Những lần "chơi BĐS" đầu tiên, tôi đều thắng lớn. Tôi mua hẳn một ngôi nhà mặt phố nhưng không ở mà cho thuê. Dù có tiền, tôi vẫn tiết kiệm hết mức có thể để đầu tư tiếp. Tôi ở ngay tại cơ quan, ăn thức ăn thừa từ trưa của mọi người ở cơ quan để lại. Đôi khi tôi cũng thấy mình khá kỳ cục, và tôi biết nếu ai thấy chuyện này hẳn họ sẽ coi tôi là quân "cứt sắt", ki bo. Nhưng tôi thì hoàn toàn thoải mái vì điều đó. Ai xông xênh sung sướng xe nọ em kia tôi mặc kệ. Tôi đang hăng máu kiếm tiền.
Bây giờ qua Tết đã đủ lâu để người ta quên dần đi những dư âm của nó. Bây giờ đã hết tháng Ba, hết tiết Thanh minh, hết mọi cái rét, sắp chuyển sang mùa hè. Tôi đã rầu rĩ, đau khổ suốt từ năm ngoái tới năm nay mà chưa hết. Mùa xuân lẽ ra tưng bừng sung sức hóa ra lại là mùa khiến tôi nhàu nhĩ. Tôi nhàu nhĩ như thế có lẽ bởi suốt mùa xuân, tôi đã bị nguyền rủa vì những lời dối trá của mình. Phải cay đắng mà nói rằng, chưa bao giờ tôi gặp phải cái "hạn" lớn như trong vòng một năm qua. Nhưng tôi đã may mắn vượt qua cái ngưỡng cuối cùng bởi tình yêu của mẹ.
Tôi còn rất trẻ, mới 32 tuổi. Tôi còn chưa kịp có vợ có con. Tôi mải mê với con đường sự nghiệp, kiếm tiền và có thể gọi là thành đạt khi còn chưa bước vào tuổi "tam thập nhi lập". Tôi đã từng tự hào về điều đó. Bố mẹ anh chị tôi còn tự hào hơn gấp bội. Thằng cu Tân ngày nào tròn thu lu suốt ngày lấm lem bùn đất chạy lẵng nhẵng theo mẹ ngoài đồng đã trở thành giám đốc một cơ quan cấp huyện, khi mới 28 tuổi.
Ngày xưa, tôi cũng như bao đứa trẻ trai đồng rừng khác, quanh năm chỉ biết đến những trò chơi lăn lộn nơi đồng đất, bố tôi đi công tác xa nhà, mỗi tuần mới về một lần, còn mẹ tôi thì ở lại quê nhà vừa chăm sóc ruộng vườn vừa chăm sóc ông bà già cả. Mẹ phải vất vả một nắng hai sương, người ta vất vả một thì mẹ chịu vất vả hai. Tính mẹ cẩn thận, chu đáo, cầu toàn, mẹ lúc nào cũng ráng sức chăm nom vẹn mọi bề để bố tôi yên tâm công tác. Đến khi tôi học xong cấp 1 ở quê, bố tôi bàn với mẹ phải đưa tôi ra thị xã để được học hành tốt hơn. Nói là ở quê, nhưng quê tôi cũng không quá xa thị xã, nếu đi xe ôtô cũng chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ. Nhưng đoạn đường đi ôtô hết 2-3 tiếng ấy là cả một khoảng cách về cái sự thuận lợi học hành.
Ở thị xã, tôi được làm quen với một ngôi trường mới, khang trang, khác hẳn với cái trường nhỏ bé cũ kỹ ở quê. Thời gian đầu mới ra thị xã, tôi bị choáng ngợp bởi một không khí rất khác. Ở đây người ta không nhìn thấy đồng ruộng, phải đi khá xa mới có thể tắm sông, leo đồi nghịch ngợm như xưa. Tôi chuyển sang những mối quan tâm mới. Bọn trẻ bằng tuổi tôi khi ấy ở thị xã thay vì nghịch đất cát thì thường chơi điện tử hoặc đá bóng ở sân vận động. Riêng tôi, tôi chẳng mê những thứ đó.
Thật là khó lý giải, tôi mê nhất là cái hiệu sách ở gần trường mình. Ngày ngày đi qua đi lại, tôi đều dán mắt vào nó, và cứ mỗi khi được bố cho đi xem sách là tôi sung sướng mê li. Có lẽ nhờ tình yêu kỳ lạ với những cuốn sách, trong đó chứa bao nhiêu điều thú vị, tôi đã luôn là một học sinh có thành tích học tập tốt, vững, được các thầy cô hết lời khen ngợi, nêu gương. Cảm giác hơn người đã có trong tôi từ thời đó, cảm giác nhất định mình sẽ thành công sau này cũng đã ngự trị trong tôi.
Tôi chỉ thích học, và việc đỗ đại học giống như một nấc thang đương nhiên tôi thừa sức bước lên. Tôi học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một ngôi trường thời thượng khi đó. Tôi dự định học xong sẽ về làm việc ở ngành ngân hàng ở tỉnh nhà để tiện chăm sóc bố mẹ và cũng sẽ dễ thăng chức hơn. Tôi đã lên kế hoạch rõ ràng đến từng chi tiết, ngày tháng. Thế nhưng, khi tốt nghiệp trở về, mọi sự không dễ dàng như tôi tưởng.
Các ngân hàng ở thị xã đều không có chỉ tiêu tuyển người. Dẫu cầm tấm bằng Khá, nhưng tôi cũng phải nằm nhà đến 2 tháng trời mới tìm được việc làm ở một huyện mới được thành lập, cách nhà hàng trăm cây số. Trong sự khó khăn đó, tôi đã nhìn thấy cơ hội của mình. Tôi trẻ và có bằng cấp, năng lực, tôi sẽ sớm có được chỗ đứng, sau đó đi đâu làm gì cũng còn chưa muộn.
Để nhắm một cái ghế giám đốc, tôi đã chịu hi sinh cuộc sống sung sướng ở thành thị và về cái huyện xa tít mù khơi, cả thị trấn cũng không có gì đáng để gọi là hưởng thụ. Quả đúng như tôi tính, chỉ sau 2-3 năm, tôi đã được cất nhắc lên chức phó, và đến năm thứ 5 đi làm, tôi đã đường đường là một giám đốc. Dẫu chỉ là sếp ở huyện vùng sâu vùng xa, nhưng nước cờ của tôi không đơn thuần là tiến tiếp ở nơi "khỉ ho cò gáy" ấy. Tôi chỉ đi làm đủ để có kinh nghiệm và sẽ sớm nhảy về thành phố. Ở đó, cơ hội cho một giám đốc cấp huyện như tôi rất nhiều.
Đúng như mong đợi, 29 tuổi, tôi được về thành phố làm phó giám đốc chi nhánh một công ty ăn nên làm ra. Tôi biết rõ lợi thế của mình là tuổi trẻ, sự xông xáo và không vướng bận. Tôi về thành phố và có chút chức tước, nhưng luôn hết sức nỗ lực để tích lũy cho mình mọi thứ. Từ quan hệ, tới các mối làm ăn, tiền bạc, nhà cửa… Trừ tình yêu ra, tôi đầu tư vào mọi thứ khác. Những người bạn của tôi không có ai là bạn tri âm tri kỷ, họ chỉ thuần túy là bạn hàng hoặc bạn đồng hương thi thoảng gặp cho khỏi mang tiếng xa quê mất gốc.
Cũng khá nhiều người giới thiệu cho tôi cô này cô khác, bố mẹ cũng giục giã nhiều lần. Chả gì thì ở tuổi tôi, hầu hết bạn bè cũng đều đã lập gia đình. Tôi thì vẫn bình chân như vại. Tôi không có cảm hứng với các cô gái như cảm hứng với công việc, với sự nghiệp kiếm tiền và mục đích giàu có. Thế nên tôi phớt lờ tất cả, cứ ừ hữ đấy nhưng không xúc tiến bất cứ "phi vụ" tình cảm nào. Chính vì vậy mà có người còn đồn thổi rằng hình như tôi có vấn đề giới tính. Nhưng mặc kệ, tôi nào có quan tâm tới chuyện thiên hạ nói gì.
Về thành phố, vốn tính thích tìm tòi, tôi càng có cơ hội đọc khá nhiều sách dạy đủ thứ kỹ năng, nhìn khá nhiều cách làm giàu của nhiều người, tôi biết rằng ở thành phố, người ta làm giàu nhanh nhất nhờ bất động sản. Thế là tôi bắt đầu đi theo con đường ấy. Có bao nhiêu tiền tích lũy được, tôi tìm kiếm mối làm ăn, kết thân với các đại gia địa ốc để đầu tư chung với họ.Ban đầu chỉ là mấy "đại gia" cấp cơ quan. Thấy ai có vẻ có người nhà nắm rõ tình hình và đã đầu tư thành công, tôi liền lân la hỏi han, tận dụng mọi thì giờ rảnh rỗi để tạo niềm tin với họ, đến khi họ chủ động rủ tôi đầu tư thì coi như cá đã cắn câu.
Những lần "chơi BĐS" đầu tiên, tôi đều thắng lớn. Tôi mua hẳn một ngôi nhà mặt phố nhưng không ở mà cho thuê. Dù có tiền, tôi vẫn tiết kiệm hết mức có thể để đầu tư tiếp. Tôi ở ngay tại cơ quan, ăn thức ăn thừa từ trưa của mọi người ở cơ quan để lại. Đôi khi tôi cũng thấy mình khá kỳ cục, và tôi biết nếu ai thấy chuyện này hẳn họ sẽ coi tôi là quân "cứt sắt", ki bo. Nhưng tôi thì hoàn toàn thoải mái vì điều đó. Ai xông xênh sung sướng xe nọ em kia tôi mặc kệ. Tôi đang hăng máu kiếm tiền.
Giữa năm ngoái, nghe tin có một khu đất giá rẻ có tương lai, tôi đã dồn hết những gì tôi có và huy động bạn bè, vay mượn để đầu tư một quả cho "đã". Tôi cực kỳ tin tưởng vào lần làm ăn này và ra sức thuyết phục mấy cậu bạn có ít tiền tích trữ cho tôi vay với lời hứa trịnh trọng sẽ trả lãi cao hẳn hoi.
Thế nhưng lần làm ăn lớn này chính là một thất bại to lớn mà tôi phải hứng chịu. Tôi đã thiếu tính toán và không thể lường trước được những ảnh hưởng của sự trượt giá, tất cả đất đai nhà cửa sụt giá thảm hại. "Khu đất chết" tôi đã mua giờ giá đã giảm tới 25%. Lúc này, lãi mẹ đẻ lãi con, đất đai bán không được, tôi gần như rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi hoảng sợ những tiếng chuông điện thoại. Cuộc gọi nào tôi cũng sợ là của những chủ nợ. Ở cơ quan, tôi cũng nợ, với bạn bè, tôi cũng nợ, tôi cáo ốm và trốn tránh mọi người. Tôi trách mình đã quá tham lam, tôi hoang mang không biết phải làm thế nào để đi qua khủng hoảng. Ngày tết, tôi chỉ âm thầm về nhà đúng một ngày rồi quày quả đi ngay với lí do bận trực. Cái tết chưa bao giờ khủng khiếp thế, bởi tôi đã khiến những người bạn của tôi mất tết theo.
Thế rồi, trong cơn bấn loạn, sau một tuần nằm tuyệt vọng, tôi đã định lao ra đường tự tử, chấm dứt tất cả mọi nỗi phiền muộn. Tôi đã sẵn sàng lao ra với cái đầu hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại một quyết tâm chết ghê gớm. Nhưng đúng lúc tôi bật cửa lao ra, tôi đâm sầm vào mẹ tôi, người mẹ thương yêu tóc bạc, tay run vì quá lo lắng cho tôi đã lặn lội tới tận đây để tìm con. Tôi sụp xuống cùng mẹ. Tôi chỉ biết gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi" rồi khóc tu tu như một đứa trẻ.
Phải, tôi vẫn hoàn toàn là một đứa trẻ của mẹ. Thiếu chút nữa, tôi đã cướp đi tất cả bao nhiêu yêu thương, nuôi nấng, hi vọng của đời mẹ, ấy là cái thân tôi… Đêm hôm ấy, tôi đã kể với người mẹ nông dân của tôi tất cả. Bà chỉ ngồi bên tôi và ngước đôi mắt thương yêu, lo lắng nhìn đứa con có lớn mà không có khôn. Trong giây phút ấy, tôi chợt nhận ra, Mẹ sẽ không có một túi tiền to cho tôi trả nợ, nhưng bà có một tình yêu lớn để tôi hiểu rằng tôi vẫn còn tất cả để làm lại từ đầu…
Theo CAND