Không tiền doanh số, không thưởng Tết
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhiều nhà kinh doanh bất động sản tại Hà Nội lo ngay ngáy vì không biết Tết này sẽ tiêu bằng gì và lấy đâu tiền trả nợ cho ngân hàng khi năm đang hết, Tết đang đến từng ngày.
Chị Lại Thị Quỳnh Nga, một chuyên viên môi giới bất động sản cho một công ty tài chính chứng khoán khá nổi tiếng tại Cầu Giấy, Hà Nội liên tục than thở rằng Tết nghèo quá. Theo như chị Nga, từ tháng 4 đến nay, công ty không có doanh thu nên lương cũng chậm, đến thời điểm này lương tháng 9 của một số người còn chưa trả hết nên không ai dám mơ đến thưởng Tết.
Năm nay, thị trường bất động sản ồn ào được vài tháng đầu năm rồi đóng băng cho đến tận thời điểm này nên mong muốn có một khoản làm doanh số lấy thưởng Tết của nhiều chuyên viên bất động sản là quá cao xa.
Chị Nga cũng cho biết, cả năm công ty chẳng dám tổ chức một chuyến đi chơi, kinh doanh chứng khoán không khởi sắc lại thêm vào bất động sản chết thảm nên càng khó khăn hơn về vốn. Không chỉ có riêng công ty thê lương về vốn tiền mặt mà một số chuyên viên bất động sản trong công ty trót ôm vài dự án căn hộ cũng đành ngậm đắng, nuốt cay chịu lỗ hoặc nuôi căn hộ chờ tan băng và chấp nhận trả lãi ngân hàng.
Bán đất không có người mua, nhiều đại gia BĐS xác định đón cái Tết nghèo nàn
Cùng cảnh ngộ với chị Nga, anh Trần Văn Thụy, nhân viên sàn giao dịch bất động sản M.Q tại Hà Đông, Hà Nội cũng đang ngồi trên đồng lửa khi năm hết, Tết đến mà vẫn chưa có doanh số. Không có doanh số tương đương với việc không có thưởng doanh số cũng như thưởng Tết. "Các sếp của anh đều quán triệt không có thưởng Tết, cả công ty còn lo tiền trả lãi ngân hàng từng ngày vì trót ôm vài căn hộ của HUD ở Hoài Đức. Đến thời điểm hiện tại muốn bán để thu hồi vốn còn không được nên chẳng ai dám mơ đến Tết cả. Cứ nghĩ đến Tết là anh lại nóng hết cả ruột gan".
Còn đồng nghiệp khác của anh Thụy là anh Bùi Tiến Minh thì chấp nhận thua lỗ, hợp nhất hai, ba văn phòng bất động sản, trả lại văn phòng thuê hồi cuối năm ngoái cho chủ để giảm chi phí thuê văn phòng, nhân viên. Anh Minh cho biết năm nay không những không có lãi mà văn phòng anh còn đọng khoảng gần 5 tỷ vốn ngân hàng. Mỗi tháng phải lo trả lãi cả trăm triệu đồng nên Tết này chẳng nghĩ đến chuyện mua sắm gì".
Đâu rồi thời hoàng kim
Năm 2010 được coi là năm làm ăn của dân bất động sản. Từ người kinh doanh cho đến những chuyên viên môi giới bất động sản đều kiếm được doanh số khổng lồ. Cho đến năm nay, doanh số lại ở dạng số âm.
Nhớ lại cái Tết năm ngoái, chị Nga nhận được từ công ty một khoản thưởng Tết là 22 triệu và số tiền thưởng này không khủng bằng số tiền doanh số cả năm của Nga ở dạng ngoài doanh số là 193 triệu đồng. Trừ đi 19 triệu tiền thuế, Nga vẫn có 200 triệu mang về quê ăn Tết. Sang năm nay, Nga chẳng dám mơ đến con số đó mà chỉ ước công ty trả hết lương cho mình là được.
Nghĩ lại thời hoàng kim cách đây 1 năm nhiều người làm kinh doanh BĐS không khỏi ngậm ngùi
Còn nhớ Tết hoàng kim của mình năm ngoái, anh Quang (một đại gia bất động sản ở Hải Dương) tiếc hùi hụi vì quá hoang phí. Năm ngoái, anh Quang kiếm được cả chục tỷ nhờ lướt sóng bất động sản khu vực Tây Hà Nội. Số tiền đó anh vội đầu tư tiếp vào đất và trích ra 10% để tiêu Tết. Gần Tết, anh chở vợ bằng ô tô lên Hà Nội sắm Tết.
Chỉ trong vòng một ngày rong ruổi các siêu thị ở Hà Nội, vợ chồng anh đốt hết khoảng 200 triệu. Anh tự lái xe lên Mộc Châu mua hẳn cây đào rừng to, thuê xe tải chở về tận nhà để trưng cho đẹp và hi vọng nhiều lộc. Còn lại số tiền đó, anh và vợ mang về sửa nhà, sắm nội thất và làm tiền lì xì may mắn. Ra giêng, hai vợ chồng anh nghỉ cả tháng để đi lễ chùa cầu may, tuy nhiên cho đến thời điểm này, mọi may mắn trong việc buôn bán của anh đều trở về "more".
Năm hết, Tết đến, ngồi nhìn 3 lô đất ở gần Vân Canh chưa đẩy đi được và mỗi tháng phải trả khoảng 15 triệu tiền lãi ngân nàng, lòng anh Quang như lửa đốt.
Anh Lưu Văn Giang, một nhân viên kinh doanh bất động sản tại phố Hoàng Ngân, Hà Nội than thở: năm ngoái kiếm được tý nào thì năm nay rút ra tiêu hết, công ty khó khăn nên mọi người không ai nghĩ có tiền thưởng Tết, biết là Tết nghèo rồi nhưng vẫn tiếc nuối cho một năm làm ăn thất bát.
Theo Ngọc Hiếu
PNTD