Tác giả bài diễn văn chấn động nói gì về sinh viên Việt Nam?

Kim Ngân (ghi), ảnh NVCC |

Tác giả của bài diễn văn chấn động cư dân mạng thời gian qua từng thất nghiệp 6 tháng ở Việt Nam. Nộp hồ sơ xin việc ở đâu, ông cũng chỉ nhận được cái lắc đầu...

>> Đọc bài diễn văn chấn động cư dân mạng của TS Trần Vinh Dự
>> Tác giả bài diễn văn chấn động VN từ chối lương 2 tỷ/năm

Trong bài diễn văn chấn động cư dân mạng gần đây, tiến sỹ Trần Vinh Dự bày tỏ: “Khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng tốt nghiệp đứng đầu khoá. Tôi được trường ĐH Quốc Gia Hà Nội giữ lại làm giảng viên.

Thế nhưng, mức lương khi đó chỉ có 400 nghìn đồng mỗi tháng, đủ cho tôi uống cà phê và ăn sáng vài ngày.

Tôi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi và trong suốt 6 tháng trời, tôi chỉ nhận được hết cái lắc đầu này tới cái lắc đầu khác”.

Vì vậy, nhìn vào thực tế hiện nay về trình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ở Việt nam, ông cho rằng, sinh viên mới tốt nghiệp đang vướng vào “tam giác chết”.

TS Trần Vinh Dự - người có bài diễn văn thu hút quan tâm của dư luận.

TS Trần Vinh Dự, tác giả của bài diễn văn chấn động cư dân mạng.

“Tam giác chết”

- Thưa ông, “tam giác chết” mà ông nói ở đây là gì?

TS Trần Vinh Dự: Đó chính là thiếu kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng làm việc và kinh nghiệm làm việc.

Đây cũng là điều thiếu nhất của sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam mà kể cả tôi lúc mới ra trường cũng gặp phải.

Tốt nghiệp từ ĐH Quốc gia, tôi có nhiều kiến thức rộng về kinh tế, nhưng nó không cụ thể và không phải kiến thức chuyên môn sâu để đi làm. Ngay cả để làm cán bộ giảng dạy cũng không đủ.

Khi tôi đi phỏng vấn xin việc ở một số tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài thời kỳ đó thì tôi mới vỡ lẽ ra mình hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn sâu để làm việc.

Tôi cũng không có được những kỹ năng cần có trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp (của nước ngoài).

Từ những cái giản đơn như các kỹ năng viết văn bản (đặc biệt là bằng tiếng Anh), đến các tác phong làm việc chuyên nghiệp nơi công sở.

Kinh nghiệm làm việc cũng là vấn đề, vì sinh viên của chúng ta ít được thực tập trong các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Vì thế, khi ra trường đi xin việc thì các sinh viên rất bỡ ngỡ.

TS Trần Vinh Dự trong lễ tốt nghiệp sinh viên của trường.
TS Trần Vinh Dự trong lễ tốt nghiệp sinh viên của trường.

- Doanh nghiệp “chê” sinh viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm, kỹ năng...Nhưng họ lấy ở đâu ra nếu mãi chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối làm việc?

TS Trần Vinh Dự: Câu chuyện con gà – quả trứng trở thành câu chuyện mà các bạn luôn luôn gặp phải: Không có kinh nghiệm thì không xin được việc, mà không xin được việc đầu tiên thì lấy đâu ra kinh nghiệm.

Vì thế, Việt Nam chắc chắn phải đổi mới nhiều về đào tạo ở bậc cao đẳng – đại học theo hướng tập trung vào chuyên môn sâu.

Đào tạo kỹ năng và kết hợp đào tạo với thực tập để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay.

Việt Nam chỉ nên giữ lại một số rất nhỏ các trường đào tạo sâu về lý thuyết để tạo nguồn nhân sự cho nghiên cứu và giảng dạy.

Đó cũng là triết lý đào tạo mà tôi quyết liệt chỉ đạo thực hiện ở Cao đẳng Nghề Việt Mỹ.

“Các bạn phải tự bay”

- Là người đi trước, ông muốn muốn nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay?

TS Trần Vinh Dự: Một trong những vấn đề lớn nhất mà người ta hay phàn nàn về thanh niên Việt Nam là thiếu sự chủ động, độc lập.

Điều này không phải do lỗi hoàn toàn của các bạn trẻ. Lý do chính nằm ở sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nếu gia đình cứ “cưng” các bạn ấy như trứng mỏng, nếu nhà trường cứ bắt các bạn ấy học thuộc lòng thay vì tự do có chính kiến riêng, nếu xã hội luôn nhìn các bạn ấy là con nít chỉ vì tuổi tác của các bạn ấy trẻ... thì đừng mong các bạn ấy trở thành những người độc lập.

Tôi rất thích một câu chuyện kể rằng, có một người vãng khách thấy một con bướm đang còn trong kén. Cái kén chật chội và cứng quá khiến con bướm nhỏ phải vùng vẫy khó nhọc để thoát ra.

Người ấy động lòng thương và xé một phần cái kén để giúp con bướm có thể thoát khỏi cái kén dễ dàng.Thế nhưng, khi con bướm thoát ra được, nó trở thành một con bướm bị tật nguyền vì đôi cánh quá yếu.

Hóa ra, cái kén cứng là vì có lý do, nó tạo môi trường bắt buộc để con bướm non phải liên tục vận động, liên tục nỗ lực.

Theo đó, chỉ nhờ có thế, đôi cánh của nó mới đủ cứng để có thể bay lượn trên bầu trời khi ra khỏi kén.

Xã hội của chúng ta (bao gồm cả gia đình và nhà trường) vẫn đang đóng vai người vãng khách đó và chúng ta góp phần vào việc tạo ra những thế hệ trẻ "tàn tật" về tinh thần và năng lực tự lập.

Thế nhưng, nói thế không có nghĩa là các bạn ấy hoàn toàn vô tội.

Khi các bạn vượt qua tuổi 18, tuổi mà các bạn đã đủ năng lực tư duy để phân biệt đúng sai, thì các bạn phải bắt đầu tập làm chủ cuộc sống của mình đi thôi!

Dẫu biết môi trường xã hội không tối ưu khiến cho “đôi cánh” tinh thần và năng lực tự lập của các bạn yếu đuối, nhưng đằng nào thì các bạn cũng đã ra khỏi cái kén rồi!

Các bạn vẫn sẽ phải tự bay thôi, dù là lúc đầu không thể bay cao, bay xa ngay được, dù ban đầu đôi cánh của các bạn què quặt.

Nhưng nếu cứ nỗ lực bay hoài thì rồi các bạn cũng sẽ bay được. Còn nếu không, các bạn sẽ giống như con bướm nhỏ với đôi cánh bại liệt nằm hoài dưới đất và rồi sẽ bị cuộc đời dẫm nát.

Đó là lời khuyên của tôi dành cho các bạn.

Tiến sỹ Trần Vinh Dự (trái) gửi điều nhắn nhủ đến sinh viên Việt Nam.
Tiến sỹ Trần Vinh Dự (trái) gửi điều nhắn nhủ đến sinh viên Việt Nam.

- Nếu ở vào vị trí của người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam, ông sẽ chấn chỉnh điều gì?

TS Trần Vinh Dự: Tôi không có năng lực và chắc chắn không bao giờ trở thành người đứng đầu ngành giáo dục ở Việt Nam.

Điều mà tôi trăn trở, với tư cách là một công dân Việt Nam bình thường, là chúng ta có quá nhiều cuộc cải cách giáo dục nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.

Tôi muốn nhìn thấy trong thời gian 10 năm tới, giáo dục phải là xương sống của mọi nỗ lực cải cách. Nếu phải có một khẩu hiệu mang tính định hướng lớn cho lộ trình này thì nên là “Quốc gia Giáo dục”.

Còn thay đổi thế nào thì thực ra không quá khó. Theo tôi nó nằm chính ở hai điểm.

Thứ nhất là biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai bắt buộc.

Việc này hoàn toàn có thể triển khai được nếu biết sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt là các phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Thứ hai là bỏ bớt sự quản lý của Bộ GD&ĐT đối với giáo dục phổ thông, bãi bỏ độc quyền sách giáo khoa.

Bộ chỉ đưa ra các chuẩn đầu ra (key learning outcomes) với một số ít các môn học thực sự cần thiết. Có một hệ thống khảo thí Quốc gia mạnh, hiệu quả, còn lại để các trường phổ thông tự chủ động.

Nếu làm được thế tôi nghĩ giáo dục Việt Nam chắc chắn sẽ tốt lên.

Trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!

Tiến sỹ Trần Vinh Dự (SN 1977) - Chủ tịch Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (VATC) và Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của Đại học Broward College (Mỹ) tại Việt Nam

Ông hiện là Tổng Giám Đốc của công ty tài chính TNK Capital và cổ đông sáng lập của tập đoàn giáo dục ISmart Education tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế (1999) và làm giảng viên trường ĐH Kinh tế, thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội (1999-2001).

Ông từng tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế (2003) và tiến sỹ kinh tế (2007) tại Đại học Texas tại Austin (University of Texas at Austin).

Quá trình học và nghiên cứu của ông tại đây được tài trợ toàn bộ bởi quỹ học bổng Harvard Yenching, thuộc Đại học Harvard.

Ông từng là chuyên gia kinh tế của tập đoàn ERS Group (Washington DC và San Francisco, Hoa Kỳ) (2007-2010) và là cố vấn kinh tế cao cấp của tập đoàn Vina Capital (Tp. Hồ Chí Minh) (2010).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại