Nhiếu ý kiến cho rằng, việc làm này tích cực giúp CSGT ngày làm việc càng trách nhiệm và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, cũng vì lý do có camera trên xe, nhiều người đã "bắt lỗi" làm khó cho không ít CSGT khi làm nhiệm vụ.
Gắn camera để tự... minh oan
Trường hợp của anh Trần Duy Văn ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa phản ánh đến báo Người Đưa Tin về việc anh bị CSGT phạt quá mức vi phạm.
Anh Văn cho biết, khi anh lái ô tô chạy qua QL 1A địa phận tỉnh Hà Nam, anh bị CSGT phát hiện chạy quá tốc độ và lập biên bản xử phạt. Trong biên bản, CSGT xử phạt chạy tốc độ 86km/h nhưng thực tế ở thời điểm ấy anh chỉ chạy 76km/h.
Phải rất lâu sau khi anh Văn trình bày, thậm chí lấy đoạn video mà camera gắn trên xe đã quay lại thì CSGT thì mới thừa nhận xe chạy tốc độ 76km/h như clip ghi lại.
Trớ trêu hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội), chị cho biết khi đang lưu thông trên quốc lộ có 2 làn đường cùng chiều cho ôtô, chị đi ở làn 80km/h.
"Khi gặp xe đi phía trước, mình xin vượt nhưng họ cứ chạy 60km/h và không chuyển làn để mình vượt trái. Mình xin vượt thế nào cũng không cho nên đành chuyển ra làn phải để vượt qua rồi mới chuyển sang làn trái chạy tiếp. Chạy thêm được vài trăm mét thì chị bị CSGT tuýt còi vì đi sai làn đường, sai tốc độ", chị Tâm kể.
Máy quay nhỏ đặt trên xe có thể ghi lại rất rõ các lỗi đèn tín hiệu hay lỗi lấn làn, đè vạch
Ý thức được mình mắc lỗi, chị Tâm trình bày lý do vì có "chướng ngại vật" của xe tải phía trước. Tuy nhiên, hai đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ ở tuyến đường đã không chấp nhận và cho rằng chị Tâm ngụy biện cho việc vi phạm của mình.
Rất may khi ấy camera hành trình trên xe đã mở và ghi lại toàn bộ sự việc. Sau khi được xem đoạn video trên, CSGT đã thông cảm và đồng ý không xử phạt trường hợp của chị Tâm.
Hay gần đây nhất ngày 27/11, anh Lê Thế Quang điều khiển ô tô qua cầu Thanh Trì, anh bị CSGT tuýt còi vì chưa xi nhan. Mặc dù rất bất bình, nhưng anh Quang cũng nhẹ nhàng xuất trình giấy tờ và lập tức bỏ camera ra ghi hình để chứng minh cho CSGT sự nhầm lẫn này.
Thời gian vừa qua, những trường hợp dùng camera hành trình để ghi lại hình ảnh trong quá trình xe lưu thông để tránh bị xử phạt sai như trường hợp anh Văn, chị Tâm, anh Quang không hề hy hữu. Rất nhiều người có xe ô tô riêng cũng trang bị thêm thiết bị này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo quan sát của PV, đó là một chiếc máy quay nhỏ hơn lòng bàn tay, có thêm chân đế để gắn vào kính ôtô. Máy có ống kính góc rộng nên có thể bao quát đường đi, phát hiện không chỉ các lỗi đèn tín hiệu phía trước mà ngay các lỗi lấn làn, đè vạch hai bên hông xe đều được ghi lại rất rõ.
Máy chạy bằng điện nguồn của ôtô, có thẻ nhớ với dung lượng tối đa 32G nên có thể ghi hình từ 6 - 8 tiếng liên tục; máy có màn hình HD để có thể xem lại hình ảnh trực tiếp trên máy. Đặc biệt, khi khởi động xe là máy tự động ghi hình, khi tắt máy thì camera cũng tự động tắt theo. Không khó để mua thiết bị này vì nó bày bán rộng rãi ở các cửa hàng nội thất ôtô hoặc các cửa hàng chuyên máy ảnh - camera với giá từ 900.000 đồng đến 2 triệu đồng, tuỳ loại.
Nhiều người "bắt lỗi" CSGT?
Thực tế hiện nay, ở hầu khắp các địa phương, tình trạng thiếu phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã khiến cho nhiều CSGT rơi vào "thế khó" khi thực thi nhiệm vụ.
Trong một số trường hợp, dù chủ phương tiện đã vi phạm luật giao thông nhưng khi yêu cầu dừng xe để tiến hành lập biên bản xử phạt thì họ lại "cãi chày cãi cối" rồi đòi bằng chứng vi phạm. Thực tế trên gây ra không ít khó khăn trong việc xác định lỗi và mức độ xử phạt đối với người vi phạm.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người đồng cảm với mỗi ca làm việc bốn tiếng đồng hồ ngoài đường phải đứng phơi nắng, hít bụi của CSGT. Tuy nhiên có không ít chiến sỹ đã có thái độ chưa thật sự chuẩn mực với người dân. Như phản ánh của anh Nguyễn Văn Long ở Cầu Giấy, Hà Nội: “Vừa thấy người dân vi phạm, một vị CSGT đã lao ra đường bắt lại. Đồng chí này quên cả đưa tay lên chào công dân như quy định mà còn hất hàm hỏi: "Đi đứng thế à. Đề nghị cho kiểm tra giấy tờ". Nhưng nếu chỉ vì quá mệt nhọc, làm việc căng thẳng mà một số đồng chí CSGT quên mất phải lịch sự, đúng mực với dân thì cần phải xem lại".
Nhiều tài xế cho rằng, việc gắn camera trên ô tô không chỉ bảo vệ mình trước những tình huống xử phạt bi hài mà còn phát hiện ra những sai phạm của CSGT. Bởi có không ít CSGT chưa thực sự thân thiện với người dân và hướng dẫn người vi phạm chấp hành đúng. Cũng nhờ camera, tài xế đã phát hiện nhiều trường hợp xử phạt sai quy trình, ăn mặc sai tác phong của CSGT. Từ đó, người làm nhiệm vụ cũng thực hiện một cách nghiêm túc hơn tránh bị "bắt lỗi" bất ngờ.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, một số CSGT cho rằng, họ cũng gặp không ít tình huống người vi phạm cố tình lấy video quay lại hình ảnh ra để "làm khó" CSGT.
Ví dụ như, có trường hợp tài xế đi sai làn đường vì lý do gặp chướng ngại vật nhưng quên cả xi nhan xin đường. Tuy nhiên, khi bị CSGT xử phạt vi phạm: Đi sai làn đường và không xi nhan thì họ cố cãi để minh chứng việc mình đi sai làn đường có lý do chính đáng bằng camera đã ghi lại. Dù vậy, họ cũng "mặc cả" CSGT phải bỏ qua cho họ việc quên không xi nhan vì đã bắt lỗi sai họ việc đi sai làn đường...
Theo thiếu úy Trần Xuân Quỳnh (đội CSGT số 2, phòng CSGT công an Hà Nội), anh đã gặp khá nhiều trường hợp tài xế lắp camera hành trình trên mui xe hoặc cửa kính trước xe. Theo anh Quỳnh, thiết bị này như "hộp đen", lưu lại toàn bộ hoạt động từ khi khởi động đến khi xe tắt máy.
"Có trường hợp người vi phạm cãi cố này nọ, tôi biết họ có camera và nói có thể bật lại xem luôn. Khi đó, có người thành thật nhận mình sai nhưng cũng trình bày vì giờ cao điểm, xe đông. Thấy thái độ họ đúng mực thì mình cũng thông cảm được", thiếu uý Quỳnh nói.
Dù vậy, anh Quỳnh cũng thừa nhận đã gặp trường hợp mất tín hiệu xi nhan khi chuyển hướng do có sự cố bất ngờ, dẫn đến tranh cãi giữa CSGT và người điều khiển ôtô.
"Sau đó xem lại hình thì đúng là do đánh lái bất ngờ vì sự cố. Khi đó mình cũng hiểu, khác với xe máy, ôtô sẽ bị mất tín hiệu xi nhan nên trong trường hợp mình chỉ nhắc nhở tài xế chứ không xử phạt", thiếu uý Quỳnh nói.
Bác Hùng, một tài xế xe tải cũng chia sẻ: "Hiện nay có một điều bất cập là kiến thức về luật giao thông và các hình thức xử phạt chưa được phổ biến rộng rãi tới người dân. Cùng đó, hình thức xử phạt các phương tiện vi phạm giao thông cũng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa sát với thực tế tình hình giao thông tại Việt Nam.
Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có những bước chấn chỉnh, thay đổi để tạo sự thông suốt, hợp lý hơn trong việc xử phạt phương tiện vi phạm, qua đó sẽ dần hạn chế được tình trạng tiêu cực trong một bộ phận CSGT. Đồng thời điều này cũng tạo được hình ảnh thiện cảm hơn trong mắt người dân về lực lượng CSGT".