Tôi hạn chế hơn những cuộc nhậu, những cuộc say “xã giao” tối ngày.
Tôi cũng ngại gặp gỡ với những người không quá thân thiết, nhưng cũng không quá xa lạ, bởi luôn sợ những câu hỏi dễ làm tổn thương nhau trong những ngày Tết, ít là với tôi.
Chúng tôi - những cử nhân mới ra trường, mới bắt đầu chạy theo guồng quay của công việc lo toan bận bịu, Tết không còn nhiều háo hức, chờ đợi như ngày còn nhỏ nữa.
Một phần bởi công việc cứ cuốn đi, nhưng phần khác, chắc ai cũng dễ nhận ra, Tết giờ xem ra đã mất đi nhiều nét đẹp nền nã truyền thống từ câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ kể đến sách báo...
Và tết làng quê của tôi thuở nhỏ sao mà yên bình, sao mà tết thế: người trong làng đi xa vê gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chia sẻ yêu thương với những con cháu xa quê vất vả...
Tết giờ với tôi chỉ là dịp được về với gia đình, ăn bữa cơm đông đủ với ông bà ngoại, bố mẹ, anh chị em, sau một năm xa cách.
Tôi ngại gặp gỡ hơn với những người “không thân, không sơ”, bởi thường gặp những câu hỏi không biết trả lời sao giũa chốn đông người.
Đó là "lương tháng của cháu/em được bao nhiêu?", "Lương vậy sao đủ sống trên Hà Nội?", "Lương vậy thì khi nào mới đủ tiền xây nhà, cưới vợ?"...
Sau những câu hỏi đó, chẳng khó để nhận ra sự so sánh, thậm chí ganh đua với con cái mình, cũng như ngày còn đi học, đằng sau sự cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi của những đứa trẻ chúng tôi, là sự ganh tỵ của những ông bố, bà mẹ.
Hay thậm chí, trong những câu chuyện quanh chén trà ngày xuân, thay vì quan tâm nhau rằng cháu làm nghề đó có thích không không? Cháu vẫn đam mê nghề đó chứ? Công việc đó có phù hợp với năng lực của cháu không? Cháu có dự định gì trong năm mới?...thì lại là sự so sánh đến khó tin:
“Đấy, bạn kia, cùng trong làng mình, bằng tuổi cháu đấy, học hết cấp ba, rồi bỏ học, nhưng giờ vẫn kiếm được nhiều tiền gấp mấy lần người mất công học đại học mấy năm trời ra đấy!”.
Mỗi lần nghe những câu hỏi đó, tôi thường im lặng, không đáp lời. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi thấy thế nào ấy.
Tôi không ngại chia sẻ những câu chuyện về công việc, thu nhập, cuộc sống của mình cho người thân, bạn bè.
Nhưng đặt những câu hỏi đó, trong những câu chuyện đầu xuân, giữa những nơi đông người, có người quen, người không quen, thì đó không còn là sự quan tâm đến nhau, mà chỉ là sự làm tổn thương nhau.
Một lần khác, tôi sang nhà hàng xóm chúc Tết, anh hàng xóm hỏi "bao giờ cưới vợ?", tôi cười: "Chừng nào tích cóp được đủ tiền để cưới thì sẽ cưới".
Anh cười cười: “Bây giờ cưới vợ không cần dùng đến tiền của mình mới giỏi!”. Nghĩa là sao?
Nếu chưa thuyết phục được “lớp trẻ”, ngay lập tức, nhiều câu chuyện được người lớn tuổi dẫn chứng ra như: “Cháu xem bạn gần nhà cháu, mới ra trường mà khéo thế, đã lấy vợ, làm giáo viên, đã được biên chế rồi.
Bây giờ đâu còn tình yêu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” nữa!”.
Ngày Tết, tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện không biết nên buồn hay vui của làng mình: một bác tâm sự, đang lo lắng không biết khi con ra trường, thì xin cho con vào làm ở đài phát thanh huyện hay ở ban tuyên giáo huyện?
Những bậc cha mẹ, cô dì chú bác làng quê chân chất, nền nã của tôi giờ thay vì dạy dỗ con cái cách làm người, cách sống tử tế như làng quán xưa thì lại là những câu chuyện về sự tính toán: con cái học ĐH-CĐ xong, ra trường sẽ xin việc ở đâu, làm nghề gì có tiền, phải “lo' bao nhiêu để xin một suất làm việc?...
Thậm chí, ngay cả nét đẹp truyền thống trong những ngày Tết, là những chút quà Tết, để thăm hỏi lẫn nhau, cũng được toan tính tỉ mỉ: nhà này đi tết nhà mình quà này, trị giá bao nhiêu, để mình đi tết lại một suất tương xứng?
Hoặc nếu không, thì phải mừng tuổi lại con cháu họ số tiền tương xứng với quà đó? Như vậy mới yên lòng là không bị chê trách.
Những người trẻ từ làng quê chúng tôi ra đời với một yêu thương quê nhà nhưng lên thành phố về lại quê sao tết ngày càng trở lên xa cách với những người trẻ chúng tôi như vậy, từ những câu hỏi đáng sợ về sự tính toán.
Một người bạn cũng dân quê lên Hà Nội học hành, mưu sinh bảo tết này về làng ăn tết không dám ra khỏi nhà những ngày Tết chỉ vì rất “sợ” những câu hỏi như vậy...