Những cư dân bị bỏ lại trong rừng thẳm
Đứng giữa trung tâm xã Hương Quang, nơi nửa năm trước nhộn nhịp người vào ra làm việc với UB xã, tiếng loa phát thanh, tiếng trống trường hối hả... Nhưng giờ đây, tất cả đã thành "phế tích", im lìm.
Trụ sở xã, trạm y tế, trường học, bưu điện, chợ búa... giờ chỉ còn lại những đống gạch vụn, xen lẫn trong cỏ hoang um tùm.
Những ngôi nhà cũng trở nên thưa thớt, hiu hắt xen giữa một số nhà dân đã đập bỏ di dời về TĐC tạo nên một bức tranh loang lổ như bản làng sau một trận bom đạn tàn phá.
Nơi đây đang bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.
Thấp thỏm đứng ngồi không yên, anh Đinh Văn Tụy (43 tuổi, trú xóm Kim Quang) cho biết, gia đình anh vẫn chưa nhận được một đồng nào tiền đền bù, dù rất nhiều hộ dân khác đã nhận gần một năm nay.
"Xóm làng nhiều nhà về TĐC rồi, còn gia đình tôi ở lại thấy vắng vẻ, buồn lắm. Mà tôi có chống đối gì đâu, chỉ việc chờ tiền mà sao mãi đến giờ vẫn chưa có. Như thế là quá thiệt thòi cho tôi, nhiều người nhận tiền sớm, họ đi gửi ngân hàng cũng được khối tiền lãi rồi" - anh Tụy bức xúc.
Nói về cái tết sắp đến, anh Tụy buồn bã: "Thì có chi dùng nấy rứa, mà cũng chẳng tha thiết nữa. Chỉ thương bọn trẻ thiếu vắng bạn bè".
Chị Bùi Thị Thủy (SN 1962, xóm Kim Quang) đang phơi ít lúa còn sót lại để làm gạo tết, buồn bã cho biết, gia đình thấy đền bù chưa thỏa đáng nên sẽ bám trụ lại đến cùng cho đến khi thấy thỏa đáng mới thôi.
Lý do chị Thủy đưa ra là gia đình có lô đất rừng đã khai hoang từ lâu, trước cả một số hộ có rừng bên cạnh, nhưng họ thì được đo đếm, chờ đền bù, còn đất rừng nhà chị thì không được đo.
Cùng là hàng xóm với chị Thủy, bà nguyễn Thị Xanh (57 tuổi) đã nhận đền bù và đang làm nhà ở TĐC Hói Trung. Tuy nhiên, nhà đang làm dở nên gia đình bà phải đón tết ở đây.
"Ở lại đây sung sướng gì đâu, giá cả thì đắt đỏ, làng xóm thì vắng vẻ, buồn hiu. Chẳng qua người ta ở lại là vì chưa được đền bù, hay đền bù mà họ thấy chưa thỏa đáng thôi.
Chứ đau ốm không có trạm y tế, làm giấy tờ thì không có ủy ban, phải ra TĐC xa hàng chục cây số. Con cái đi học cũng phải gửi lại ngoài trường TĐC nên buồn lắm" - bà Xanh tâm sự.
Thậm chí, nhiều hộ dân nơi đây bị trôi nhà và tài sản, trắng tay sau cơn lũ quét vừa qua đã không được đưa vào danh sách khi có đoàn cứu trợ về. Lý do được những “công bộc” nêu ra là do họ chưa chấp hành di dời, hoặc là... không có hộ khẩu. Dù, họ đã định cư nơi đây hàng chục năm.
Tăng tệ nạn xã hội
Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, Trưởng Ban GPMB Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang cho biết, đến thời điểm này chỉ còn 42 hộ dân ở xã Hương Quang chưa chịu di dời.
Trong đó, có 3 - 4 hộ chưa được nhận tiền đền bù?!
Nguyên nhân, ông Đức cho rằng "do người dân chờ bù giá, họ yêu cầu tính theo giá của năm 2014. Về sâu xa là do xã kiểm kê chậm và người dân chậm phản ánh diện tích cần đền bù bổ sung".
Cũng theo ông Đức, những hộ dân chưa di dời gồm có các thành phần chưa được nhận đền bù, một số cho rằng đền bù chưa thỏa đáng, một số làm nhà ở TĐC chưa xong, rồi có số di dân theo diện tự do thì đang đi tìm đất.
Khác với những gì ông Đức cung cấp, Chủ tịch UBND xã Hương Quang, ông Lê Thanh Tĩnh cho biết, ảnh hưởng của Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, đến ngày 17/1 còn khoảng 150 hộ dân với gần 500 nhân khẩu chưa di dời.
Trong đó, nguyên nhân là có 22 hộ dân chưa được nhận tiền đền bù, rồi một số cho rằng đền bù chưa thỏa đáng, một số đang làm nhà dở ở TĐC.
Ông Tĩnh cũng thừa nhận, từ khi tỉnh có kế hoạch, rồi huyện chỉ đạo di dời trụ sở xã, trạm y tế, trường học về TĐC (di dời ngày 19/7/2013) khiến những hộ dân còn ở lại chưa về TĐC gặp nhiều khó khăn khi đau ốm, rồi đi lại xin giấy tờ bất tiện, con cái phải đi học xa không về nhà...
Đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự, tệ nạn xã hộ như cờ bạc, ma túy, đánh nhau... gia tăng.
Đối với những người dân đã về TĐC Hói Trung, theo ông Tĩnh, họ đang gặp phải nhiều khó khăn, trong đó lo ngại nhất là vấn đề gần như 100% giếng khoan bị nhiễm sắt, ngoài ra việc chưa có đất canh tác cũng khiến người dân lo lắng.
Đồn Phó Đồn Biên phòng Hương Quang, Trung tá Trần Đình Thắng khẳng định, từ khi trụ sở xã, trạm y tế... di dời về TĐC khiến tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc tại đây gia tăng.
"Từ đó đến nay, mỗi khi người dân đau ốm đều tìm đến nhờ anh em ở Đồn chúng tôi giúp đỡ, rồi xảy ra xô xát, tệ nạn xã hội...anh em cũng chịu trách nhiệm xử lý hết. Đúng là chúng tôi có thêm gánh nặng hơn" - Trung tá Thắng nói.
Cũng theo Trung tá Thắng, để những người dân chưa di dời có thêm không khí ngày tết, vào đêm giao thừa, Đồn sẽ tổ chức đêm giao lưu văn nghệ để ấm thêm tình quân dân, vơi đi cái tết buồn nơi rừng thẳm.