“Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình là vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp. Theo tôi, Quốc hội phải liên đới trách nhiệm!”, đại biểu Dương Trung Quốc khép lại hơn một ngày thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại nghị trường, sáng 1/11.
Trước đó, hơn 60 vị đại diện cho dân đã đăng đàn, vừa bày tỏ chính kiến, vừa phản ánh tâm tư của cử tri. Nhiều vị không ngần ngại “đòi” địa chỉ trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém kéo dài của nền kinh tế cũng như các vấn đề xã hội.
Song theo nhận xét của một số vị đại biểu dày dạn kinh nghiệm nghị trường, thì khá nhiều thời gian đã được dành để lặp lại hoặc minh họa báo cáo, thay vì tranh luận để tạo ra được sự thống nhất trong nhận định, đánh giá chung về nền kinh tế cũng như giải pháp cho thời gian tới.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, báo cáo của Thủ tướng tại kỳ họp này không chỉ nhìn lại công việc của Chính phủ trong một năm vừa qua, mà của cả 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm (2011-1915).
“Chặng đường đầy thử thách này được Thủ tướng đánh giá là đã vượt qua những thời kỳ khó khăn nhất, đã tạo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đạt được nhiều chỉ tiêu, ứng phó với thiên tai, quan tâm an sinh xã hội... Chúng ta ghi nhận những nỗ lực đó. Tuy nhiên để cho những nỗ lực trong thời kỳ tiếp theo phát huy hiệu quả tích cực, cái còn thiếu, cũng có nghĩa là cái Chính phủ cần quan tâm là gây dựng và cùng cố lòng tin của nhân dân”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, vẫn còn quá nhiều cái khiến lòng tin của nhân dân không những chưa xác lập mà còn bị giảm sút. Trong khi nhân tố bền vững nhất tạo dựng của lòng tin của nhân dân đối với nhà nước là nhận thức tự giác của họ qua thực tiễn đời sống chưa được quan tâm đúng mức.
Cũng như một số vị đại biểu khác, ông Quốc cũng nhấn mạnh “sự kiện” lần đầu tiên Chính phủ phải đặt vấn đề Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013-2014 là 5,3%GDP và “phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép”…
Những nội dung này chỉ được trình bày trong vài dòng của một trong những “giải pháp chủ yếu” là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” ở trang 15 của báo cáo, nhưng phải đây coi là một dấu ấn lịch sử của Chính phủ và Quốc hội vì nó là lần đầu tiên, mà đã là lần đầu tiên thì cũng có thể sẽ trở thành một tiền lệ để nó không còn là lần cuối cùng, đại biểu Quốc nhấn mạnh.
Nhấn mạnh nhiệm vụ “giữ tay hòm chìa khoá” của nhân dân của Quốc hội, đại biểu Quốc cho rằng, hiệu qủa sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về Quốc hội, và Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được uỷ thác. Còn Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
“Trong khi đó, trên thực tế ở nước ta, mọi thất thoát, lãng phí hay tham ô ngân sách của nhà nước, chúng ta chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ. Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình là vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp. Theo tôi, Quốc hội phải liên đới trách nhiệm!”, ông Quốc tỏ rõ chính kiến.
Quan điểm của nhà sử học này, là phải coi những đề nghị về mức bội chi ngân sách của Chính phủ như một dự án được tính toán chi ly. Và số tiền này phải được thể hiện cụ thể là bao nhiêu, bằng những con số tuyệt đối, chứ không chỉ căn cứ vào những chỉ số phần trăm. Đồng thời, cũng cần làm rõ cơ sở khoa học và khả thi của những chỉ số đó.
Quyết định về việc Chính phủ đề nghị, theo ông là không đơn giản, bởi “với cơ cấu của Quốc hội Việt Nam, số người am hiểu về kinh tế, chi tiêu ngân sách chủ yếu là những thành viên của bộ máy hành pháp tham gia Quốc hội, dễ thoả hiệp với Chính phủ; một số chuyên gia kinh tế am hiểu và đặc biệt là các ủy ban chuyên trách của Quốc hội có liên quan đến việc thẩm định báo cáo của Chính phủ và một số đông các đại biểu, trong đó có tôi, rất hạn chế hiểu biết về lĩnh vực quan trọng này”.
Nhưng dù thế, vị đại biểu này không ngần ngại nói thẳng là ông không thể chia sẻ việc một số đại biểu đơn giản bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ với những lời dặn dò như chỉ dùng vào việc này, không đựoc dúng vào việc kia... Theo ông, nó phải được xử lý như một dự án lớn với những phương án thu chi và việc giám sát thật chặt chẽ và minh bạch. Chính phủ cũng phải cam kết trách nhiệm về hiệu quả của việc sử dụng khoản ngân sách đặc biệt đó.
Cùng nỗi lo của không ít đại biểu về kỷ luật tài chính, đại biểu Quốc cho rằng, trong ký ức của nhân dân vẫn còn nóng hổi biết bao nhiêu tài sản trong đó có cả những tín phiếu Chính phủ phát hành quốc tế đã thất thoát cùng Vinashin. Rồi những món tiền khổng lồ mà chỉ một người đứng đầu Vinalines có thể định đoạt để mua một khối sắt vụn theo giá “trên trời” để tham ô, một số cán bộ của một ngân hàng có vốn của nhà nước có thể lừa khách hàng của mình hàng nghìn tỷ đồng một cách dễ dàng...
Và, “cho dù những vụ việc này sắp được đưa ra trước vành móng ngựa, thì lòng tin của nhân dân vẫn đòi hỏi Quốc hội chúng ta phải cẩn trọng hơn nữa, không phải là bó tay Chính phủ, mà là ủng hộ Chính phủ bằng chính trách nhiệm của mình”.
Bởi vậy, trước khi kết thúc 7 phút phát biểu, đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại: “Cái đầu tiên không có nghĩa là cái cuối cùng và rất có thể sẽ tạo thành tiền lệ. Quốc hội phải chịu trách nhiệm nếu để Chính phủ sử dụng ngân sách không có hiệu quả”.