Thà ế vợ chứ không chịu bỏ...trầu

Huy Hùng |

Chuyện những cụ già trăm tuổi đến các em nhỏ mới 7 - 8 tuổi, ngày ngày môi đỏ với miếng cau, lá trầu ở làng Phú Lễ, Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội đã trở thành hiếm trên cả nước. Việc ăn trầu đã gắn với người dân nơi đây đến mức họ có thể ăn trầu thay cơm.

Thôn Phú Lễ nằm bên bờ của con sông Tích và triền đê cong cong như một dải lụa, cũng giống như các vùng quê thuần nông khác, Phú Lễ có những nét kiến trúc điển hình của nông thôn Bắc Bộ: Nhà ngói, sân gạch, tường bao quanh và lũy tre làng xanh xanh rợp mát.

Đi làm đồng cũng phải có... trầu

Từ bao đời nay người già, phụ nữ ăn trầu là chuyện không lạ, nhưng nguyên cả một làng từ đàn ông ăn trầu đến trẻ em ăn trầu, thì dường như chỉ ở Phú Lễ, Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội mới có.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện” - câu nói cửa miệng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của nhiều vùng quê Việt Nam, nhưng hiếm có nơi nào, miếng trầu, quả cau lại được coi trọng như tại thôn Phú Lễ (xã Cần Kiệm).

Trầu cau cũng đã trở thành món quà quý hóa để mời khách khi họ có dịp đến thăm nhà.

Ở Phú Lễ, nhà nào cũng có cây cau, giàn trầu và người dân trong làng môi lúc nào cũng đỏ thắm.

Tục ăn trầu cau nơi đây đã có biết bao đời, người dân Phú Lễ không kể gái trai già trẻ, nhà ai cũng sẵn bình vôi, lá trầu để mời khách.

Nhờ ăn trầu mà các cụ tại làng Phú Lễ dù đã có tuổi, nhưng răng lúc nào cũng chắc khỏe

“Ở đây, từ già trẻ, gái trai ai cũng biết ăn trầu, nhà nào cũng sẵn bình vôi, lá trầu để ăn và mời khách khi họ đến chơi nhà.

Đến cả khi đi làm đồng, người Phú Lễ cũng đều mang theo trầu cau, thiếu thứ gì thì xin nhau” - Cụ Liên chia sẻ

Tục ăn trầu đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân thôn Phú Lễ. Gặp mặt là người ta mời nhau cau trầu.

Trong làng hễ có đám cưới, hỏi,… hay đám hiếu đều không thể thiếu đĩa trầu. Nhiều người còn cho biết, họ có thể nhịn ăn cơm, chứ nhịn dùng trầu thì không ai nhịn nổi.

Những người già trong làng 70 đến 80 tuổi, thì cũng đã có "thâm niên" đến hơn 50 năm ăn trầu, những lớp trung niên 40 - 50 tuổi có người ăn từ khi mới 7 - 8 tuổi.

Trầu ăn cũng có hai loại, một là trầu không, hai là trầu thuốc - tức trầu ăn với thuốc lào, vị cay cay sẽ làm cho miếng trầu đậm hơn, không nhạt miệng.

Cụ Nguyễn Văn Phóng, 85 tuổi - người được xem là có "thâm niên" ăn trầu nhất của thôn kể: Cụ biết ăn trầu từ lúc lên 8 tuổi.

Tính đến nay đã gần 80 năm, nhưng chưa một ngày nào cụ bỏ ăn trầu, càng già lại càng thích ăn trầu nhiều hơn lúc trẻ.

Kỷ niệm nhớ nhất với cụ trong gần 80 năm là những lần tập ăn trầu quế với thuốc lào bị say, miệng phỏng rộp, người mơ màng.

Thậm chí, có nhiều lúc bị nôn “mật xanh, mật vàng”. Sau này, con trai và cháu trai cũng tập cho ăn trầu từ bé, nên cứ đến ngày giỗ tết là trong nhà từ người lớn đến trẻ con, ai cũng “đỏ môi”.

Ế vợ, chứ khộng chịu... bỏ trầu

Ở Phú Lễ, chuyện người trẻ ăn trầu cũng chưa bao giờ là điều mới. Đến nỗi, nếu ai lỡ ngạc nhiên về điều đó khi đến chơi làng, sẽ bị coi là người… cũ.

Ăn trầu vừa thơm miệng, đỏ môi, chắc răng, vừa say say rất khó tả. Có khách đến chơi, chủ - khách cùng nhau ăn trầu, uống nước trà xanh câu chuyện sẽ thêm thân tình.

Cũng bởi vậy mà đám cưới, đám ma ở Phú Lễ không khói thuốc lá, nhưng phải có trầu cau. Thanh niên nhai trầu thay hút thuốc, cứ hết miếng này lại đến miếng khác.

Bọn trẻ con trong làng thấy người lớn ăn cũng nhao đến xin miếng trầu ăn cho đỏ môi, miệng nhai tự nhiên, ngon lành.

Anh Giang năm nay mới 22 tuổi, nhưng ăn trầu cau đã hơn 10 năm nói vui: “Ở làng Phú Lễ này, trẻ con sinh ra đã ăn trầu quen như bú mẹ, không có thì nhớ, thì thèm không chịu được”.

Chuyện trẻ con, đàn ông ăn trầu ở Phú Lễ khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên

Nhiều cụ cao niên còn tiết lộ, ở một số dòng tộc thuộc họ Phùng, Kiều, Đặng, Nguyễn... nhiều gia đình còn nổi tiếng khắp làng về truyền thống ăn trầu, đến nỗi "răng đen lay láy hạt na - môi thắm sợi chỉ hát ca say lòng".

Cũng chính từ truyền thống ăn trầu này mà ở Phú Lễ hiện nay có rất nhiều cụ ông, cụ bà dù đã ngoại bát tuần, nhưng vẫn chưa hề rụng một chiếc răng nào.

Riêng số lượng đàn ông trung tuổi và một số thanh niên có "răng đen môi chỉ" cũng gần ngang ngửa với giới nữ trong làng. Có lẽ, đây cũng là điều hiếm hoi mang nét đặc trưng của Phú Lễ.

Tại Phú Lễ, người dân đã coi việc ăn trầu là một tục lành, và biểu hiện cho tình cảm rất dân dã, giống như người vùng cao có tục lệ mời rượu.

Bởi thế, vài chục năm trước đây, việc một đứa trẻ ăn trầu tại làng thể hiện một sự tiếp nối ý nghĩa tập tục của quê hương và được đánh giá rất cao. Khi lớn lên, việc dựng vợ, gả chồng cũng lấy khả năng têm trầu, ăn trầu là thước đo.

“Ngày xưa, cha mẹ trong làng vẫn dạy con gái chọn chồng phải chọn chàng trai nào ăn được nhiều trầu và không bị say”.

Cũng từ đó, hình thành nên các hoạt động được gắn với miếng trầu, quả cau, như: Thi têm trầu, thi ăn trầu, làm thơ, đối đáp về trầu...

Thậm chí, câu nói vui của nhiều người trong làng cũng phần nào nói lên cái sở thích kỳ lạ tại đây, rằng: Con trai trong làng nhiều người ế vợ vì bị con gái làng khác chê do quá mê ăn trầu, nhưng họ vẫn nói rằng, thà chịu ế, chứ nhất định không chịu... bỏ trầu.

Đẻ con trai, lo chuyện trồng cau

Trước đây mỗi đám cưới ở Phú Lễ, nhà gái thường thách cưới nhà trai bằng lễ vài nghìn quả cau (mà phải là loại cau to).

Sau khi nhà gái thách cưới và có được số cau như mong muốn, thì gia đình sẽ mang cau trầu đi tất cả các hộ trong làng để chia, nhà nào cũng có phần.

Vì vậy, ở đây cứ nhà nào đẻ con trai thì dân làng lại bảo: “Phải chuẩn bị trồng nhiều cau vào để sau này còn đi hỏi vợ cho con”.

Cũng chính vì lễ cưới thách trầu cau với số lượng lớn này, mà không ít trường hợp nhà trai phải vất vả chạy ngược xuôi để lo cho đủ, chưa kể vào thời điểm cau mất mùa, khiến giá cau tăng cao, chi phí đắt đỏ một thời trở thành áp lực lớn với nhà trai.

“Áp lực cau trầu là có thật, nhưng đó là những năm về trước, và chỉ rơi vào thời điểm mất mùa cau, về sau các cụ cao tuổi trong làng và chính quyền địa phương đã họp bàn và đưa ra quyết định, nhà có đám cưới không phải đi chia cau quanh làng nữa.

Chỉ mời dân làng tới ăn trầu uống nước thôi. Vì thế, mỗi đám cưới bây giờ số cau trầu đã giảm đi nhiều, chỉ chừng 400 quả nhà trai, 400 nhà gái”, một cụ tại làng Phú Lễ cho biết.

Lý giải về điều này các cụ cho rằng cau trầu ở các nơi chỉ có các cụ già hoặc đàn bà con gái ăn, còn ở Phú Lễ đàn ông con trai ăn không thua kém gì, nên số lượng phải gấp đôi.

Cau người dân Phú Lễ hay ăn là loại cau lấy giống ở Tích Giang, quả nhỏ, thịt nhiều, hạt non, ăn mềm và thơm, giá cũng rất rẻ.

Hiện nay, đám cưới ở Phú Lễ thường có một buổi mời khá đông đủ bà con hàng xóm láng giềng đến uống nước, ăn trầu với cô dâu chú rể.

Còn hôm sau nhà trai, nhà gái sẽ làm cỗ và khi đó chỉ mời những người thân thích, họ hàng đến dự. Điều đó cũng phù hợp với nếp sống văn hóa , văn minh của thời đại mới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại