Năm nào cũng vậy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT lại trở thành tâm điểm để dư luận mổ xẻ nguyên nhân với câu hỏi thường lệ vì sao tăng, vì sao giảm?
Ngày 20.2.2013, Bộ GDĐT tổ chức tổng kết năm học 2012-2013, người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo nước nhà đã thừa nhận rằng, tỷ lệ tốt nghiệp THPT còn xa với thực tế. Như vậy, chính ngành giáo dục đã tự nhận về kết quả của một kỳ thi sau 12 năm đèn sách vẫn chưa được...chuẩn.
Ý chí của lãnh đạo bộ đặt ra là phải “trung thực với dân với Đảng” nên tỷ lệ tốt nghiệp năm sau không được vượt quá tỷ lệ những năm trước đó. Để phù hợp với chuẩn kiến thức, nằm trong chương trình và học sinh có học lực trung bình cũng tốt nghiệp.
Theo Bộ GDĐT, lý do để hạ bậc thi đua là do kỳ thi năm trước, bộ phúc tra bài thi của 16 địa phương, cho thấy kết quả sai phạm lớn. Ảnh: Internet
Điểm mới năm nay là thí sinh được mang thiết bị chống tiêu cực vào phòng thi, nhưng bộ không nhận được phản ánh nào từ thí sinh. Hiện tượng Đồi Ngô không lặp lại. Trong 924.500 thí sinh dự thi chỉ có 49 trường hợp vi phạm quy chế như mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi, hiện tượng thí sinh trao đổi bài đã được thanh tra chấn chỉnh. Việc phao trắng sân trường là do thí sinh mang theo nhưng không mang vào phòng thi, thi xong vứt bỏ.
Kết quả như vậy không chỉ ngành GDĐT mừng, xã hội cũng mừng, nhất là gần một triệu học trò đã hoàn thành chặng đường đầu tiên- sau 12 năm miệt mài đèn sách. Sự nghiệp giáo dục năm sau tốt hơn năm trước thì phải mừng chứ.
Đùng một cái, một số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp quá cao, cao hơn năm trước lại bị bộ hạ bậc thi đua. “Đau” nhất là TP.HCM, tỷ lệ tốt nghiệp năm này cao- hơn năm trước 0,76%- dù là đơn vị duy nhất trong 63 tỉnh, thành đạt cả 14 chỉ tiêu thi đua- cũng bị hạ bậc.
Theo giải thích của bộ, lý do để hạ bậc thi đua là do kỳ thi năm trước, bộ phúc tra bài thi của 16 địa phương, cho thấy kết quả sai phạm lớn. Năm nay, bộ chưa rút bài chấm phúc tra, nhưng để cho “chắc ăn”, trên cơ sở kết quả phúc tra năm trước, bộ cứ hạ bậc thi đua với tỉnh nào có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước đó. Tại sao bộ không chờ kết quả phúc tra năm nay để cho có sự công minh?
Lấy cơ sở phúc tra năm trước để hạ bậc thi đua với các địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao liệu có “oan” cho các địa phương? Trong khi bộ đánh giá năm nay thi nghiêm túc hơn năm trước. Sao lại có chuyện khống chế tỷ lệ chung cho cả 63 tỉnh, thành?
Hẳn dư luận vẫn còn nhớ sự kiện Bình Dương hai năm về trước. Giám đốc Sở GDĐT đã có lời xin từ chức, vì tại buổi chất vấn HĐND tỉnh, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh có tăng theo từng năm, nhưng vẫn đứng ở vị trí thấp, chỉ tăng có 9%. Nếu tăng “chậm” mà chắc như Bình Dương thì hẳn cũng sẽ bị hạ bậc thi đua theo “tiêu chí” mới của bộ?
Việc hạ điểm thi đua, kiềm chế tỷ lệ tốt nghiệp theo tiêu chí có “một không hai” của bộ, có phải là khâu đột phá, đánh giá được thực chất của dạy và học, chấm dứt được bệnh thành tích vốn đã trở thành căn bệnh nan y trong ngành giáo dục, mà chưa tìm được phương thuốc đặc trị?
Vậy, bộ sẽ lý giải như thế nào không chỉ với địa phương mà cả dư luận, về một chủ trương mà bộ đã triển khai nhằm “cứu” những học sinh không đỗ tốt nghiệp. Đó là, năm 2007, Bộ triển khai phong trào hai không, tỷ lệ tốt nghiệp năm đó rớt thê thảm. Chẳng lẽ, số học sinh không đỗ tốt nghiệp năm đó học lại. Bộ đành cứu bằng cách cho thi tốt nghiệp lần hai.
Bộ lại phải đề xuất với Chính phủ để xin hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hè, hỗ trợ cho học sinh không đỗ tốt nghiệp học ôn để thi lại, mong có được tấm bằng vào đời, xin việc ở đâu, cũng phải có tối thiểu cái bằng tốt nghiệp phổ thông. Bộ lại còn mở tiếp cánh cửa cho những học sinh này, bằng lối đi mới là đăng ký vào học trường trung cấp chuyên nghiệp cũng sẽ có tấm bằng tốt nghiệp?
Rõ ràng, Bộ GDĐT vẫn chưa tìm được đáp án của bài toán chất lượng giáo dục bậc phổ thông.