Theo LHQ, tình hình ở nam Somalia nghiêm trọng đến mức mỗi ngày có hàng nghìn người bỏ làng để tìm đến các trại tị nạn. Trong số những người chạy nạn, hơn 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Một em nhỏ bị suy dinh dưỡng đang được điều trị tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia.
Do hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát, giá thực phẩm không ngừng leo thang. Tại thủ đô Mogadishu của Somalia, một bao ngô 50 kg hiện tại được rao bán 40 euro, trong khi năm ngoái chỉ có 5 euro. Giá này đã vượt xa tầm tay người dân của một đất nướcvốnbị điêu tàn sau 20 năm nội chiến.
Số ca nhập viện do kiệt sức vì đói ngày càng cao.
Trước thực trạng đó, LHQ hôm qua đã phải công bố nam Somalia lâm vào nạn đói. LHQ nói rằng tình hình nhân đạo ở Bakool và Lower Shabelle ở miền nam đã xấu đi nhanh chóng.
Gần một nửa dân số Somalia - 3,7 triệu người - đang trong tình trạng khủng hoảng, mà trong đó ước tính khoảng 2,8 triệu người là ở miền nam. Hơn 166.000 người Somali tuyệt vọng tìm cách bỏ chạy sang các quốc gia láng giềng Kenya và Ethiopia.
Đây là lần đầu tiên nước này lâm vào nạn đói kể từ 19 năm qua. Hạn hán, xung đột kết hợp với nghèo đói đã tạo ra những điều kiện cần thiết để gây nên nạn đói.
LHQ cũng phân tích mức độ nghiêm trọng của tình hình thiếu đói tại Djibouti, Kenya và Ethiopia.
Việc LHQ phải công bố “nạn đói” có nghĩa là cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực này khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng xấp xỉ 40% dân số, và phải có từ 1 đến 5 người trên 100.000 người bị chết đói mỗi ngày, kèm theo đó, là hiện tượng chạy nạn ồ ạt và bán tháo tài sản và súc vật.Từ “nạn đói” là một từ rất nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị. Vì thế, các tổ chức quốc tế ít khi dùng. Lần LHQ công bố nạn đói gần đây nhất là vào năm 1992, cũng tại Somalia.
Theo Dân Trí