Trong khi hệ thống tai mắt của quân cảnh, cảnh sát an ninh gần như không để lọt bất cứ một người nào mà họ nghi là cộng sản? Đáng nói hơn, BHĐ còn được một số thế lực trong chế độ cũ che chắn, lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị của mình.
Có một chi tiết mà đến nay, không ai hiểu vì sao BHĐ là một đối tượng đã hai lần trốn khỏi nơi cải tạo, trại lính và mang trên mình lệnh truy nã của cảnh sát chế độ cũ, điều kiện giao thông giữa các địa phương gần như chỉ là những tuyến giao thông đường thủy độc đạo, nhưng hắn luôn đi lại một cách rất dễ dàng.
BHĐ cứ di chuyển để “làm ăn”, vài tháng lại đi qua địa bàn khác. Khi đi qua các trạm, chốt kiểm soát, bến xe, bến phà, BHĐ đã làm thế nào để đi “êm” như thế? Những tài liệu chúng tôi sưu tập được, đã trả lời vấn đề khó hiểu này.
Do mối quan hệ của BHĐ với một số “cớm” của chính quyền cũ, BHĐ đã được cấp một thẻ căn cước mang tên Nguyễn Văn Hà. Không những thế, để đi lại thuận tiện giữa các địa phương, BHĐ còn “chạy” được “giấy đi đường” từ Long Xuyên về Bạc Liêu và một giấy từ Long Xuyên đi Sài Gòn.
Vào thời điểm đó, nhà cầm quyền đặt ra các loại giấy đi đường nhằm hạn chế và kiểm soát việc đi lại của những người bên kia chiến tuyến, với những đối tượng tội phạm hình sự nguy hiểm.
Loại “giấy đi đường” này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của người dân, vi phạm nhân quyền, nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Không ít người có thẩm quyền trong chế độ cũ đã dùng loại “giấy đi đường” này làm công cụ sách nhiễu, vơ vét của dân hay ban phát cho những người họ muốn.
Một vị chức sắc vốn “khoái” BHĐ nên đã tìm cách cung cấp cho y những loại giấy tờ trên. Nhờ đó, BHĐ đã thoát khỏi sự kiểm soát tại nơi ở và bôn hành khá dễ dàng.
BHĐ kể: “Về phần giấy tờ thì vào tháng 6-1972, tôi không có giấy tờ hợp lệ nên trốn lính. Tôi nhờ anh Ba ở Long Xuyên làm giấy tờ.
Tôi đưa hình cho anh Ba, anh đã làm cho tôi giấy căn cước mang tên Nguyễn Văn Hà, một giấy đi đường từ Long Xuyên về Bạc Liêu, một giấy đi đường từ Long Xuyên đi Sài Gòn.
Anh Ba có bắt tôi hứa là không bao giờ được nói cho ai biết. Tôi hứa và anh đã đưa giấy cho tôi. Không biết anh nhờ ai làm”.
Trong một lần khác, BHĐ bị bắt giữ bởi những phế binh tại Mỹ Phước, giao cho cảnh sát Long Xuyên, bị xử tù giam. Nhờ sự việc... xui xẻo đó, BHĐ đã trở nên thân thiết với quan tòa và cảnh sát một cách khó hiểu.
BHĐ lúc đó là đối tượng nguy hiểm, đang có lệnh truy nã. Việc “chụp” được BHĐ là một thắng lợi của cảnh sát. Vì BHĐ đã bao phen làm “mất mặt” cảnh sát chế độ cũ, nhất là với cá nhân đại úy Triệu - phó chỉ huy lực lượng cảnh sát Long Xuyên. Nên khi tiếp nhận BHĐ từ những phế binh giao cho, giới cảnh sát lập tức cho đăng báo “tướng cướp Bạch Hải Đường” đã sa lưới pháp luật!
Bạch Hải Đường bị xử một năm tù giam, trong quá trình thụ án, hằng ngày, có một cảnh sát đặc biệt là ông Nguyễn Văn Minh mở cửa nhà giam, đưa BHĐ qua dinh thự của ông chánh án tòa án tỉnh lúc đó.
BHĐ đến làm việc nhà cho ông chánh án rồi nghỉ ngơi, “đàm đạo” với ông Minh và ông chánh án về mọi chuyện trên đời. Chiều tối, ông cảnh sát Minh lại chở BHĐ về nhà lao.
Không những thế, vì ông chánh án “kết” BHĐ nên khi BHĐ đang ở nhà ông này, vợ BHĐ là Nguyễn Thị Lệ và đứa con tên là cu Trò cũng được đến đây thăm hỏi, chơi với BHĐ đến hết ngày.
BHĐ khai: “Mỗi lần đến nhà ông Chánh án làm việc, tôi thường gặp vợ tôi. Vợ tôi hay mua đồ ăn đem lại cho tôi và mấy ông này ăn. Còn ở trong tù thì tôi làm trật tự phòng...”. Như vậy, có thể thấy rằng, “tướng cướp Bạch Hải Đường” khi bị vào tù vẫn được đi lại bên ngoài, sống khá nhàn hạ, gặp vợ con hàng ngày, chẳng hề giống một phạm nhân tí nào.
Với một kẻ phạm tội khét tiếng, không tiền, không quyền lực, không địa vị... thì tại sao một ông cảnh sát và một ông chánh án lại ưu ái với BHĐ như thế?
Trong phần 6, chúng tôi đã đề cập đến hai vụ đột nhập nhà của hai quan chức cao cấp trong chính quyền cũ, của BHĐ vào đầu năm 1974. Đó là nhà của dân biểu Lê Phước S. và nhà của đại úy Triệu, nhưng sau đó BHĐ đã “biến mất” một cách khó hiểu. Mặc cho cảnh sát, quân cảnh lúc đó huy động lực lượng hùng hậu truy lùng.
“Tôi đi Châu Đốc để trốn một thời gian ngắn, ở tại nhà của một đứa bạn tên là Nguyễn Văn Lượm.
Sau một thời gian thấy êm trở lại, tôi lại về Long Xuyên, cùng với tên Năng tiếp tục đi ăn trộm. Để được an toàn, lúc đó tôi sống nhờ tại nhà của anh Hiếu” - BHĐ kể về chuyện xảy ra sau khi y đột nhập nhà của hai ông trên.
Nó lý giải vì sao BHĐ vẫn được an toàn, không chỉ sau hai vụ việc trên mà hàng loạt vụ phạm pháp khác. Tất cả nhờ vào sự che chở của “anh Hiếu”. Vậy anh Hiếu đã cưu mang BHĐ trong những lúc lâm nguy là ai?
Có lẽ, vào thời điểm ấy, nếu đại úy Triệu biết được tình “huynh đệ” của BHĐ và “anh Hiếu” thì viên cảnh sát này sẽ... nổi điên vì tức giận.
“Anh Hiếu đại úy, sĩ quan quân đội chế độ cũ, nhưng “kết” tôi, quý tôi, xem nhau như anh em” - BHĐ nói về “anh Hiếu” mà y tá túc những lúc nguy nan. Nhiều lần lực lượng cảnh sát bao vây, truy lùng, chặn mọi ngã đường ra khỏi Long Xuyên, nhưng BHĐ biến mất một cách bí ẩn là vì thế.
BHĐ đã được một sĩ quan quân cảnh che chở, đùm bọc. Mối quan hệ này đã được đưa lên phim ảnh, sân khấu. Viên đại úy này vốn là một kẻ sống khéo léo, không thích xông ra chính trường mà chỉ âm thầm đứng nhìn thế cuộc, quan sát các phe cánh trong chính quyền và quân cảnh lúc đó đấu đá nhau, thậm chí hãm hại nhau.
Hiếu “khoái” khả năng võ nghệ của BHĐ, nên muốn “nuôi” BHĐ để sử dụng khi cần cho con đường sự nghiệp, nhưng chưa đụng đến. Đã nhiều lần BHĐ đi làm ăn, “lượm” được súng ống và những loại giấy tờ quan trọng, BHĐ đã bán rẻ cho Hiếu.
Hiếu đã sớm nhận ra rằng không phải có nhiều người có thể lấy được những thứ như BHĐ thường lấy, nên Hiếu đã chấp nhận kết nghĩa “huynh đệ” với BHĐ. Dù biết đó là một hành động vô cùng nguy hiểm, có thể làm sự nghiệp của Hiếu tiêu tan nếu bị phát hiện.
“Khi bị hai tên cảnh sát bắt tại hẻm Ba Lâu. Tôi thoát được và chạy đến nhà anh Hiếu” - lúc dầu sôi lửa bỏng như thế, Hiếu vẫn chứa chấp BHĐ.
Không chỉ có những sĩ quan như Hiếu “kết” BHĐ, có một quan chức khác là Lê Quang L. dân biểu hạ viện đại diện một giáo phái cũng “thèm” khả năng “vô nhà” của BHĐ, nhất là sau vụ BHĐ đột nhập vào nhà dân biểu Lê Phước S. (một đối thủ chính trị của ông L. ở khu vực này - NV). Lê Quang L. đã cho người âm thầm truy tìm BHĐ sau vụ việc trên, không phải để bắt BHĐ giao cho cảnh sát mà là mời BHĐ “hợp tác” với ông ta.
Lê Quang L. đã đưa ra cái giá hai triệu đồng (bằng trị giá của 100 chiếc xe gắn máy mà BHĐ trộm cắp đem bán) để nhờ BHĐ ám sát đối thủ chính trị của ông là Lê Phước S. (chúng tôi sẽ đề cập cụ thể vụ việc này vào các số báo sau - NV).
Nhưng BHĐ đã từ chối, dù rất cần tiền. Bởi có một điều duy nhất mà BHĐ chưa bao giờ làm trong đời là giết người. Đây là câu chuyện có thật 100%. Ông L. hiện vẫn còn sống với gia đình tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình phạm tội, BHĐ còn có hai “chiến hữu” khác cũng rất “mến” y nên kết tình thân. Đó là gã tên Triệu là hạ sĩ và Thành, trung sĩ, cả hai là lính thiết giáp của chế độ cũ.
“Đây là hai người bạn với tôi từ trước giải phóng” - BHĐ cho biết. Hai người này sau giải phóng không chỉ là bạn mà còn trở thành đồng bọn của BHĐ.
Chính Triệu và Thành đã đưa cho BHĐ mỗi người một cây súng mà hai tên giấu giếm không giao nộp khi ra trình diện Chính quyền Cách mạng. BHĐ đã cất giấu hai khẩu súng này để phòng thân và trong một lần gây án cướp vàng, y đã dùng súng khống chế nạn nhân.
(Còn tiếp)