Khi dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được liên bộ Công an - GTVT soạn thảo, tổ chức trưng cầu lấy ý kiến người dân. Báo chí vào cuộc, lên tiếng về quy định xử phạt người đội MBH rởm là không khả thi đối với là lực lượng thực thi (công an) và cả với người dân thì rất khó phân biệt mũ rởm, mũ thật với ba chức năng, nhất là những loại mũ có được dán tem, nhưng đó là tem giả.
Việc bắt người dân phân biệt đâu là mũ giả, mũ thật không phải là điều mà tất cả người dân ai cũng có thể thực hiện được. Ngay cả việc, để xác định MBH đảm bảo yêu cầu về chất lượng thì cũng phải có máy móc của cơ quan chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Để MBH rởm, không đảm bảo chất lượng mà vẫn dán tem gắn mác là trách nhiệm của Bộ Công thương (Cục Quản lý thị trường).
Người dân không thể kiểm tra vỏ mũ có đảm bảo không bị vỡ do va đập, bằng cách ném mạnh xuống đất, nếu vỏ mũ không rạn, không vỡ thì mua. Còn lớp xốp trong vỏ mũ có chất lượng hay không, người dân cũng bó tay không thể kiểm tra bằng mắt thường được.
Có tới 70% người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không đạt chất lượng.
Cả một thời gian dài, các cơ quan chức năng như Bộ KH-CN và Bộ Công thương đã nhãng đi trách nhiệm của mình, buông lỏng quản lý, nên MBH không đảm bảo chất lượng được bày bán công khai đầy đường phố, chẳng thấy ai đến kiểm tra, bắt, phạt. Còn người dân - với những người lao động nghèo để có tiền mua một chiếc MBH thật với giá cả trên trăm nghìn đồng cũng tiếc lắm chứ. Thôi thì, tặc lưỡi, mua cái MBH, thật hay giả... miễn công an không phạt là được.
Chỉ nhìn thấy dòng người tham gia giao thông với cách đội MBH lấy lệ, theo UBAT Giao thông quốc gia thì có tới 70% đội MBH không đạt chất lượng, đủ cho thấy người dân đội mũ vẫn là để đối phó cho khỏi bị phạt, vì tốc độ lưu thông trong đô thị cứ “chầm chậm” như rùa bò thì có va chạm cũng xây xước là chính. Cũng chưa có thống kê nào cho thấy nhờ MBH mà người bị nạn an toàn “cái đầu”.
Việc đội MBH khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Chính phủ quy định buộc người dân phải đội MBH, chính là lo cho “cái đầu” của người dân được an toàn, trong thực tế mà ai cũng thấy bất an khi tham gia giao thông. Báo chí lên tiếng, góp ý cho dự thảo cũng mong muốn nghị định khi ban hành có tính thực thi trong cuộc sống, tránh ban hành rồi nghị định, thông tư, chỉ thị chỉ có giá trị trên giấy, người dân đâm ra nhờn... các quy định.
Trưng cầu thì người dân góp ý, báo chí là kênh thông tin để các cơ quan chức năng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với luồng ý kiến, đóng góp. Thế mà, phóng viên lại bị ông Phó Cục trưởng Cục Cánh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội Bộ Công an liệt vào loại "thiểu năng".
Mới tuần trước thôi, ông Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đã phải nói lời xin lỗi dân vì “chê” dân - những người rút tiền qua thẻ ATM là quen hít khí trời, hưởng gió biển nên thấy khó là kêu... Khi bị dư luận phê phán triển lãm của nước ta ở Đức có treo ảnh danh thắng của Trung Quốc, phản ánh vì tấm ảnh ấy mà khách đã hỏi tua du lịch, thì ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch lại nói rằng “Cái chuyện đến gian hàng nước này hỏi tour nước khác là chuyện bình thường, vì một số nước Châu Á cũng na ná giống nhau”...
Việc phát ngôn không biết do ngẫu hứng hay trình độ có hạn của một số vị quan chức khiến dư luận băn khoăn về ý thức trách nhiệm trước xã hội, pháp luật trên cái ghế họ đang ngồi.