Tết Tây ở Việt Nam trong cảm nhận của sinh viên nước ngoài

Đặng Hương - Giang Chi |

(Soha.vn) - Không ít sinh viên nước ngoài vì công việc học tập, nghiên cứu mà đón Tết ở Việt Nam. Hãy trải nghiệm cùng những cảm xúc và cách họ đón Tết ở Việt Nam như thế nào nhé!

Đối với các nước phương Tây, ngay khi mùa Noel bắt đầu cũng là thời điểm người dân đón chào năm mới. Phóng viên Soha News đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng những bạn trẻ  đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới để hiểu hơn cảm xúc của các bạn trẻ khi ăn Tết Tây ở Việt Nam.

Andrea chàng tình nguyện viên tại Đại học Hà Nội đến từ Ý: Noel đầu tiên vẫn phải làm việc

Đây là năm đầu tiên Andrea đón năm mới ở Việt Nam, trong cảm nhận của anh chàng tình nguyện viên đến từ đất nước hình chiếc ủng  thì ngày Tết ở Việt Nam khác xa với Italia.

Andrea đón Noel sớm cùng đồng hương ở khách sạn Daewoo.

“Đây là năm đầu tiên mình ăn Tết ở Việt Nam, cũng là năm đầu tiên mình phải làm việc vào ngày Giáng Sinh. Ở Ý mọi người sẽ được nghỉ từ khi bắt đầu Noel và các bữa tiệc chào đón năm mới được tổ chức tưng bừng khắp nơi.

Không khí đón năm mới ở Việt Nam có phần kém rộn rã hơn so với ở đất nước mình. Các bạn sinh viên ở trường đại học nói với mình rằng người Việt Nam ăn Tết Âm lịch, sẽ có rất nhiều điều thú vị, mình rất chờ mong dịp đặc biệt này.

Mình được nghỉ 4 ngày, theo kế hoạch chúng mình định đi du lịch ở Mai Châu nhưng nhiều bạn sinh viên phải về nhà nên kế hoạch này tạm hoãn lại”.

Những màn tiệc pháo hoa là điều rất đặc biệt vào mỗi buổi giao thừa ở Ý. Andrea kể vào đêm giao thừa nào cậu và các bạn cũng ra phố xem bắn pháo hoa: “Những màn pháo hoa rực rỡ là điều không thể thiếu ở Ý vào thời khắc giao thừa. Sau khi xem pháo hoa, có khi mình trở về nhà hoặc đi đâu đó tổ chức tiệc tùng cùng bạn bè.

Đường phố ở Ý luôn đông nghẹt người vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Mình có nghe các bạn Việt Nam kể giao thừa nào ở Hà Nội cũng tắc đường. Hà Nội mấy hôm nay rực rỡ hơn hẳn, mình đặc biệt thích sắc đỏ của những tấm biểu ngữ căng trên đường phố.”

Chekalin Ivan, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: Tự nấu những món ăn truyền thống của Nga

Khoa Việt Nam Học và Tiếng Việt tại B7 Bis, phố Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, Hà Nội của trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia là một trong những nơi có rất nhiều sinh viên nước ngoài đang theo học tiếng và văn hóa Việt Nam. Phần đông trong số đó là những sinh viên đến từ Liên Bang Nga.

Khi được hỏi về cảm xúc và dự định trong những ngày Tết xa nhà sắp tới, Chekalin Ivan, 22 tuổi, Đại Học Quốc Gia Viễn Đông, Nga chia sẻ: "Giống như các bạn sinh viên đến từ các đất nước khác, chúng mình học xa Nga nên sẽ rất nhớ quê nhà.

Mình thấy khá buồn với Tết năm nay vì ở Việt Nam không có tuyết, không có bạn bè, không có gia đình của mình bên cạnh. Tết là một ngày lễ gia đình rất ấm áp. Còn mình, phải đón Tết xa gia đình, ở một đất nước hoàn toàn mới lạ.

Ở Việt Nam thật lạ lùng, vào dịp Tết, nhiều nhà hàng, quán ăn hay các khu vui chơi đóng cửa  khiến chúng mình có rất ít địa điềm để vui chơi. Nên mình sẽ về khu kí túc xá tự nấu những món ăn truyền thống của Nga cùng những người bạn thân.

Mặc dù, Hà Nội lạnh 15 độ nhưng mình vẫn thấy nóng và nhớ tuyết ở Nga rất nhiều. Nếu giờ này mình ở Nga, mình sẽ cùng gia đình làm món ăn Nga trong ngày Tết như salad, sampanh và đặc biệt là luôn có bánh gato rất lớn. Thanh niên đi chơi, tới trung tâm thành phố. Mình vẫn đang mong chờ nhiều điều mới mẻ ở đất nước của các bạn trong ngày Tết”.

Sophia và Mikhai Stepanov, người Nga: Hài lòng cái Tết ở Hà Nội

Cô bạn Sophia, 19 tuổi, sinh viên Trường Tổng Hợp Viễn Đông đang theo học tại Khoa Ngôn Ngữ Việt Nam chia sẻ rằng: “Cuộc sống ở Việt Nam rất ổn định và chúng tôi sẽ có những dự định với những người bạn thân, sẽ biến những ngày sắp tới thành Tết của người Nga trên đất Việt.

Mặc dù, ở nơi đây không có “Cây năm mới” Novogodnaya Yolka nhưng những người bạn mới sẽ là những người giúp chúng tôi thấy cái gọi là gia đình trong ngày Tết” .

Sophia sẽ cùng bạn bè ăn một cái Tết thực sự ý nghĩa tại Việt Nam.

Còn Mikhal Stepanov, trường Đại Học Saint – Petersburg (SV ĐH Khoa học XH& NV) lại có một cảm xúc rất khác: “Tôi lại thích giáng Sinh ở Nga hơn. Nó được tổ chức vào ngày 7/1 theo lịch Nga chứ không phải là ngày 25/12 theo lịch  Tây. Sau bữa tối linh thiêng và ấm áp bên gia đình, các món quà được mở ra, các gia đình đi lễ nhà thờ và thường về nhà rất muộn. Chúng tôi thường đi vòng quanh làng và cùng hát Kolyadki hay những bài thánh ca quen thuộc.

Giáng sinh cũng gần sát ngày Tết nên tôi cũng thấy thích như ngày Tết của mình vậy. Tôi cũng đã có thời gian đáng nhớ khi đón giáng sinh tại Việt Nam. Chúng tôi đi loanh quanh Hà Nội và trở về kí túc xá ăn uống cùng nhau. Nhớ không khí ở Nga nhưng ở Việt Nam, chúng tôi cũng cảm thấy hài lòng.”

Azat - thầy giáo trẻ đến từ Tukmenistan: Đường phố Hà Nội năm nào cũng thanh bình vào dịp Tết Dương lịch

Azat – sinh viên vừa tốt nghiệp khoa toán trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội luôn thích thú dạo qua những con phố của Hà Nội vào mỗi dịp nghỉ lễ đặc biệt là vào dịp Tết.

“Đây là năm thứ năm mình ở Việt Nam và cũng là lần thứ 5 mình được cùng các Việt Nam đón ngày Tết Tây rất bình yên.

Azat - chàng trai đến từ Tukmenistan đã đón 5 cái Tết ở Việt Nam.

Người Việt Nam đón Tết Dương lịch không giống với các quốc gia ở Châu Âu mà mình đã từng đi qua. Tại các nước đó, không khí rộn ràng ngay từ trước Noel nhiều ngày. Hà Nội chỉ đông đúc vào đêm Giao thừa thôi. Ban ngày đường phố vắng vẻ hơn ngày thường rất nhiều. Mình đặc biệt thích không khí bình yên của Hà Nội vào những ngày này".

"Đất nước của mình thuộc vùng Nam Á, chúng mình không ăn Tết Dương lịch to như ở châu Âu. Ngày Tết lớn nhất trong năm của mình là Tết Nowrus vào ngày 31-3 hàng năm. Nếu ở Tukmenistan vào ngày ấy, các bạn sẽ được khám phá khá nhiều nét đẹp truyền thống của đất nước mình".

Azat vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp ở trường Đại học vào tháng 12, cậu tân cử nhân sẽ ở lại Việt Nam làm việc. Trong ngày đầu tiên của năm mới, Azat sẽ cùng bạn bè dạo chơi  quanh Hà Nội để tận hưởng không khí bình yên của mỗi con đường, góc phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại