Tai họa liên tục ập tới trước khi cô giáo trói 2 con cùng tự tử

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Đứng về phương diện của các nhà tâm lý thì hành động trói hai con cùng tự tử của người mẹ đó là thứ bệnh tâm lý. Biểu hiện này cũng là sự khủng hoảng tinh thần.

Chúng ta vừa phải chứng kiến một cảnh tượng thương tâm khi thi thể cô giáo Giang Thị Mỹ Diệu (SN 1987, trú tại thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, giáo viên mầm non tại địa phương) và hai con là Mai Thị Thảo My (3 tuổi), Mai Gia Huy (2 tuổi) được phát hiện trong tư thế bị trói chặt vào nhau tại lòng hồ Phú Ninh.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ: Đã từ lâu, chị Diệu sống trong bế tắc. Chồng đi cai nghiện, một mình chị Diệu phải chạy vạy, lo lắng cho gia đình. Không may cha ruột chị Diệu bị ung thư rồi qua đời khiến chị càng sốc. Cha ruột chết chưa được bao lâu thì đến cha chồng chết vì tai nạn giao thông.

Người thân và xóm làng đau xót trước sự ra đi của 3 mẹ con cô giáo mầm non.

Người thân và xóm làng đau xót trước sự ra đi của 3 mẹ con cô giáo mầm non.

“Ai cũng có bi kịch cuộc đời và có lẽ, với cô giáo Diệu thì đây là một bi kịch mà bản thân cô nghĩ mình không có con đường nào để giải thoát nên đã trói hai con cùng tự tử. Đứng về phương diện của các nhà tâm lý thì đó là thứ bệnh tâm lý. Biểu hiện này cũng là sự khủng hoảng tinh thần. Nhưng ở đây chúng ta cũng phải xét về tâm lý xã hội. Cái chết của ba mẹ con trong tư thế trói chặt vào nhau, cũng phản ánh một sự bức bối xã hội của một suy nghĩ về số phận không may mắn đã run rủi họ tới bước đường cùng quẫn. Và người mẹ ấy chơi vơi trong khoảng đó nên mới tìm tới hành động tiêu cực như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin là ôm hai con cùng nhảy sông tự tử”, PGS. TS Lê Quý Đức cho hay.

Và những người có bệnh tâm lý như thế họ cần được sự tư vấn tâm lý của các chuyên gia. Các chuyên gia tâm lý ấy có thể dễ dàng tìm thấy ở những nước phát triển, cảm xúc và hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân cũng được quan tâm. Vì vậy, những sự “khủng hoảng tinh thần” như của cô giáo Diệu sẽ dễ được phát hiện hơn. Các cơ quan, đoàn thể mà ở đây là trường mầm non nơi cô giáo Diệu công tác có thể phát hiện và đưa cô Diệu tới gặp bác sĩ tâm lý để gỡ bỏ một số khủng hoảng. Nhưng ở xã hội ta đang sống, bác sĩ tâm lý chưa “nở rộ”. Nếu giải tỏa được về mặt tâm lý sẽ bớt đi những hành động tiêu cực như của cô giáo Diệu.

Với một người có nhiều năm nghiên cứu về xã hội như PGS. TS Lê Quý Đức thì người mẹ ấy vừa đáng thương, vừa đáng trách, đáng giận. Đáng trách bởi chị đã thiếu đi trách nhiệm với con cái. Cái đáng thương chính là sự cùng quẫn của người mẹ khi đối diện với những bức bách của cuộc sống mà bản thân không tìm được lối thoát.

Điều khiến PGS. TS Lê Quý Đức thương cảm nhiều hơn chính là hai đứa trẻ vô tội còn quá ngây thơ, cuộc đời chưa viết nên bất kì tội lỗi nào đã phải gánh chịu nỗi đau nhưng bản thân sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được nỗi đau ấy. Đó cũng chính là những bi kịch xã hội.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

"Bản thân người chồng đang phải trải qua nỗi mất mát quá lớn khi đứng nhìn di quan của vợ con được đặt song song với nhau. Cái giá quá đắt mà người chồng phải trả cho những tháng ngày nghiện ngập của mình. Một lối sống tích cực cùng sự chia sẻ của xã hội sẽ giúp người chồng ấy đứng lên làm lại cuộc đời và vượt qua chính nỗi đau của bản thân", PGS Đức bày tỏ quan điểm.

Cách đây không lâu, 17/3/2013, thông tin một cô giáo cấp hai ép đứa con gái mới 5 tuổi uống thuốc độc rồi bản thân treo cổ tự tử đã làm dư luận bàng hoàng. Liên tiếp những sự việc như vậy thì theo PGS. TS Lê Quý Đức, đây đã trở thành hiện tượng của xã hội. Những nỗi đau ấy bắt đầu trở thành hiện tượng khá phổ biến trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì thế, các cơ quan như hội phụ nữ, tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em… cần nghiên cứu hiện tượng này để có biện pháp nâng đỡ và phát hiện ra những người phụ nữ đang rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng dễ dẫn tới hành động tiêu cực.

"Phía sau cái chết thương tâm của ba mẹ con chị Diệu là bài học rất lớn dành cho các gia đình, trong đó có cả những gia đình có người nghiện ngập. Đó cũng là lời cảnh tỉnh với những bà mẹ đang phải đối diện với rất nhiều nỗi đau nhưng cũng không nên hành xử tiêu cực để rồi kéo theo đó là cái chết của những đứa trẻ vô tội. Chúng ta vừa trải qua ngày hạnh phúc, chúng ta hãy làm sao cho cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn, bố mẹ có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và với con cái. Mở rộng ra, đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không riêng gì cá nhân gia đình ai", PGS. TS Lê Quý Đức đưa ra quan điểm của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại