Thời tiết giá lạnh con người ta sẽ cảm thấy cô đơn đặc biệt là những người xa xứ thì cảm giác ấy còn nhiều hơn thế...
Rồi, sự xuất hiện của những cánh đào hồng, bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ như làm bừng tỉnh cả một dòng người đang vội vã, hối hả ngược xuôi.
Xuân đang chạm ngõ sân nhà, cảm xúc dường như mênh mang khi nghĩ về thời khắc thiêng liêng được đoàn tụ, quây quần bên gia đình.
Nếu ai cũng nghĩ Tết là khoảng thời gian để trang hoàng lại nhà cửa, thể hiện sự quan tâm mọi người trong gia đình, giúp con người sống chậm để nhìn lại một năm đã qua, xây dựng cho những hoạch định mới trong tương lai thì thật tốt.
Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại như thế, Tết đã dần bị thay đổi. Người ta bắt đầu sống với những điều không thiết thực.
Bỏ tiền tỷ ra mua một cây đào rừng để chứng minh với thiên hạ. Nhưng thực ra là tàn phá thiên nhiên. Ảnh Zing.vn
Phô trương
Tết là dịp người ta không còn quan tâm mình có vui không, có hạnh phúc không mà quan tâm xem người ta nhìn mình như thế nào, trầm trồ về mình như thế nào.
Họ đã chạy theo một đà sống của phô trương và hơn thua. Chạy theo những thứ kỷ lục với cuộc sống cá nhân mà nhiều khi, nó chẳng cần thiết.
Có người bỏ ra hàng chục triệu thậm chí là hơn như vậy chỉ để mua về một cành đào rừng rêu phong chỉ để khẳng định mình với những lời ca tụng, trầm trồ xung quanh.
Nhưng họ chẳng nghĩ rằng đào rừng chỉ đẹp khi nó khoe sắc giữa núi rừng bạt ngàn, hùng vĩ. Cái đẹp tự nhiên là cái đẹp bất diệt, bất cứ tác động nào của con người cũng khiến nó trở nên mất giá trị.
Hơn nữa tôn trọng cánh đào sắc thắm ấy là tôn trọng mồ hôi sức lao động của con người trong một năm trồng trọt vun đắp.
Ngày tết, người Á Đông cũng coi trọng màu sắc trong nhà nên chọn những màu sắc tươi tắn vì ấy là màu của thịnh vượng , may mắn.
Chẳng hiểu rằng, bỏ ra thật nhiều tiền để mua một cành hoa cánh bạc, phong rêu, chặt phá thiên nhiên thì có gì để ca tụng và tự hào?
Chùa nghi ngút khói hương đêm giao thừa. Ảnh: Internet
Cứ sáng mồng 1 Tết hàng năm tôi lại cùng bà lên chùa lễ phật. Khung cảnh trước cửa chùa là những cành lá ngổn ngang mà đêm giao thừa người dân hái lộc.
Họ cho rằng không may bẻ vào cành đã được vẩy vôi trắng là không đem lại may mắn về nhà, nên ai bẻ nhầm thì vứt đi bẻ lại.
Khung cảnh yên tĩnh vốn có trước kia trong trí nhớ của mình vào buổi sáng mồng đầu năm hầu hết là các người già mang xôi, oản lên chùa cầu xin bình an cho cả gia đình chứ không có cảnh huyên náo, chen chúc nhau đặt sớ, giấy tiền rồi đốt.
Nhang khói được thắp bên ngoài, nhưng các già bên trong cũng không ngồi niệm phật được nữa bởi nghi ngút khói. Sự thành tâm sao làm sao có được nếu không “tĩnh”?
Cứ nghĩ đến Tết là nghĩ đến những buổi tiệc tùng liên hoan triền miên. Người nào cũng nghĩ rằng “cả năm mới có một ngày Tết”, nên đi đâu vì nể nhau họ cũng mỉm cười cạn ly.
Chưa nói đến những tác hại của bia rượu đối với người uống, gia đình của họ mà chỉ là nói đến cộng đồng chung, bia rượu đã gây ra bao cái chết thương tâm.
Có thể sống hành hạ, không tôn trọng bản thân cũng không sao, nhưng ít nhất cũng đừng làm phiền đến những người đang sống vui vẻ.
Phong tục lì xì đang mất dần nét đẹp khi người lớn đang hậm hực về sự "nhiều hay ít". Ảnh: Internet
Lôi trẻ con ra làm vật trung gian cho tiền bạc
Tết là trao và gửi gắm thương yêu chứ không phải đang đi trả nợ. Người ta đang lôi con trẻ ra làm vật trung gian để trao đổi tiền bạc với nhau.
Đã có cảnh trẻ con cầm phong bao lì xì với lời chúc “hay ăn chóng lớn con nhé”, rồi người lớn về lại hậm hực “mình mừng tuổi con nó 50 nghìn mà nó mừng con mình có 5 nghìn”.
Giáo dục trẻ con không chỉ có ở nhà trường mà quan trọng là cuộc sống mà chúng đang nhìn, biết và hiểu.
Nếu thực sự có tâm, ngày Tết hãy mua cho bọn trẻ một cuốn sách, một cuốn truyện tranh...để chúng nó hiểu cuộc sống bắt đầu như thế nào.
Trẻ con thường lắng nghe và nhớ lâu hơn những gì người lớn nghĩ. Hãy làm như thế nào, để chúng nó hiểu ngày Tết là một ngày thiêng liêng, được sống trong yêu thương quan tâm ấm áp.
Chứ không phải là một cuộc trao đổi tiền bạc mà đòi người nọ bằng người kia.
Nhắm mắt lại, vẽ ra một con đường nhỏ đi qua bãi ngô mùa này đang xanh mướt. Một ngôi làng nhỏ với đèn lồng, cờ hoa rực rỡ. Bọn trẻ con đang chơi ở sân bãi, đứa nào cũng xúng xính quần áo mới khoe với đầy niềm tự hào.
Nồi bánh chưng xanh quây quần bên bếp lửa, mọi người ngồi tâm sự về những gì đã qua.
Giây phút giao thừa điểm, người lớn bế trẻ con lên trần nhà xem pháo hoa, và những ước mơ tươi đẹp vào ngày mai cũng được chắp cánh lên theo những ngọn pháo hoa ấy bay lên bầu trời.