Thái Nguyên: Dẫm đạp trên người chữa bách bệnh?

Theo Infonet |

Đôi chân thoăn thoắt của “cậu cò” dẫm lướt trên từng người bệnh, dưới chân bệnh nhân già trẻ, nam nữ oằn mình chịu đựng, không một tiếng rên, la. Cạnh đó, hàng chục người đang nằm chờ đến lượt...

Làm ‘xiếc” trên người bệnh

Đôi chân trần của “cậu cò” thoăn thoắt dẫm lướt qua từng con bệnh, dưới chân các con bệnh oằn mình chịu đựng, không một tiếng rên la. Hai “đệ tử” là nữ khoảng hơn 50 tuổi, kẻ bên phải, người bên trái cầm tay “cậu” nhằm giảm sức nặng ước chừng trên 60 ký của người đàn bà tự xưng chữa được bách bệnh này.

Mặc cho mồ hôi rịn ra, thấm đẫm vào chiếc áo thun màu hồng nhạt trên người, đôi chân của “cậu” vẫn miệt mài dẫm, đạp, làm “xiếc” trên người hàng chục người bệnh đang nằm như trải thảm trên sân – phòng khám của “cậu cò”. Đó là cảnh chữa bách bệnh của bà Phạm Thị Phú (40 tuổi), ở thôn Tân Sơn, xã Vinh Sơn, thị xã Sông Công, Thái Nguyên.

Gần đó, một phụ nữ, tay cầm ấm nước đã được “cậu” thổi làm phép truyền “năng lượng” vào, đến chỗ từng “con bệnh” đang nằm ở “phòng khám” ngoài trời và ra lệnh “há mồm ra, nước tiên đấy ” rồi đổ vào miệng mỗi người một ít, cứ thế cho đến hết lượt. Hàng chục người bệnh ngồi ngoài nhao nhao xin nước “tiên”, nhưng chỉ nhận được cái trừng mắt của người đàn bà này.

Trụ sở "phòng khám" hiện nay của bà Phú hiện nay nằm ngay đầu cầu treo thuộc thôn Tân Sơn, xã Vinh Sơn, TX Sông Công, Thái Nguyên. Ảnh. Xuân Hải.

Tại đây, “cậu cò” nhận chữa các loại bệnh, từ bệnh ung thư, liệt, u hạch, tai điếc,… Trong khi “cậu cò” đang chữa bệnh cho những bệnh nhân nằm ở hàng trên, thì hai người phụ nữ khoảng 50 là nhân viên của “cậu cò” đi đến 2 hàng người bệnh đang nằm ở dãy dưới, chỉnh lại các tư thế ngồi, nằm ngửa, nằm sấp và quỳ cho hàng chục con bệnh được bố trí  sát với nhau, mồm không ngớt câu cằn nhằn như mắng con phát ra từ hai đệ tử như “kéo quần thấp xuống” hay “vén áo cao lên”.

Người bệnh đến đây đủ các thành phần người già nhất khoảng 70 tuổi, có ba, bốn cháu  bé từ 6 đến 8 tuổi, cũng được “phụ huynh” đưa đi chữa bệnh. Đối với những cháu nhỏ như vậy, “cậu” không dám dẫm lên người mà chỉ dùng tay xoa, chạm qua quýt. Rất nhiều người bệnh cả nam, nữ nằm ngửa chờ chữa bệnh, vén áo quá ngực, tụt quần qua mông khiến “lộ hàng” nhưng được không đệ tử nào nhắc nhở.

Công đoạn chữa bệnh bằng “chân” của “cậu cò” trải qua bốn công đoạn được áp dụng cho tất cả các người bệnh, nam, nữ, già trẻ và tất cả các loại bệnh. “Cậu cò” chữa bệnh cho từng đoàn một.

Đầu tiên, người bệnh phải ngồi khoanh chân cho “cậu cò” dẫm cả hai chân lên vai, đầu, khi cậu dẫm, đạp cho người bệnh bên cạnh “cậu cò” phải có hai “đệ tử” đưa tay đỡ “cậu”, đệ tử tên Ngọc là một trong hai người đó.

Tiếp đến, người bệnh phải nằm ngửa vén áo lên quá ngực để “cậu” dùng một chân dẫm vào bụng, ngực, sau đó, con bệnh phải nằm sấp, “cậu” đứng trên lưng và dẫm, mỗi người khoảng vài giây đồng hồ, cuối cùng người bệnh trong tư thế quỳ, “cậu” lại làm “xiếc” bằng chân.

Trong khi vừa dẫm đạp, thi thoảng cậu cò lại dùng một chiếc ống nhỏ bằng I nox  dài khoảng 20cm, nhỏ bằng ngón tay đặt gần mắt của người bệnh rồi thổi phù phù một, hai cái gọi là làm phép truyền năng lượng.

Trứng gà, nước lã và chè tươi chữa bách bệnh?

Trụ sở của “cậu cò” nằm trênh vênh bên sườn một quả đồi, ngay đầu cầu treo thị xã Sông Công, thuộc thôn Tân Sơn, xã Vinh Sơn rộng gần 2000m2, bao gồm 1 bãi gửi xe ô tô, 1 cửa hàng tạp hóa, kiêm dịch vụ ăn uống, khu nhà nghỉ của gia đình “cậu cò”, 1 gian thờ để người bệnh vào đặt tiền “tùy tâm” và khu vực nghỉ ngơi dịch vụ cho người bệnh.

Còn phòng khám của “cậu cò” là khoảng sân ngoài trời rộng chừng 100m2, mái được lợp bằng những tấm tôn, được lắp đặt 6 chiếc quạt trần để chống nóng vào mùa hè, sân được ốp gạch màu đỏ.

Trên sân được đặt dăm ba chiếc ghế bằng đá garanit ghi tên bệnh nhân ở Hải Dương, Hà Nội kính biếu (không biết có đúng là bệnh nhân kính biếu hay không?) được đặt chỗ dễ nhìn nhất ở mỗi góc sân cho người nhà bệnh nhân ngồi. 

Ba hàng chiếu cói, nhựa được trải kín sân để bệnh nhân nằm thành 3 hàng để chờ “cậu cò” chữa bệnh. Bệnh nhân nào có điều kiện sẽ được đệ tử của cậu bán cho chiếc khăn tắm với giá từ 20 – 30 nghìn đồng/chiếc.

Trong khuôn viên nhà “cậu cò” được treo 4 – 5 tấm biển có dòng chữ “đề nghị tắt điện thoại di động, giữ trật tự”. Tại bãi gửi xe ô tôi có 6 chiếc ô tô từ 4 – 16 chỗ ngồi, đa phần đều mang biển Hà Nội, xe máy thì khoảng 30 chiếc của nhiều tỉnh khác nhau ở miền Bắc.

Khi chúng tôi đến nhà cậu, có 2 người thanh niên mặt mày giữ tợn, nước da thâm sì đến hỏi “đến làm gì?”, mặc dù tôi đã nói là đến để chữa bệnh thoát bệnh thoát vị đĩa đệm, đau lưng nhưng khi tôi di chuyển đến bất cứ chỗ nào trong sân nhà “cậu cò” cũng được 1 người đi theo và giám sát mọi hoạt động.

Theo quan sát của chúng tôi mỗi một hàng có đến 20 người bệnh, trên sân lúc nào cũng có khoảng 60 bệnh nhân chờ chữa bệnh. Mỗi khi có bệnh nhân đến, người bệnh sẽ phải đến bàn đăng ký có tấm biển “đăng ký tẩm quất”.

Tại đây một người đàn ông khoảng 60 tuổi ngồi làm nhiệm vụ ghi tên tuổi địa chỉ người bệnh kiêm luôn việc tự sáng tác các bài thơ, hát để ca ngợi, tung hô việc chữa bệnh như thần của “cậu cò”.

Mỗi khi bệnh nhân được chữa bệnh xong thì đều vào trong gian nhà trước mặt được làm bằng các cây trúc nhỏ để tự đặt tiền “tùy tâm”, thông thường người bệnh đặt từ 20 – 50 nghìn đồng.

Hoạt động khám chữa bệnh tại"phòng khám" ngoài trời của bà Phú ở tổ 12, phường Thắng Lợi, TX Sông Công từ năm 2009. Ảnh. Xuân Hải (chụp năm 2009).

Nhiều người bệnh còn đến gian hàng bán đồ tạp hóa nằm ngay góc sân nhà “cậu cò” mua 1 can nước tinh khiết 5 lít rồi mở lắp để “cậu” thổi phù vào đó – gọi là truyền năng lượng rồi mang về uống, giá trị can nước có giá từ 20 – 30 nghìn đồng.

Không những vậy, khi mua bó chè xanh tươi và trứng gà thì người bệnh sẽ đưa bó chè và trứng gà để “cậu cò” dùng tay xoa lên gọi là truyền năng lượng vào đó để về chữa bệnh.

Chè xanh được “cậu cò” dặn về để đun làm nước uống, còn trứng gà thì đem về luộc rồi xoa lên chỗ đau, bị bệnh sau đó đem vứt ra ao hồ, sông, suối. Giá của chục trứng gà được “cậu cò” bán với giá từ 30 – 40 nghìn/chục, chè tươi 10 nghìn/bó.

Mỗi ngày, hàng trăm người già trẻ, nam nữ mang nhiều loại bệnh khác nhau từ các tỉnh đều được “cậu cò” chữa và bán một liều thuốc giống nhau. Các bệnh nhân đến chữa bệnh tại nhà “cậu” ngoài tiền mua cùng một “liều thuốc” – nước lã, trứng gà và chè tươi khoảng 60 nghìn đồng/liều, còn phải mất tiền tàu xe, ăn uống ngủ, nghỉ chờ chữa bệnh, và đương nhiên hàng trăm lần con bệnh phải tự tay bỏ tiền “tuỳ tâm” vào hòm chứa tiền nhà “cậu” trước khi chữa bệnh.

Không dừng lại ở đó, bà Phú còn tự nhận mình có thể “soi” được việc trần gian – xem bói nên rất nhiều người đến nhờ “cậu cò” xem giúp vận hạn, gia cảnh.

Lịch chữa bệnh của “cậu cò” cũng được ấn định cụ thể, sáng từ 9 giờ đến 12 giờ, chiều từ 14 giờ đến 18 giờ, có khi còn muộn hơn, tuỳ theo lượng khách từng ngày. Buổi trưa người bệnh muốn nghỉ ngơi sẽ được bố trí chỗ ngủ trưa tại nhà của cậu với giá 10 nghìn đồng/người.

Không biết việc “cậu cò” có chữa được bệnh hay không, chỉ biết rằng mỗi ngày, “cậu cò” bán được hàng nghìn quả trứng gà “tiên”, cùng hàng trăm chai nước “thần”, với hàng trăm bó chè xanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại