“Công chức trong khu vực Nhà nước đã dư thừa”
Về đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm của người lao động đối với một số lĩnh vực ngành nghề của Bộ LĐ-TB&XH gần đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải cân nhắc thật kĩ lưỡng.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động cần phải cân nhắc thật kĩ lưỡng bởi các nhóm đối tượng lao động trong xã hội chịu sự tác động của chính sách này rất rộng. Tăng độ tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm chỉ nên áp dụng cho một số ngành nghề cụ thể đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm và chỉ nên áp dụng đối với lao động nữ thì sẽ hợp lý hơn.
Theo tôi, lao động trong một số lĩnh vực ngành nghề nên áp dụng chính sách tăng độ tuổi nghỉ hưu như y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học… bởi đây là những lĩnh vực đòi hỏi lao động phải có bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu”.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chính sách điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu (tăng thêm 5 năm) của người lao động chỉ nên dừng lại ở việc áp dụng trong lĩnh vực chuyên môn như giảng dạy, nghiên cứu… còn lĩnh vực quản lý nhà nước không nên áp dụng chính sách này.
Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Hiện nay, sức ép về vấn đề việc làm ở nước ta là rất lớn. Không chỉ khu vực tư nhân mà cả khu vực nhà nước cũng vậy.
Có một thực tế là hiện nay số lượng lao động (công nhân, viên chức) trong khu vực nhà nước đã quá nhiều, thậm chí dư thừa và chính chúng ta đang phải tiến hành cải cách hành chính sao cho bộ máy quản lý nhà nước được tinh, gọn và hoạt động hiệu quả.
Bởi thế, việc áp dụng chính sách tăng độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động không nên áp dụng đối với lĩnh vực quản lý nhà nước bởi nó sẽ tạo thêm gánh nặng trong công tác quản lý và xã hội”.
Chỉ nên áp dụng đối với lao động nữ
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu (cụ thể tăng thêm 5 năm như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH) chỉ nên áp dụng đối với lao động nữ trong phạm vi một số lĩnh vực ngành nghề nhất định:
“Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm chỉ nên áp dụng đối với lao động là nữ giới và trong một số ngành nghề nhất định thôi. Đây là việc làm thể hiện sự công bằng đối với lao động nữ.
Thực tế thì trong công việc, lao động nữ ít có cơ hội để được làm việc, cống hiến và thăng tiến như nam giới, dù rằng chúng ta đang hướng đến (và cũng đã có những biện pháp cụ thể) bình đẳng giới, trong đó có cả trong công việc.
Tuy nhiên, dù có cố gắng thì lao động nữ vẫn chịu những thiệt thòi trong công việc như: phải phân bố thời gian cho công việc gia đình, nội trợ, sinh nở và chăm sóc con cái… Bởi thế, nhiều lao động nữ mãi khi vào độ tuổi trung niên trở đi, khi con cái đã lớn thì mới có thời gian để tập trung cho công việc”.
“Tăng độ tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ là cần thiết, để tạo điều kiện cho họ cống hiến được nhiều hơn. Nhưng việc tăng độ tuổi nghỉ hưu này cũng phải dựa trên các điều kiện như sức khỏe, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và phải do chính họ tự nguyện.
Ngoài ra cũng chỉ nên áp dụng đối với một số ngành nghề đặc thù mà thôi, còn những lao động nữ trong các ngành nghề phổ thông khác thì nên cho họ được nghỉ hưu đúng với độ tuổi của chế độ nghỉ hưu hiện hành”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết thêm.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, vấn đề “vỡ quỹ lương hưu” mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra cũng cần phải được xét dưới nhiều góc độ. Ở đây cần phải đặt trong tổng thể của nền kinh tế chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề về lương hưu.
Nếu không tính toán kĩ lưỡng thì việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động không những không giải quyết được khó khăn trong vấn đề quỹ lương mà lại còn gây ra gánh nặng cho nền kinh tế.