Phía sau những bản án có những trăn trở, buồn vui, những câu chuyện nghề nghiệp của các thẩm phán. Khi đứng trước phiên tòa, thẩm phán định đoạt mọi chuyện bằng pháp luật, nhưng sau mỗi bản án là những chất chứa ẩn sâu mà không phải ai cũng có thể giãi bày.
Dù quen việc từ trước hay bất ngờ được bổ nhiệm thẩm phán thì thẩm phán nào cũng có những “lần đầu tiên” xúc động, hoang mang, căng thẳng, thậm chí bật khóc trước phiên tòa.
Stress vài tuần liền
Các thẩm phán đều có những phút giây lo lắng khi lần đầu tiên ngồi ở vị trí chủ tọa phiên tòa. Có những người được bổ nhiệm thẩm phán khi đã có thời gian làm thư ký nhưng cũng có những thẩm phán không qua bước này.
Thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh (Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM) được bổ nhiệm thẩm phán khi mới 25 tuổi, và bản án đầu tiên mà thẩm phán này tuyên là... bị cáo vô tội.
Thẩm phán Cảnh kể rằng công tác xét xử trong những năm trước việc tranh tụng tại tòa rất hạn chế, thậm chí các bị cáo được quán triệt rằng chỉ được trả lời có hoặc không có với tòa.
Tuy nhiên, thẩm phán Cảnh lại nghĩ nếu là người trong cuộc thì phải cho người ta nói chứ. Vậy là ở phiên tòa đầu tiên ngồi vị trí thẩm phán chủ tọa, ông Cảnh, khi ấy mới 25 tuổi, đã để bị cáo được tự bào chữa, còn các luật sư bào chữa thì được tranh luận với mọi lý lẽ. Kết quả, bản án ấy tuyên không có tội.
“Bị cáo vay tiền nhưng chưa đến hạn trả thì bị tố cáo, tôi nghĩ rằng bị cáo cần phải được trình bày tất cả ý kiến của mình tại phiên tòa, và sau khi xem xét các tình tiết thì thấy rằng tuyên bị cáo vô tội là đúng, dù lúc ấy tuyên bản án đó là... bất thường”.
Thẩm phán Vũ Phi Long cũng còn nhớ nguyên cảm giác lo lắng khi lần đầu tiên ngồi ở ghế chủ tọa phiên tòa: “Dù trước đó tôi đã làm thư ký rồi nhưng không tránh được cảm giác hồi hộp khi đứng tuyên bản án. Sợ nhất là không bình tĩnh để tuyên hết bản án, tôi nhớ rằng lúc ấy đã lo lắng đến toát mồ hôi”.
Để giữ được bản lĩnh trong mỗi phiên xét xử, thẩm phán Long đã dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ.
Ông nhận xét: “Mỗi vụ án có một câu chuyện khác nhau và tác động đến tình cảm của thẩm phán khác nhau. Giữ được thái độ bình tĩnh, không bị cảm xúc chen vào khi xét xử là bản lĩnh của mỗi thẩm phán”.
Ông Long cũng kể rằng có rất nhiều phiên tòa khi ngồi ở vị trí thẩm phán, ông đã xúc động đến phát khóc trước lời khai của bị hại hoặc bị cáo: “Những lúc ấy tôi phải chuyển việc xét hỏi sang người khác hoặc để người khác tham gia xét hỏi”.
Ông Phạm Công Hùng, thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM, cho biết lần đầu tiên ông ngồi tuyên một bản án hình sự khi đó ông còn trẻ, thậm chí đã rất lo lắng không biết mình có đủ bình tĩnh để ngồi hết bản án hay không.
“Tôi còn nhớ mình đã phải lo lắng rất nhiều ngày, kể từ khi đọc hồ sơ vụ án dù trước đó đã có rất nhiều kinh nghiệm để xử lý những việc lớn hơn trong công việc”. Ông Hùng cho rằng việc tuyên một bản án không chỉ ảnh hưởng đến tự do, đến thân nhân hay cuộc sống, vậy nên ngồi trước hồ sơ vụ án đầu tiên thẩm phán Hùng đã rất căng thẳng: “Lúc ấy chỉ sợ mình điều hành phiên tòa có vấn đề gì sai, như nói lắp hoặc không giữ được bình tĩnh để đọc hết một bản án”.
Vẫn còn nhớ như in bản án đầu tiên được tuyên trên cương vị thẩm phán, đó là phiên xét xử phúc thẩm và ông đã tuyên bắt giam bị cáo ngay tại tòa. Và bởi có lẽ không chuẩn bị tinh thần cho việc bị bắt giam nên bị cáo choáng váng và bị ngã, đầu đập vào vành móng ngựa.
“Đây là vụ án đầu tiên tôi ngồi ở vị trí chủ tọa phiên tòa, trở về nhà rất nhiều ngày sau mà cảm giác mình rất ác cứ ám ảnh mãi. Tôi bị stress vài tuần liền và ăn cơm không ngon, cảm giác mình làm một công việc không hề bình thường và cũng tự đặt ra câu hỏi tại sao mình lại bước vào một cái nghề khủng khiếp đến thế này?”.
Lá thư cuối cùng của tử tù
Thẩm phán Trương Văn Sang, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, vẫn nhớ như in vụ án giết người ở huyện Cai Lậy nhiều năm trước gây xôn xao dư luận. Đó là việc một công an viên đi ngỏ lời cầu hôn một cô gái nhưng không được chấp nhận nên đã ra tay giết chết cô gái này.
Để che giấu những hành vi của mình, anh ta đã nói hết với cha ruột và nhờ cha giúp đỡ mang xác đi phi tang. Mấy ngày sau người dân mới phát hiện và hung thủ bị bắt.
Cũng giống như nhiều tử tù khi ra pháp trường để thi hành án đều sợ hãi và bị mất tinh thần, tử tù này cũng thế. Sau khi đọc quyết định thi hành án, tử tù được ăn bữa cơm cuối cùng và viết thư về cho cha mẹ.
“Tôi đã chứng kiến việc các tử tù không thể ăn được cơm, lo lắng như người mất hồn, hay có những tử tù điềm nhiên ăn bữa cơm cuối cùng, hút thuốc lá rồi viết thư về cho gia đình, nhưng phần lớn họ chỉ viết một trang giấy ngắn ngủi và thời gian dành cho việc viết thư cũng không quá nhiều. Nhưng người tử tù giết người bạn gái lại ngồi viết mãi không xong được lá thư. Chờ mãi không thấy xong, chúng tôi kiểm tra thì hóa ra tử tù ấy viết những dòng chữ vô nghĩa trên giấy, chỉ mong kéo dài thêm thời gian để được sống” - thẩm phán Sang kể.
Tiền Giang vốn không có trường bắn, vậy nên với mỗi bản án tử hình thì thường đội thi hành án tìm xem ở gần địa phương của tử tù nơi nào có nghĩa trang dân sinh thì đưa đến đó để thi hành án. Bởi vậy, có khi việc di chuyển từ trại giam đến nơi thi hành bản án có thể xa nên thường hội đồng thi hành án phải tính thời gian di chuyển.
Hơn nữa, theo thẩm phán Sang, việc thi hành án thường được thực hiện vào lúc nửa đêm về sáng, bởi vậy mọi thủ tục trích xuất phạm nhân, ăn bữa cơm cuối cùng, viết thư được tính toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.
Do đó, khi thấy phạm nhân viết thư quá lâu mà trời đã gần sáng nên chủ tịch hội đồng thi hành án đã kiểm tra xem phạm nhân có thật sự viết thư không.
Khi nhận thấy những dòng chữ mà tử tù này viết đều nhì nhằng vô nghĩa, hội đồng thi hành án phải buộc tử tù dừng việc viết thư lại.
Khi bản án tuyên cho phạm nhân là tử hình, không phải phạm nhân nào cũng đều phải thi hành bản án tử hình này, bởi trong số đó có người được chủ tịch nước ân xá tha chết và giảm án xuống chung thân.
Bởi vậy, những phạm nhân bị đưa ra pháp trường là không còn lý do gì để xem xét nên những người tham gia hội đồng thi hành án đều nghĩ rằng đây là việc thực thi pháp luật cho những hành vi sai trái mà họ đã thực hiện.
“Đến lúc ấy, trước thời khắc phải thi hành bản án ai cũng bị mất tinh thần, có người khóc, nhiều người không ăn được cơm. Lúc ấy các thành viên hội đồng thi hành án phải động viên để họ có thể ăn được chút thức ăn” - thẩm phán Sang kể.