Ngược lại, 4 ngành, lĩnh vực mà những người tham gia khảo sát nhìn nhận ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.
Đây là kết quả khảo sát sát xã hội học với đề tài “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp điều tra và công bố ngày 20/11 tại Hà Nội.
Khảo sát này được tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố lớn cùng cán bộ cấp bộ với tổng số 5.460 người, trong đó có 1.801 cán bộ công chức, 1.058 người ở doanh nghiệp và 2.601 người dân.
Họp báo công bố kết quả điều tra xã hội học về tham nhũng ngày 20/11
Với cảnh sát giao thông (CSGT), những người được hỏi ý kiến cho rằng hành vi được coi là tham nhũng là nhận tiền và không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.
Các hành vi, tình huống được coi là tham nhũng khác với tỷ lệ cao còn có: Trước khi xét xử, thẩm phán nhận tiền, quà của đương sự; công chức giúp người khác một việc liên quan đến công vụ của mình sau đó nhận quà cảm ơn có giá trị 10 triệu đồng; công chức nhận quà của cấp dưới có gái trị 10 triệu đồng nhân dịp sinh nhật; cơ quan quản lý định kỳ nhận tiền, quà tặng của các doanh nghiệp; công chức nhận quà của doanh nghiệp có giá trị 10 triệu đồng; giáo viên nhận quà của sinh viên và nâng điểm thi cho sinh viên; bác sĩ, y tá nhận tiền khoảng 300.000 đồng từ bệnh nhân (ngoài chi phí theo quy định)…
Các khoản hối lộ lớn được nêu gồm: xin việc, giáo dục và trường học, CSGT, xin cấp sổ đỏ nhà đất, dịch vụ y tế, vay vốn…
CSGT nhận hối lộ trên quốc lộ 51 ở tỉnh Thanh Hoá
Tuy nhiên, một trong những thách thức trong việc phòng chống tham nhũng lại xuất phát từ chính cán bộ công chức.
Điển hình, có tới 64% cán bộ công chức cho rằng, cán bộ công chức sẵn sàng tiếp tay cho đối tượng tham nhũng và 86% cho rằng tâm lý e ngại khi đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn phổ biến trong công chức.
Lý do không tố cáo tham nhũng được những người hỏi ý kiến đưa ra, gồm: không tin tưởng vào người có thẩm quyền; ngại đụng chạm đến những người thân quen; sợ bị trù dập, trả thù; không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình; người có thẩm quyền có thể liên quan đến đối tượng tham nhũng…
Bà Victoria Kwaka, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nhìn nhận, hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề liên quan và các khoản chi trả không chính thức bị đòi hỏi hoặc mời chào để giải quyết các vấn đề này.
Số liệu mà cuộc điều tra xã hội học về tham nhũng ghi nhận
“Thông điệp chính của báo cáo này là, tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo” - bà Kwaka nêu rõ.
Tại buổi công bố kết quả điều tra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đánh giá, ở Việt Nam, tham nhũng được nhận định là còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, ông Lượng cũng nhấn mạnh, kết quả khảo sát lần này không đại diện cho ý kiến tổng thể của nhân dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức mà chỉ mang tính tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.