Những ngày gần đây, tòa nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam đang đứng trước đơn dọa kiện của các cư dân đang sinh sống tại đây về mức phí gửi xe “cắt cổ”. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu, phóng viên Giáo Dục Việt Nam được dịp biết thêm 1001 bức xúc “không tên” khác gây ức chế cho người dân sống tại chung cư cao cấp này.
Nhân viên ngủ trong giờ làm việc
Bỏ ra số tiền sử dụng dịch vụ 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng/m2, mức phí được xem là kỷ lục từ trước tới nay so với các chung cư khác tại Hà Nội, nhưng cư dân Keangnam lại đang than trời về chất lượng quá kém tại tòa chung cư này.
“Theo tôi, ở một chừng mực nào đó, có sở vật chất của Keangnam đúng là có tốt hơn các chung cư khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng phàn nàn ở đây lại nằm ở đơn vị quản lý và vận hành tòa nhà - Công ty TNHH Chestnut Việt Nam”, anh Nguyễn Vương Nhật - kiến trúc sư, cư dân sống tại đây nhận xét.
Nhân viên trông xe Keangnam ngủ gục trên bàn trong
giờ làm việc.
Theo anh Nhật, nhân viên của công ty gần như hoàn toàn là những người mới vào nghề, chưa được huấn luyện qua các lớp đào tạo chuyên nghiệp. Từ khâu làm vệ sinh, lao động chân tay cho tới lễ tân, quản lý tòa nhà không xứng đáng với mức giá 0,99 USD/m2 phí dịch vụ mà cư dân Keangnam đang phải chi trả.
“Có hôm, tôi tiếp xúc với nhân viên dọn dẹp, lau chùi nhà vệ sinh công cộng, cô ta nói: Cô chưa bao giờ được sử dụng nhà vệ sinh hiện đại như ở đây. Cô nhân viên cũng không biết rằng: khi đi vệ sinh, người ta phải hạ nắp đệm xuống thì mới ngồi được, vì thế cô chỉ lau “tương đối” phần nắp đệm”, anh Nhật kể lại.
Có mặt tại tòa nhà Keangnam ngày cuối tuần, vào giờ hành chính, phóng viên Giáo Dục Việt Nam cũng tận mắt được chứng kiến cảnh những nam nhân viên mặc áo đồng phục màu xám tụ năm, tụ bảy ngồi tán gẫu với nhau trên tầng 6 hay vô tư chơi bi-a trong phòng tập thể thao. Phía dưới nhà để xe, nhân viên trông xe tranh thủ chợp mắt, nằm gục trên bàn, khiến không ít khách hàng ra vào lắc đầu phàn nàn về cảnh tượng khá phản cảm trong một chung cư hạng sang như vậy!
Trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam, đại diện phòng Chăm sóc, khách hàng của Keangnam cũng thừa nhận: Việc người dân bức xúc, phản ánh về chất lượng dịch vụ ở tòa nhà không phải là hiếm. Tuy nhiên, phía Keangnam chỉ quan trọng tới hiệu quả của công việc, nhân viên lao động chân tay có làm vệ sinh sạch sẽ hay không, bảo vệ có đảm bảo an ninh trật tự hay không, còn không để ý tới việc việc họ nghỉ ngơi ngoài giờ hay tụ tập tán gẫu".
Thêm vào đó, ngay trong cách trả lời của nhân viên bảo vệ hay cách ứng xử, tiếp cận của lễ tân cũng chưa đạt yêu cầu của một tòa nhà chung cư cao cấp. Một cư dân (xin được giấu tên) tại tầng 7 tòa nhà Keangnam chia sẻ: Nhiều lần khách của chị tới đây chơi, cô lễ tân gọi điện thoại lên nhà chị để xin xác nhận không được nên đã “đuổi khách” của chị đi. “Nhân viên ở đây có những cư xử... không thể tin được. Ví dụ, mình đi ra ngoài có việc và về nhà không kịp, tuy đã gọi điện cho lễ tân thông báo sẽ có khách của mình đến, nhưng nhiều khi, nhân viên không hợp tác, khách đến vẫn không được đón tiếp lịch sự, chu đáo, thậm chí không được qua cửa”.
Lỗ hổng lớn do lắp đèn trang trí gần một tháng chưa được sửa.
Một vài trường hợp kỳ cục khác mà người dân Keangnam “bật mí” cũng phần nào thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên phục vụ này. Chị N., cư dân của Keangnam lắc đầu nói: Có lần, một vị Tổng giám đốc cùng vợ và con tới thăm gia đình chị. Khi đi, họ có mang theo một gói quà. Gói quà tuy hơi cồng kềnh nhưng họ vẫn có thể cầm được bằng tay và có thể đi vào cầu thang máy. Nhưng nhân viên lễ tân lại cứng nhắc tới mức: Cứ bắt người ta phải xuống tầng hầm và vào cầu thang tải để đi lên theo đúng yêu cầu, quy định của tòa nhà. Trong khi đó, cầu thang này chỉ chuyên dụng chở đồ và hoàn toàn không có máy lạnh.
“Khách của tôi là khách Vip, lẽ ra nhân viên lễ tân có thể cư xử khéo léo bằng cách mời vị khách đó đi cầu thang máy bình thường, còn quà tặng sau đó sẽ cử nhân viên tòa nhà mang lên bằng cầu thang tải, như vậy thì tôi sẽ đỡ khó chịu, bực dọc hơn”, chị N. thở dài.
Thang máy “chờ sửa chữa”, sân tennis như “vứt đi”
Theo ghi nhận của cư dân Nguyễn Vương Nhật, hàng loạt các thiết bị lắp đặt đang được kiểm tra lại như điều hòa chưa đủ độ mát (một số hộ kêu nóng), chất lượng của các thiết bị tủ lạnh, máy giặt như trong cam kết chưa được đạt yêu cầu....
Bên cạnh đó, tiến độ thi công, sửa chữa mỗi căn hộ cũng chưa được xúc tiến nhanh. Một đôi vợ chồng trẻ tại khu A Keangnam luôn than thở về lỗ hổng trên trần nhà do di chuyển đèn trang trí nơi bàn ăn cả tháng trời chưa được trát lại.
Bản thông báo về sự cố thang máy dán trên tường
trước cửa thang máy (chụp vào ngày 19/6).
Thêm vào đó, vì tòa nhà vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên cư dân cũng phải gánh chịu những sự cố ập đến không như mong muốn. Ngày 10/6, hộp trụ cứu hỏa trong lõi tòa nhà chung cư A tầng 27 gặp sự cố dẫn đến nước bị tràn khắp tầng 27 chảy xuống tầng 26 khiến một số tòa nhà phải thay toàn bộ các hệ thống sàn gỗ do nước tràn làm hỏng. Một số nơi ngập cao hơn khiến 8 chiếc thang chở khách và 2 tháng máy bị hỏng.Mặc dù, ông Ha Jong Suk - Chủ tịch Keangnam Vina - đã thừa nhận và xin lỗi về việc tràn nước gây thiệt hại cho các hộ dân tầng 26, 27, hứa sẽ kiểm tra, bảo dưỡng hàng ngày các thiết bị để tránh những sự cố tương tự. Tuy nhiên, cho đến chủ nhật vừa qua, ngày 19/6, một số thang máy của tòa nhà vẫn đang trong chế độ chờ sửa chữa. Phía đại diện chăm sóc khách hàng của Keangnam giải thích: Thời gian sửa chữa thang máy kéo dài do phải nhập các trang thiết bị từ nước ngoài về. Để khắc phục tạm thời, đảm bảo đi lại cho người dân, tòa nhà đã mở 4 cầu thang khách và 1 cầu thang tải nhằm vận chuyển khách bình thường, thoải mái.
Sân chơi tennis thiết kế sai nguyên lý ánh sáng và tường trang
trí lồi lõm dễ gây tai nạn cho người chơi.
Ngoài ra, thiết kế các mô hình tiện ích vui chơi của Keangnam đã không đáp ứng được mong mỏi của người dân.Theo những người sành chơi tennis, “sân tenis tại Keangnam chẳng khác gì “đồ vứt đi” chứng tỏ người thi công và thiết kế hình như chưa bao giờ biết chơi tenis”.Bình thường theo nguyên tắc, phải lắp đặt bóng đèn trong sân tennis theo hướng Bắc – Nam nhưng Keangnam lại lắp theo hướng Đông – Tây nên vào buổi tối, khi đèn thắp lên, chiếu thẳng vào mắt người chơi rất chói. Hơn nữa, vị trí lắp đèn cũng không đúng. “Về nguyên lý, đèn lẽ ra phải chiếu ngang 4 góc, đằng này chỉ lắp duy nhất 2 đèn ở 2 góc cuối sân, chiếu thẳng vào mặt khiến người chơi rất khó chịu. Thêm nữa, bảng tường phía vìa ngoài sân lẽ ra phải thẳng, nhẵn nhưng họ lại làm thành tường trang trí với những gờ nhô cao, dễ gây tai nạn cho người chơi khi chạy lại đánh bóng sát gần đó. Nói chúng, những cái tối thiểu của sân chơi tenis, Keangnam đã không đạt được” – Dân chơi tennis tại Keangnam cho biết.
Theo Giáo dục Thời đại