Tái giá không được phong Bà mẹ VNAH: Xúc phạm đến đời sống riêng!

Không gì có thể bù đắp nổi những đau thương mất mát khi người thân thuộc nhất của mình mất đi nên việc họ “đi bước nữa” là điều bình thường và là quyền của những bà mẹ.

Theo Cục Người có công thì không có quy định nào về việc Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải “không tái giá”. Tuy nhiên, khi áp dụng lại có trường hợp lấy lý do như vậy để trì hoãn phong tặng danh hiệu này.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).

Thưa luật sư, nếu xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (viết tắt: BMVNAH) mà đòi hỏi phải "không tái giá" có hợp lý không?

Danh hiệu BMVNAH là danh hiệu mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Danh hiệu này được ban hành căn cứ Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “ B à mẹ Việt Nam anh hùng ” ngày 29 tháng 8 năm 1994; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH” của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng năm 2003, sửa đổi, bổ sung 2005.

Tại điều 2, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH 13 ngày 20/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh năm 1994 và tại điều 2 Nghị định số: 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “BMVNAH” thì những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “BMVNAH”:

1. Có 2 con trở lên là liệt sĩ

2. Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

3. Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ.

4. Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.

5. Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Căn cứ theo các quy định trên thì không có trường hợp nào quy định “tái giá” thì không được truy tặng danh hiệu “BMVNAH”.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng, biểu tượng hy sinh của phụ nữ Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế việc xét tặng danh hiệu cho các trường hợp bà mẹ đã tái giá hiện đang có nhiều vướng mắc và pháp luật chưa có quy định cụ thể. Ví dụ mẹ M. như ở TP.HCM có 1 con và chồng là liệt sỹ, nhưng đã tái giá thì lại chưa được xem xét truy tặng. Vấn đề này pháp luật hiện nay chưa quy định rõ và có lẽ phải chờ hướng dẫn.

Theo tôi, khi pháp luật chưa quy định rõ về vấn đề này mà về điều kiện để được xét tặng, truy tặng BMVNAH của mẹ M. đã thoả mãn theo Pháp lệnh nêu trên và Nghị định số 56/2013 thì cơ quan có thẩm quyền nên giải quyết tặng danh hiệu cho mẹ M. theo quy định dù mẹ M tái giá hay không tái giá. Việc không xét tặng cho các bà mẹ đủ tiêu chuẩn vừa không phù hợp theo quy định pháp luật vừa không phù hợp với đạo lý và công ơn của họ đối với đất nước.

Theo tôi, việc bà mẹ đủ điều kiện để phong BMVNAH đi bước nữa không ảnh hưởng đến danh hiệu BMVNAH. Bởi bản chất của danh hiệu này là tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Vậy việc tái giá không ảnh hưởng đến danh hiệu này.

Vấn đề phải xem xét bản chất của sự việc bởi những người này đã chịu mất mát rất lớn, sự hi sinh của chồng con họ, sự hy sinh cuộc đời của họ cho đất nước cần phải được Nhà nước thừa nhận xứng đáng. Không thể cho rằng họ tái giá là không xứng đáng với danh hiệu này.

Mặt khác, nhắc đến chuyện tái giá có đụng chạm đến cuộc sống riêng tư của mỗi người?

Nếu cho rằng tái giá thì không được xét trao tặng BMVNAH vô tình đã xúc phạm đến đời sống riêng tư, quyền tự do của cá nhân những người này được pháp luật bảo vệ và mặc nhiên chúng ta đã phân biệt đối xử.

Đúng ra họ là những người mất mát rất lớn, không gì có thể bù đắp nổi những đau thương mất mát khi người thân thuộc nhất của mình mất đi nên việc họ “đi bước nữa” là điều bình thường và là quyền của những bà mẹ. Chúng ta nên thừa nhận và động viên những người mẹ đó để họ tự bù đắp những mất mát của họ, hay để họ vơi đi nỗi đau phần nào mà hậu quả chiến tranh để lại.

Do đó, nếu cho rằng họ tái giá thì không xứng đáng với danh hiệu này vô tình chúng ta coi họ không đủ phẩm chất, tư cách để nhận danh hiệu và như vậy thì chúng ta đã phần nào đó xúc phạm đến những người mẹ này.

Quan điểm của luật sư về thực tế có trường hợp lấy lý do bà mẹ tái giá để trì hoãn phong tặng danh hiệu BMVNAH?

Thực tế hiện nay, không có quy định pháp luật liên quan nào nói rằng tái giá thì không xét tặng danh hiệu “BMVNAH”. Ngay cả trong Nghị định số 31/2013 NĐ – CP và Thông tư Số: 05/2013/TT BLĐTBXH cũng không có quy định về việc những bà mẹ tái giá thì không được truy tặng danh hiệu “BMVNAH”.

Theo tôi, cần ban hành một văn bản hướng dẫn Pháp lệnh nêu trên và quy định cụ thể những trường hợp tái giá vẫn xem xét tặng danh hiệu BMVNAH như những bà mẹ không tái giá để các địa phương thống nhất trong việc giải quyết chính sách.

Việc họ tái giá không có nghĩa là chúng ta phủ nhận quan hệ vợ chồng của họ với người chồng đã hy sinh. Chúng ta không thể cho rằng việc họ tái giá là đã xác lập một quan hệ hôn nhân mới và phủ nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp đối với người chồng đã hy sinh của họ hoặc cho rằng việc họ tái giá là không xứng đáng với danh hiệu “BMVNAH”. Hơn nữa, danh hiệu “BMVNAH” không phải là bằng “tiết hạnh khả phong” như thời phong kiến.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không nên áp dụng trường hợp những bà mẹ này tái giá để giải quyết theo Luật hôn nhân gia đình hay để đánh giá phẩm chất của họ.

Do vậy, nếu luật không quy định thì đừng tạo ra “lệ” để hạn chế quyền của những người có công!

Cảm ơn luật sư!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại