Tận mắt tài xế rút dầu xe buýt bán cho đầu nậu nhận tiền 'tươi'

Quy trình móc nối với đầu nậu rút dầu xe buýt diễn ra công khai.

Nhiều tài xế xe buýt chạy tuyến 95 bến xe miền Đông - Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) thuộc Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) thường xuyên móc nối với đầu nậu rút dầu xe buýt bán công khai.

Quy trình rút 60 lít dầu từ xe buýt 53N-7586 và nhận tiền “tươi” từ tay ông Phong của tài xế Nguyễn Duy Tân trưa 20-2 - Ảnh cắt từ clip của Đức Phú - Hoàng Lộc

Quy trình rút 60 lít dầu từ xe buýt 53N-7586 và nhận tiền “tươi” từ tay ông Phong của tài xế Nguyễn Duy Tân trưa 20-2 - Ảnh cắt từ clip của Đức Phú - Hoàng Lộc

Quy trình rút 60 lít dầu từ xe buýt 53N-7586 và nhận tiền “tươi” từ tay ông Phong của tài xế Nguyễn Duy Tân trưa 20-2 - Ảnh cắt từ clip của Đức Phú - Hoàng Lộc

Quy trình rút 60 lít dầu từ xe buýt 53N-7586 và nhận tiền “tươi” từ tay ông Phong của tài xế Nguyễn Duy Tân trưa 20-2 - Ảnh cắt từ clip của Đức Phú - Hoàng Lộc

Quy trình rút 60 lít dầu từ xe buýt 53N-7586 và nhận tiền “tươi” từ tay ông Phong của tài xế Nguyễn Duy Tân trưa 20-2 - Ảnh cắt từ clip của Đức Phú - Hoàng Lộc

Bến trả khách cuối cùng của tuyến xe buýt này nằm trên ba trục đường trong Khu công nghiệp Tân Bình gồm đường CN11, CN13, DC8 (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Cách bến trả khách 100m (nằm trên đường DC8) là “bãi đáp” rút dầu. Tại “bãi đáp” luôn có mặt đầu nậu tên Phong (50 tuổi) sẵn sàng “ăn hàng”.

Tấp nập vào “bãi đáp”

12g30 ngày 22-2, tài xế xe buýt 53N-7587 chở những hành khách cuối cùng về bến. Khách vừa bước xuống xe, tài xế xe buýt không cho xe vào bãi mà quay đầu xe chạy thẳng về khu vực “bãi đáp” để rút dầu. Tại đây, ngay dưới tán cây rậm rạp, ông Phong chuẩn bị sẵn một can nhựa và dụng cụ rút dầu là một chiếc vòi dài 2,5m ngồi đợi. Vừa dừng xe, tài xế xe buýt này nhảy xuống mở bình dầu. Ông Phong rút xấp tiền trong túi quần đưa cho tài xế rồi rút dầu từ bình dầu xe buýt qua can nhựa. Khoảng hai phút sau, dầu được rút từ xe buýt qua đầy can nhựa 30 lít, ông Phong vặn nắp cẩn thận, khiêng vào để dưới gốc cây.

Buộc thôi việc tài xế hút dầu

Một phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn cho biết việc nhân viên xe buýt có hành vi rút dầu là vi phạm nội quy của công ty. Theo quy định của công ty, nhân viên xe buýt có hành vi rút dầu sẽ phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Công ty sẽ kiểm tra và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm này.

N.ẨN

Trước đó trưa 21-2, ông Phong chạy xe máy chở tám can nhựa 30 lít đến “bãi đáp”. Mở màn cho buổi rút dầu ngày hôm đó là xe buýt 53N-7594. Như thường lệ, trả khách xong, tài xế xe buýt phóng xe chạy thẳng qua “bãi đáp”. Trong chớp nhoáng, 30 lít dầu rút từ xe buýt được chuyển qua can nhựa. Tài xế xe buýt nhận tiền và đứng đếm, sau đó phóng xe về bến. Xe buýt 53N-7594 vừa rời khỏi “bãi đáp” thì tiếp tục thêm xe buýt 53N-7585 lùi vào để rút dầu. Khác với các xe buýt trước, tài xế xe buýt này ngồi trên cabin mở cửa ló đầu, ném chìa khóa bình dầu cho ông Phong “tự xử”. Trong vòng chưa đầy hai phút, ông Phong rút dầu từ xe buýt vào can nhựa 30 lít. Đợi ông Phong làm xong việc, tài xế xe buýt mới bước xuống xe nhận xấp tiền, leo lên xe phóng về bãi mắc võng nằm nghỉ ngơi.

Cũng trưa 21-2, chúng tôi còn ghi nhận thêm hai tài xế xe buýt khác chạy đến “bãi đáp” rút dầu bán, đó là xe 53N-7114, 53N-7591. Trung bình cứ 10 phút lại có một xe buýt đến để rút dầu và hầu hết các xe buýt khi vào “bãi đáp” đều rút ở mức 30 lít dầu. Trong các ngày 19 và 20-2, chúng tôi còn ghi nhận thêm tài xế ba xe buýt gồm 53N-7591, 53N-7401, 53N-7586 chạy xe tấp vào “bãi đáp” rút dầu bán cho ông Phong. Đặc biệt, trong số những xe buýt rút dầu này có xe 53N-7586 được rút dầu với số lượng lên đến 60 lít.

Đôi khi cũng có trường hợp tài xế xe buýt mua dầu của ông Phong. Ngày 21-2, xe buýt 53N-7114 chạy qua “bãi đáp” để ông Phong rút 30 lít dầu. Nhưng đến trưa 22-2 thì tài xế xe buýt này quay lại “bãi đáp” để mua 15 lít dầu.

Kiếm lợi lớn

Nhiều người dân sinh sống gần khu vực bến xe buýt Khu công nghiệp Tân Bình cho biết tình trạng các tài xế xe buýt rút dầu bán cho đầu nậu rất công khai nhưng không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý. “Ngày nào cũng vậy, tài xế xe buýt sau khi trả khách đều rút dầu bán cho đầu nậu” - ông N.T.A. (40 tuổi, một người dân địa phương) bức xúc nói.

Theo tìm hiểu, bến xe buýt Khu công nghiệp Tân Bình có trên 20 đầu xe buýt thường xuyên hoạt động. Tại đây, ông Phong nắm “độc quyền” việc rút dầu từ các xe buýt từ nhiều năm nay. Thông thường thời gian cao điểm để rút dầu vào buổi trưa đến đầu giờ chiều (từ 11g-14g). Trước khi đến “bãi đáp”, ông Phong thường liên hệ trước với cánh tài xế để nắm số lượng. Sau đó sắp xếp số can nhựa mang đi đựng dầu cho phù hợp.

Khoảng 14g ngày 21-2, sau khi “rút ruột” dầu từ bốn xe buýt được 120 lít, ông Phong vận chuyển số dầu này bằng xe máy về tập trung tại một căn nhà ở hẻm 44 An Hội (P.13, Q.Gò Vấp). Ông Phong tiết lộ: “Trung bình mỗi ngày tui rút dầu từ các xe buýt tại bến xe Khu công nghiệp Tân Bình được 6-8 can nhựa loại 30 lít, tương đương 180-240 lít dầu. Ngoài rút dầu từ xe buýt ở Khu công nghiệp Tân Bình, tui còn lấy hàng tại nhiều nơi khác trong TP”.

Theo ông Phong, nhiều tài xế chạy xe buýt ở bến Khu công nghiệp Tân Bình đều là “anh em quen biết cả” và là “mối ruột” rút dầu từ khi thành lập bến xe buýt này. Xe buýt cứ chạy chừng hai ngày là rút dầu được một lần. Mỗi lần rút 30 lít dầu, xe nào bét lắm cũng rút được 15 lít. “Tui rút nhanh gọn lắm, tầm một phút là đầy can nhựa 30 lít” - ông Phong kể. Dầu rút từ các xe buýt, ông Phong trả cho các tài xế với giá 625.000 đồng/30 lít, tương đương 20.833 đồng/lít. Nếu so với giá dầu diesel (dầu chạy xe buýt) hiện nay là 22.740 đồng/lít thì ông Phong kiếm được gần 2.000 đồng/lít. Toàn bộ số dầu thu gom từ các xe buýt, ông mang bán lại cho một số tài xế chạy xe tải.

Riêng về phần các tài xế, việc “rút ruột” dầu xe buýt bán mang lại cho họ một khoản thu nhập đáng kể. Điều này được thể hiện bằng phép tính đơn giản là cứ hai ngày, một tài xế thực hiện rút dầu bán một lần. Mỗi lần rút 30 lít thì trung bình một tháng, một tài xế có thể rút 15 lần với lượng dầu lên tới 450 lít. Nếu tính theo giá mà ông Phong mua hiện nay là 20.833 đồng/lít, mỗi tháng một tài xế có thể đút túi được hơn 9 triệu đồng.

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ

* Chuyên gia giao thông Phạm Sanh:

Cơ chế bao cấp thiếu kiểm tra

Trước đây từng xảy ra vụ xé vé xe buýt để hưởng ngân sách trợ giá do lượng khách ảo không đi xe buýt, bây giờ lại phát hiện tình trạng tài xế ăn cắp dầu. Điều này cho thấy bản chất của vấn đề là cơ chế trợ giá xe buýt hiện nay là cơ chế bao cấp thiếu kiểm tra. Theo đó, trợ giá không tính hiệu quả thực tế, các cơ quan chức năng đưa ra những con số theo chỉ tiêu kế hoạch mà không có biện pháp đánh giá và thống kê cho đúng... Vấn đề cơ bản là kiểu trợ giá hiện nay tạo cơ hội cho nhiều người làm bậy.

Sở Giao thông vận tải TP hứa đưa ra biện pháp khắc phục trợ giá và vấn đề kiểm soát tiền trợ giá xe buýt từ 1.300-1.400 tỉ đồng/năm nhưng phương án không rõ ràng. Ngay cả số liệu vận chuyển bao nhiêu khách một năm cũng không rõ nên sẽ có một khoảng hở, điều đó dẫn đến thất thoát tiền trợ giá. Để khắc phục điều này, sở cần kiểm tra thực tế hoạt động xe buýt, chấm dứt trợ giá xe buýt kiểu bao cấp, cần tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá có sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách và một phần ngân sách nhà nước.

N.ẨN ghi

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại