Tăng quyền cho CSGT- "Tôi là công dân muốn nói mấy điều như sau!"

Hà Văn Thịnh |

Nếu có chuyện khuất tất, người dân biết báo cho ai nếu điện thoại bị trưng dụng? Tại sao trưng dụng là quyền đương nhiên của CSGT mà sinh ra số đường dây nóng để làm gì?

Trước hết, phải khẳng định rằng, mọi người dân – với tư cách là công dân đầy trách nhiệm, luôn ủng hộ việc quy định cảnh sát có quyền hạn tối ưu nhất để thi hành công vụ.

Bởi đó là cách tốt nhất để tạo điều kiện cho nhân viên công lực thực thi quyền lực. Dĩ nhiên, sự tối ưu hóa của bất kỳ quyền lực nào cũng phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp, được cụ thể hóa bởi luật pháp.

Thông tư (TT) số 01/2016/TT-BCA, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông sẽ có hiệu lực vào ngày 15.2.2016 – hiện đang tạo ra rất nhiều phản ứng trái chiều là điều rất đáng để quan tâm.

Một mặt, nếu dư luận hiểu sai, rất cần BCA làm rõ để có được sự đồng thuận.

Mặt khác, nếu TT có dấu hiệu lạm quyền hay chồng lấn các quyền khác (tức là gián tiếp vô hiệu hóa những quyền đã được luật định), thậm chí vi phạm pháp luật hiện hành thì cũng rất cần được tháo gỡ...

Từ suy nghĩ trên đây, xin được góp bàn một số vấn đề sau:

Thứ nhất, TT đã phạm phải sai sót tối thiểu của văn bản học, đó là đưa ra những quy định vừa mơ hồ lại vửa rối rắm, gây nên sự bức xúc, hiểu sai không cần thiết.

Chẳng hạn, TT khẳng định CSGT có quyền kiểm tra “GPLX; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.

Ngoài ra, CSGT còn có quyền kiểm tra Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...

Rồi ngay sau đó lại thêm vào ý “và các giấy tờ khác có liên quan..."(?).

Người dân không thể hiểu tại sao phải lòng vòng như thế, trong khi chỉ cần mấy chữ “tất cả các giấy tờ có liên quan” là đủ?

Phải chăng những người soạn thông tư đã chuẩn bị tinh thần cho người dân khả năng chịu đựng khi CSGT có thể hỏi hết cái này đến cái khác mà không thể quy kết là hạch sách hay nhũng quyền?

TT cho phép CSGT được quyền “tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang” (chúng tôi nhấn mạnh – HVT).

Người dân rất khó hiểu quy định này bởi sự xuất hiện của CSGT là để tạo nên sự tin tưởng, an toàn cho việc lưu thông chứ không phải là ẩn hiện khôn luồng để “bẫy” người dân vi phạm.

Trên thế giới, người ta còn làm thêm nhiều hình nộm CSGT để người dân đi lại nhanh trên đường thấy “bóng dáng” cảnh sát mà tuân thủ luật lệ tốt hơn. Đằng này, ta đang làm ngược lại.

Thiết nghĩ rằng, việc hóa trang để mật phục, theo dõi là chức năng của CS hình sự chứ không thể, không bao giờ nên là quy định cho trách nhiệm của CSGT.

Thứ ba, TT cho phép CSGT “Được trưng dụng các loại phương tiện GT; thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” lại càng khó hiểu hơn.

(Tất cả những trích dẫn trên đây dẫn nguồn từ CAND, 17:20, 27.1.2016/ http://cand.com.vn/Ban-doc-cand/Thong-tu-moi-quy-dinh-ve-nhiem-vu-quyen-han-cua-Canh-sat-giao-thong-381183/

Theo phân tích của tác giả Nguyễn Việt Khoa (TT, 31.1.2016, 15:48 GMT+7) thì quy định này là trái luật bởi nó vi phạm Điều 24 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Do phân tích của ông NVK đã khá rõ nên chúng tôi không bàn thêm mà chỉ nhấn mạnh đến những chuyện liên quan ngoài Điều 24 đã nêu ở trên.

Cũng giống như đã nói ở trên, sự rườm rà của quy định khi dùng chữ “khác” vừa vô lí vừa phi logic. Chữ khác trong trường hợp này theo đúng nghĩa đen là tất cả mọi tài sản của người vi phạm.

Có cần thiết như thế không và như vậy, có xâm hại về mặt nhân quyền hay không?

Thử hỏi, máy chụp ảnh, laptop, ipad hay camera thì chẳng kiên quan gì đến giao thông.

Nếu thấy trong máy đó vô tình có hình ảnh tội phạm thì bất cứ công dân nào cũng sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách; có nghĩa là chẳng cần phải quy định rườm rà, tạo kẽ hở cho sự lạm quyền.

Người dân có quyền hỏi là từ nay, mọi tiêu cực của CSGT sẽ được mờ hóa tuyệt đối vì bất cứ ai quay hay chụp đều có thể bị trưng dụng cả máy lẫn hình(!) Hơn nữa, nếu có chuyện khuất tất, người dân biết báo cho ai nếu điện thoại bị trưng dụng?

Tại sao trưng dụng là quyền đương nhiên của cảnh sát thì sinh ra số điện thoại đường dây nóng để làm gì?

Ở nhiều nước trên thế giới, khi truy đuổi tội phạm, cảnh sát có quyền trưng dụng bất kì phương tiện nào – và, người dân cũng sẵn sàng hợp tác; nhưng chưa thấy ở đâu quy định CSGT có quyền trưng dụng mọi thứ, xét hỏi mọi cái, làm bất cứ điều gì, kể cả... hóa trang!

Trước khi kết thúc bài này, xin nhấn mạnh rằng TT đã “quên” một vấn đề quan trọng: Không đề cập gì đến chuyện nếu CSGT vi phạm thì chế tài là gì?

Trả lời báo Người Lao Động về thắc mắc trên, ngày 27.1, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính - Tư pháp (BCA) nói rằng:

“Tài xế vẫn có quyền hỏi lại CSGT vì sao bị dừng phương tiện và CSGT phải có nghĩa vụ giải thích cho tài xế lý do dừng xe”! Nói như thế, chẳng nhẽ nếu CSGT lạm quyền, lộng quyền; thì chỉ cần hỏi – đáp là đủ hay sao?

Khi tiếp xúc rồi đặt câu hỏi với những người bình thường nhất trong xã hội một cách ngẫu nhiên, theo phương cách thống kê xã hội học giản dị nhất mà người viết bài này vẫn dạy cho sinh viên, câu trả lời chung nhất là sự... quan ngại!

Có người nói, nếu việc chuyển, nhận tiền vẫn gửi qua điện thoại như lâu nay, nếu CSGT “trưng dụng”, tiền bạc bị thất lạc thì biết kêu ở đâu?

Có người thắc mắc rằng, trong điện thoại, máy ảnh có rất nhiều hình ảnh, tin nhắn riêng tư mà chỉ vợ hay chồng mới biết, nếu CSGT cũng đọc hay xem những “bí mật” đó thì có phải là đã can thiệp sâu quá vào đời tư cá nhân hay không?

Hoặc, một trường hợp khác đặt vấn đề là chẳng lẽ thời nay, lưu thông trong thành phố cũng phải mang đủ mọi loại giấy tờ, vừa bất tiện lại vừa nghuy hiểm, bởi lỡ bị mất thì chỉ riêng chuyện làm lại đã tốn rất nhiều công sức, tiền của.

Một ý kiến khác cho rằng, một khi phương tiện bị trưng dụng tức khắc, không có biên bản bàn giao (nếu có thì phiền hà vô cùng).

Vậy thì sau khi nhận lại, làm sao tranh cãi, kiện tụng về những hư hỏng mà cả hai phía đều không thể chứng minh được hư hỏng đó phát sinh trước hay sau khi “trưng dụng”?...

Rõ ràng, TT trên đây đặt ra cho người dân trong toàn xã hội hàng loạt vấn đề. Chỉ riêng chuyện đó thôi, một cái Tết kém vui – nếu không muốn nói là bất an, là điều lẽ ra không nên có...

Dù là chính quyền được thiết lập theo cách thức nào thì nguyên tắc cơ bản chỉ có một: Đem đến cho người dân sự thuận lợi, an toàn tối đa và hạn chế sự lộng hành, lạm quyền, phiền hà đến mức tối thiểu.

Chính vì thế, trong Diễn văn bế mạc ĐH Đảng Toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, định hướng trong những năm tới là tư tưởng “trọng dân, gần dân, vì dân. Nói đi đôi với làm”.

Rất mong muốn những người có trách nhiệm xem xét để điều chỉnh TT trước ngày 15.2 - thời hạn sẽ gây ra bao nỗi muộn phiền...

Huế, 31.1.2016

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại