Ngay sau khi, Cục CSGT Đường bộ đường sắt - Bộ Công an có ban hành văn bản về việc cấm người dân, nhà báo quay phim, chụp ảnh khi CSGT đang làm việc, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xã hội.
Một trong số ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Xuân Sơn. Mời độc giả cùng theo dõi:
Mấy ngày qua, cá nhân tôi đã tìm đọc và xem kỹ các thông tin liên quan đến văn bản 1042 do Cục CSGT Đường bộ đường sắt - Bộ Công an ban hành về việc phát hiện, xử lý những người giả danh nhà báo ghi hình CSGT với mục đích hướng dẫn hoạt động của nội bộ ngành CSGT.
Trong đó, ở phần 2 của văn bản này có đoạn "Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thực tế, sau khi đọc xong, cá nhân tôi thấy khá bất ngờ trước sự mập mờ, thiếu rõ ràng của văn bản này.
Văn bản tuy không đả động gì đến từ "cấm" nhà báo, công dân ghi hình cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ nhưng việc việc quay phim chụp hình của người dân và nhà báo phải xin phép thì vô hình chung sẽ khiến cho tôi cũng như nhiều người khác hiểu rằng tất cả mọi người không được chụp ảnh, quay phim CSGT nếu chưa được sự đồng ý của họ.
Điều này, dễ nhận thấy, tuy không có từ "cấm" nào nhưng đó có khác gì là sự cấm đoán đâu (!?).
Thực tế, nếu chúng ta đọc các văn bản pháp luật mà cao nhất là Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam sẽ thấy rõ, mọi công dân đều có quyền được tham gia quản lý nhà nước, xã hội, kiến nghị với cơ quan nhà nước và quyền khiếu nại tố cáo hành vi tiêu cực, trái pháp luật của cơ quan nhà nước.
Nhà báo trong trường hợp này cũng là công dân. Các công dân ghi hình lại CSGT khi đang làm nhiệm vụ cũng chính là thực hiện quyền, nâng cao dân chủ trong việc tham gia quản lý, giám sát, phòng tránh các tiêu cực cho xã hội. Đó là một điều hết sức chính đáng, cần phải được phát huy, nâng cao, chứ đâu phải tránh né đến như vậy.
Cá nhân tôi cũng thấy rõ một điều bất cập trong đây, đó là, thực tế, từ xưa đến nay, có ai tiêu cực mà lại mời người khác đến ghi hình lại không? Nếu có thì có khác nào "lạy ông, tôi ở bụi này"...
Những tiêu cực tồn tại lâu nay trong ngành công an cũng đã được chính ngành này nhận thức rõ. Tình trạng tiêu cực nặng nề tới mức một số tỉnh, thành phải quy định cụ thể số tiền mà CSGT mang đi mỗi khi làm nhiệm vụ để lực lượng chức năng dễ kiểm tra, kiểm soát CSGT.
Cũng cần nói thêm, trong thời gian qua, chính từ những thông tin của nhà báo và công dân cung cấp đã giúp cho các cơ quan chức năng xử lý, đưa ra khỏi ngành rất nhiều trường hợp công an nói chung, cảnh sát giao thông nói riêng thoái hoá, biến chất...
Nay, với văn bản này, không những làm mất đi quyền của công dân mà phần nào đó, tôi thấy rằng, cũng đang khuyến khích thêm cho những tiêu cực có thể nảy sinh trong đội ngũ cảnh sát giao thông (!?).
Một văn bản pháp luật do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý, liên quan đến nhiều người thì chắc chắn phải cẩn thận từng câu, chữ, từng ngôn từ, dấu chấm, dấu phẩy. Và hơn thế, tôi cũng hiểu, Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt khi ban hành văn bản này là nhằm phát hiện, xử lý những người giả danh nhà báo để quay phim, chụp hình những hành vi tiêu cực của CSGT nhằm mục đích xấu.
Tuy nhiên, với văn bản này của Cục cảnh sát giao thông đường bộ - Bộ Công an với nội dung cấm nhà báo và công quay phim, chụp hình như thế này, sẽ khiến cho nhiều người không khỏi hiểu lầm.
Với cá nhân tôi, thưa các ông!, tôi thấy rằng, việc ban hành văn bản cấm nhà báo và công dân ghi hình cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ chỉ chứng tỏ một điều là các ông đang có điều gì mờ ám, khuất tất, chưa nói đến tiêu cực và từ đó khiến cho các ông đang rất lộ sáng...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả