Một góc cánh đồng tại làng lá dong truyền thống Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai.
100% người dân trong làng đều trồng lá dong. Họ tận dụng mọi khoảnh đất để trồng, thậm chí cả sân vườn trước cửa.
Lá dong Tràng Cát được nhiều người biết đến bởi không bị đen như nhiều nơi khác, đất trồng là đất cát nên lá trắng và đẹp. Người dân Tràng Cát không trồng lúa, ngoài lá dong chủ yếu là rau, ngô và các cây hoa quả như cam, bưởi...
Việc trồng lá dong không bị ảnh hưởng quá nhiều vào thời tiết. Chị Bẩy cho biết, mưa bão ngập úng không hề ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. "Chỉ khi nắng quá có thể làm cháy xém lá", chị nói.
Trồng lá dong không cần nhiều vốn liếng, chỉ cần lấy gốc của cây để trồng. Một sào bón khoảng một tấn phân hữu cơ. Nếu chăm sóc tốt, một vụ khoảng 6 tháng có thể thu hoạch.
Một sào có thể trồng được 20.000 đến 30.000 tàu lá tùy theo kinh nghiệm. Giá bán buôn trung bình khoảng 80.000 đồng 2 bó (100 lá).
Vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, các hộ gia đình đều tất bật. Nhà nào lá dong cũng bầy tràn ngập từ trong ra đến ngoài sân.
Nhà cô Dinh trồng tới 5 sào, được coi là hộ có thu hoạch lớn nhất thôn. Cô cho biết, dự kiến vụ Tết này sẽ lời lãi được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra trong năm nhiều lần cũng đã hái lá bán cho người kinh doanh xôi, bún, bánh chưng đặt..
Bà Cao Thị Thịnh (63 tuổi), một cán bộ về hưu cũng theo truyền thống gia đình trồng lá dong. Bà cho biết, nhà năm nay thu hoạch được một sào rưỡi, ước tính lãi khoảng 15 triệu đồng.
Bà Tíu (75 tuổi) đi hái thêm lá về cho đủ bó. Lá dong không chỉ phục vụ gói bánh chưng mà còn được các nhà làm bánh tét, bánh khúc...
Từng chuyến xe chở lá lên ôtô để mang đi cả nước.
Theo VnExpress