Bài 1: Thất bại nhục nhã của giặc phương Bắc trước Việt Nam
Bài 2: Nhìn lại trận đánh khiến giặc phương Bắc "khiếp hồn bạt vía"
Bài 3: "Đòn trời giáng" khiến kẻ thù xâm lược phương Bắc vỡ gan, mất mật
Bài 4: Người VN khiến quân xâm lược phương Bắc lo sợ phát ốm mà chết
Trong những trận chiến đánh lại giặc phương Bắc của quân và dân ta, trận chiến do Thục Phán (ông tự xưng là vua năm 257 trước công nguyên, hiệu An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê, nay là vùng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) lãnh đạo đánh bại quân Tần có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo chép lại của sử sách, sau khi thống trị toàn Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng mở những cuộc chiến tranh bành trướng quy mô lớn xuống phía nam Trường Giang thôn tính các tộc người Việt (Bách Việt). Năm 214 trước công nguyên, quân Tần tiến vào vùng cư trú của người Âu Việt và Lạc Việt. Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư dẫn 50 vạn quân xâm lấn nước ta ở vùng Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Số quân này được chia làm 5 đạo.
Khi đó, Thục Phán trở thành một thủ lĩnh đứng lên chống Tần.
Quân và dân ta kiên trì cuộc kháng chiến chống quân Tần với cách đánh theo kiểu “vườn không nhà trống” và chiến tranh du kích, ban ngày thì lẩn tránh vào rừng, ban đêm mới tập kích, phục kích. Sách Hoài Nam Tử có viết: “Lúc đó, người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để quân Tần bắt", và "họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần" .
Cuộc chiến chống Tần của người Việt diễn ra trong nhiều năm. Quân Tần tổ chức tấn công tiêu diệt không hiệu quả, dần dần lương thực bị tuyệt và thiếu, muốn tiến hay lui đều bị người Việt bủa vây đánh úp.
Hễ chúng truy kích liền vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân ta. Trong cuộc chiến này, ngoài công lao của Thục Phán, nhiều chuyên gia sử học đánh giá, việc đánh bại quân Tần xâm lược có phần rất lớn từ công lao của nhân dân Văn Lang.
Quân Tần vừa thiếu thốn lương thực vừa bị tiêu hao lực lượng lâm vào cảnh “tiến không được thoái cũng không xong”. Nhìn thấy thời cơ đã đến, Thục Phán cho quân đánh tập kích bất ngờ và dùng cung nỏ chống lại quân Tần, làm tổn thất nhiều binh lính của Đồ Thư.
Thảm cảnh của quân giặc đã được sử sách chép lại như sau: Đóng binh ở đất vô dụng… tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau”.
Quân Tần bị thua nặng, chết quá nửa quân số, Đồ Thư bị giết. Sách Hoài Nam tử mô tả về tình cảnh của giặc: “Thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người”.
Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của cả dân tộc ta chống lại họa xâm lược của phong kiến phương Bắc. Bằng cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, nền độc lập mới sơ khai của nước ta đã được giữ gìn và củng cố. Sau chiến thắng, An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)