc sống hiện đại này các em học sinh non nớt đang gặp rất nhiều mối nguy hiểm. Ở đây có phần trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, xã hội và thiết chế giáo dục.
Tôi nghĩ rằng chính những đòi hỏi, nhiễu nhương của xã hội đang đè nặng lên trách nhiệm của mỗi con người. Nó lớn đến mức người ta cảm thấy không đáng sống trên đời nữa khi không hoàn thành được trách nhiệm của bản thân. Điều này vô cùng nguy hiểm.
Tôi dám chắc rằng cha mẹ dường như không thực sự là bạn của con cái. Không có chuyện tâm sự, trang bị cho các em những kĩ năng sống cần thiết. Cha mẹ hiện nay dường như bận rộn với việc kiếm tiền quá hay vì nghèo khổ quá nên phó mặc cho nhà trường.
Còn nhà trường lại chỉ chăm chú đến việc dạy chữ thôi. Các thầy cô không nhìn thấy phần tâm hồn, nhân tình thế thái trong mỗi học sinh để uốn nắn, rèn rũa chúng. Ở đây có chuyện xơ cứng trong vấn đề giáo dục từ gia đình và nhà trường.
Những cái chết thương tâm của học sinh vì đánh mất sổ đầu bài, quỹ lớp làm dư luận bàng hoàng.
TS. Trịnh Hòa Bình: Người ta không đòi hỏi phải đưa chương trình dạy kĩ năng sống vào chương trình chính khóa, mà chỉ cần có một sự kết hợp chương trình ngoại khóa, sinh hoạt lớp.
Những câu chuyện đáng tiếc như thế này nhà trường cần phải chia sẻ với các em có sự hiểu biết, có sự đề phòng trước những tình huống có thể xảy ra và tăng cường mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội.
Môi trường giáo dục chỉ toàn đích khi dạy các em biết cả cơ may lẫn rủ ro, cả vinh quang lẫn những gì thấp hèn, chứ không phải những gì thuần túy kiến thức, cần trang bị cho các em biết cách sống sót khi chịu áp lực.
Điều này đi đôi với việc giảm tải. Chúng ta đang tham lam quá mức, đòi hỏi quá mức, đào tạo đủ các thứ trong khi những vấn đề đời thường gần gũi, nhân văn.
Ông có lời khuyên gì dành cho các em học sinh khi đứng trước những thất bại, những sai lầm hay vấp ngã của tuổi trẻ?
TS. Trịnh Hòa Bình: Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng cuộc sống của mỗi người rất đáng quý. Hạnh phúc của con người là được sống, được học tập, được làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Hãy biết trân trọng cuộc sống của chính mình.
Xin chân thành cám ơn sự chia sẻ của ông!