Tết nay đã khác xưa nhiều lắm!…

Hoàng Sơn - Thu Trang |

(Soha.vn) - “Tết nay đã khác xưa nhiều lắm. Đó là điều mà ai cũng dễ nhận ra. Nhiều người hoài niệm, nhiều người tiếc nhớ một thời đã qua. Nhưng dù sao thì dòng chảy văn hóa vẫn phải tiếp tục…”, Tiến sĩ Vũ Thế Long (ủy viên BCH Hiệp hội UNESCO Hà Nội) nhận định.

Từ chuyện kiêng khem

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long, ngày nay Tết cổ truyền của dân tộc đã khác xưa rất nhiều. Đó là điều mà ai cũng dễ nhận ra. Cái khác đó chính là hệ quả của sự giao thoa và sự tiếp nối của dòng chảy văn hóa dân tộc.

TS Vũ Thế Long cho biết: Đơn giản nhất như chuyện kiêng khem trong ngày Tết. Ngày xưa thì có nhiều lắm, ví dụ như kiêng không quét nhà trong ba ngày Tết, nếu có quét thì cũng không đổ rác ra khỏi nhà vì sợ mất thần tài; rồi kiêng không chửi tục, không nói điều xui rủi,…

Tiến sĩ Vũ Thế Long:
Tiến sĩ Vũ Thế Long: "Tết ngày nay đã khác xưa rất nhiều".

Ngày nay, những tục kiêng khem ấy có cái còn lưu giữ, cũng có cái đã bị mất đi do mai một dần theo thời gian. Bên cạnh đó, ở một số gia đình còn xuất hiện thêm nhiều thứ kiêng khem mới nữa như: kiêng ăn mực ngày Tết, kiêng số con 8,…

TS Vũ Thế Long giải thích: “Lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên lắm nhưng về sau tìm hiểu mới biết là có nguyên do của nó. Người ta quan niệm ăn mực là bị đen nên không ăn trong ngày Tết, rồi con số 8 là tưởng tượng ra đến chiếc còng số 8, tức là liên quan đến chuyện pháp luật, lao lý tù tội nên người ta cũng bỏ.

Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm xuất phát từ một số người hay một số gia đình thôi, nó không mang tính khoa học. Ví dụ như kiêng ăn món mực, như mực xào, mực hấp chẳng hạn, là đen, vậy tại sao khi đi mua hay xin câu đối, cụ đồ viết câu đối bằng mực Tàu màu đen lại không kiêng, vẫn đem về treo trong nhà?...

Nói thế để biết rằng những quan niệm, những chuyện kiêng khem bây giờ cũng khác xưa rất nhiều. Đó cũng là do nhận thức, lối sống, lối nghĩ của con người hiện đại bây giờ cũng đã khác trước nhiều lắm”.

Đến cách chơi ngày Tết

TS Vũ Thế Long cho biết, cách ăn và cách chơi Tết của người dân bây giờ cũng khác trước. Nếu như ngày xưa, do kinh tế khó khăn, đời sống vật chất thiếu thốn, Tết đến người ta đề cập đến nhiều hơn vấn đề ăn Tết thì giờ đây, khi đời sống vật chất đã tạm đủ đầy, người ta chú ý nhiều hơn đến đời sống tinh thần, tức là chơi Tết.

“Nhiều gia đình bây giờ có khi tết nhất con cái không có ở nhà mà đi du lịch ở đâu đó trong những ngày Tết. Ngày xưa thì quan niệm ba ngày Tết phải là “Mùng một thì ở nhà cha; Mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy” nhưng giờ đây, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại nên quan niệm trên cũng dần dần bị mai một”, TS Vũ Thế Long nhận xét.

Theo TS Vũ Thế Long, không hề có
Theo TS Vũ Thế Long, không hề có "quy chuẩn chung" chính xác cho mâm cỗ trong ngày Tết.

Trước ý kiến cho rằng Tết cổ truyền là một thứ phiền phức, chỉ nên dùng Tết Tây (tức Tết dương lịch), TS Vũ Thế Long cho rằng: “Nói bỏ thì cũng không được bởi vì nó là truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, nếu coi Tết Tây là tết chính, nghỉ dài hơn, hạn chế ngày nghỉ của Tết âm lịch ngắn lại thì cũng không sao. Miễn sao nó phù hợp và đưa lại hiệu quả cho nhiều người là được”.

Cũng theo TS Vũ Thế Long, một minh chứng cho việc bỏ Tết âm lịch để ăn Tết dương lịch rõ nhất ở Châu Á chính là Nhật Bản. Trước kia nước Nhật cũng ăn Tết âm lịch như Việt Nam và một số nước Á Đông. Tuy nhiên, sau này tục ăn Tết cổ truyền theo âm lịch của Nhật đã bị bỏ mà thay vào đó là Tết dương lịch.

“Họ làm thế là để cho không bị mâu thuẫn với lịch phương Tây, không bị chồng chéo trong cách tính lịch và cả trong công việc”, TS Vũ Thế Long giải thích.

Về cội nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trên trong cách ăn Tết và chơi Tết ngày nay, TS Vũ Thế Long cho rằng đó chính là do xuất phát từ thực tế cũng như giao thao văn hóa.

TS Vũ Thế Long phân tích: “Ví dụ như nói về gia đình truyền thống chẳng hạn, chúng ta hay nói đến mô hình ‘tam đại đồng đường’ hay ‘tứ đại đồng đường’ nhưng đó chỉ có ở ngày trước thôi, giờ hiếm lắm.

Thứ nhất là do cơ cấu dân số, cơ cấu gia đình thay đổi (mỗi gia đình chỉ có từ 1 – 2 con), thêm vào đó khi trưởng thành và lập gia đình lại ra ở riêng thì làm gì còn những gia đình ở chung mấy thế hệ nữa.

Tết cổ truyền cũng vậy, những thay đổi suy cho cùng cũng bởi chính sự tác động từ những thay đổi của xã hội, của giao thoa văn hóa”.

Mâm cỗ truyền thống ngày Tết chỉ mang tính tương đối

TS Vũ Thế Long cho rằng, nhiều người vẫn cho rằng mâm cỗ Tết truyền thống, đặc biệt là mâm cỗ cúng tất niên phải có một quy chuẩn nào đó, nghĩa là trên mâm cỗ phải gồm có bao nhiêu món, những món đó là món gì, cách làm thế nào…

Tuy nhiên đây chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, mâm cơm cúng tất niên ngày Tết ở vùng quê thậm chí ngay cả gia đình Hà Nội gốc cũng không tuân theo quy chuẩn nào cả.

Điểm giống nhau là trên mâm cơm ngày Tết nhất định phải có những món không thể thiếu như bánh chưng, giò, chả... còn những món khác có thể thiếu hoặc bổ sung thêm, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình cũng như thói quen của vùng miền mà mâm cơm ngày Tết sẽ có sự khác nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại