Tôi gọi họ là “những con hổ giấy”, thứ chỉ đủ sức hù dọa những người yếu bóng vía. Họ có quyền giận, nhưng sự thật vẫn rất cần được tôn trọng. Tôi đã có nhiều dịp theo chân họ, từ những buổi diễn thuyết trước hàng nghìn người ở các khách sạn sang trọng hay đơn giản chỉ là lê la các quán cóc hòng “săn mồi”. Bỏ nhiều thời gian để hòa mình vào lĩnh vực kinh doanh đầy tranh cãi ấy, tôi đã nhận ra một sự thật trần trụi rằng những thủ lĩnh kinh doanh đa cấp kia, tất thảy họ đều chỉ là… “những con hổ giấy”.
Cú điện thoại bất ngờ
Tự nhìn nhận về bản thân, tôi thấy mình chẳng có tài cán gì. “Văn dốt, võ dát”, thế nên con đường công danh sự nghiệp của tôi cứ bình lặng, chẳng có gì đột biến dù đã ngoài 30 tuổi. Ở tuổi này, Khổng Tử răn đời “tam thập nhi lập” (nam nhi 30 tuổi là đến tuổi lập nghiệp - PV) nên trong tôi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nóng ruột. Thi thoảng, ngồi bình tâm trong khoảng không gian tĩnh lặng, đôi khi tôi cũng nghĩ đến cái sự giàu, thèm khát có một ngày cũng được làm ông nọ, bà kia, vênh vang mũ áo.
Thế rồi thời cơ “đổi đời” bỗng đâu rơi xuống khiến tôi choáng váng. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy, một ngày nhàm chán như bao ngày khác, tôi nhận được điện thoại của một người bạn nữ chẳng mấy thân thiết từ thời đại học, vồn vã hỏi thăm rồi mau mắn rủ tôi đi uống nước. Đang lúc rảnh rang, tôi gật đầu đánh rụp rồi phi con ngựa sắt cũ kĩ đến điểm hẹn.
Tại cuộc gặp mặt kéo dài gần hết cả buổi chiều, cái đầu tiên tôi nhận thấy ở Thùy (tên cô bạn cũ) là sự thay đổi đến lạ lùng trong cách ăn mặc cũng như giao tiếp, ứng xử. Ngồi trước mặt tôi, cô bạn quê mùa, nhút nhát và kiệm lời thuở nào giờ đã lột xác hoàn toàn. Cô ăn mặc chải chuốt, nói năng linh hoạt và rất biết cách gợi chuyện. Đặc biệt, cô bạn dường như rất “quan ngại” và “cảm thông sâu sắc” với cảnh nghèo hiện tại của tôi.
Vẫn với cách nói nhanh và dứt khoát, thi thoảng lại điểm những nụ cười hết sức thân thiện, Thùy nhẩm tính rồi “dọa” rằng, với thu nhập hiện có, ắt hẳn khoảng 20 năm nữa tôi mới mua nổi một nếp nhà và cõ lẽ cũng ngần ấy năm nữa mới mong có được cái “bốn bánh”. Viễn cảnh u tối đó khiến tôi càng thấy như nghẹn lại. Thôi thì vui chuyện, tôi cũng chẳng giấu giếm gì người bạn cũ, dốc hết lòng mình tâm sự. Tôi nói với Thùy, tôi cũng đã chán lắm với cảnh nghèo khó hiện nay rồi.
Rồi cuối cùng, cái vấn đề quan trọng nhất của buổi gặp mặt hôm đó cũng được Thùy khơi ra theo một logic Thùy cho rằng đã quá hợp lý. Cái logic đó sau này khi được đích thân một thủ lĩnh giải thích, tôi mới có dịp được tường tận. Đó là “vừa đấm vừa xoa”, vừa “hù dọa” người đối diện về một tương lai mịt mù lại vừa khéo léo gợi mở cho họ một hướng đi mới. Cộng hưởng của hai thứ trên sẽ là sự xiêu lòng một cách nhanh chóng của người nghe, dễ dàng điều khiển tâm lý của họ theo hướng mong muốn.
Có một điều Thùy không biết, ngay từ khi nhấc ống nghe, thấy đầu dây bên kia giới thiệu là cô bạn cũ thời đại học, tôi đã lờ mờ đoán biết ý định của buổi gặp gỡ. Trước Thùy, tôi đã ít nhất ba lần nhận được những cuộc điện thoại có nội dung tương tự. Hoặc họ là một người bạn học chẳng thân thiết gì, hoặc họ lại là một người bà con tôi thậm chí chẳng biết mặt.
Những thủ lĩnh kinh doanh đa cấp
Tất thảy họ, đều cùng một cách nói du dương, hẹn gặp rồi rủ rê tôi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Nhiều lúc tếu táo, tôi cũng cho rằng nên biết ơn ngành kinh doanh này. Nhờ có nó mà nhiều người chợt nhận thấy mình còn có nhiều người họ hàng ở rất xa, hoặc những người bạn từ thời bé xíu mà hàng chục năm không gặp mặt.
Sau khi thấy thái độ thiện chí của tôi về một “con đường kiếm tiền mới”, Thùy bắt đầu lôi ra lỉnh kỉnh đủ thứ trong chiếc ba lô căng phồng từ máy tính xách tay, ca-ta-lô sản phẩm, đồ thí nghiệm… Thùy cười rất duyên rồi nói: “Trăm nghe không bằng một thấy, tớ sẽ thí nghiệm để cho cậu thấy sản phẩm của chúng tớ tốt đến đâu. Tớ tin rằng sau khi thấy điều đó, cậu sẽ thấy sản phẩm của chúng tớ là rất tuyệt vời, và chúng ta hoàn toàn có thể giàu có được nhờ nó”.
Mặc kệ cho Thùy thao thao bất tuyệt về những “siêu sản phẩm” được chiết xuất từ “mắc ma núi lửa” và “đá mặt trăng” của mình. Tôi đờ đẫn chán ngán nhớ lại câu chuyện cách đó vài tháng. Chính tôi đã chứng kiến một sự đổ vỡ của một người bạn khác từng là “thủ lĩnh cao cấp” của công ty kinh doanh đa cấp K., cũng là một người bạn nữ, tên Ngọc.
Chân dung thủ lĩnh
Cách thời điểm tôi gặp Thùy chừng một năm, mẹ một người bạn khá thân thời phổ thông gọi điện cho tôi, khóc khóc mếu mếu nhờ khuyên can đứa con gái như đang ăn phải “bùa mê thuốc lú”. Trong tiếng nức nở, bà cho biết bố mẹ chồng của Ngọc đã chính thức đánh tiếng về cô con dâu bất trị. Họ đang gây áp lực với gia đình bà, nếu bà không dạy được con, họ sẽ đem... trả.
Hóa ra mọi sự căng thẳng bắt đầu từ khi Ngọc quyết định tham gia vào công ty kinh doanh đa cấp (KDĐC) K. Vốn sẵn máu kinh doanh, lại được chính những người tự xưng là “thủ lĩnh cấp cao” trong công ty mời gọi nên cô nhanh chóng đồng ý. Sau khi được chứng kiến những hóa đơn thu nhập thuộc dạng "khủng" cùng những lời có cánh của các thủ lĩnh, Ngọc lao vào như một con thiêu thân, ngay lập tức quên phắt mọi chuyện khác.
Từ lúc dính vào "bùa đa cấp", Ngọc như người trên mây, mở miệng là nói tiền tỉ và những điều phi thực tế. Mặc kệ gia đình phản đối, cô xin nghỉ việc tại công ty đang làm với mức thu nhập ổn định. Ngọc bắt đầu đi đêm về hôm, tối ngày chỉ thấy đi hội họp, diễn thuyết. Thậm chí, đứa con mới đẻ, cô cũng chẳng mấy quan tâm. Để rảnh rang “làm giàu”, Ngọc chấp nhận thuê cả sinh viên trông con theo giờ với giá cắt cổ. Cô lý luận, sau này giàu rồi thì ngần ấy thấm vào đâu, yêu con thực sự là phải đem đến cho con mình những thứ tốt đẹp nhất. Mà muốn thế, nhất định phải giàu.
Đỉnh điểm của sự việc là khi cô theo chân các “thủ lĩnh” xuất ngoại sang tận Thái Lan học "bí kíp" làm giàu và ở lì bên đó gần một tuần. Bố mẹ chồng Ngọc dường như đã hết chịu nổi, gọi điện cho ông bà thông gia "tố khổ".
Chẳng biết nhờ cậy ai, mẹ Ngọc mới gọi đến tôi. Ngoài việc là bạn thân, tôi cũng được bà tin tưởng bởi trước đó tôi đã từ chối Ngọc thẳng thừng trước lời rủ rê làm giàu. Sau lời từ chối có phần tàn nhẫn, Ngọc giận tôi ra mặt. Đễ cứu vãn tình bạn đang trên đà tuột dốc, tôi phải móc hầu bao một số tiền không nhỏ để “mua ủng hộ” một loạt sản phẩm Ngọc đang bán. May mà sau đợt ấy, mọi chuyện được êm xuôi.
Thế rồi vài tháng sau, Ngọc cũng bỏ công ty đa cấp kia thật, chẳng phải do tôi khuyên nhủ mà bởi Ngọc tự thấy chán. Hay nói cách khác, cô đã tự nhận ra bản chất thực sự của ngành kinh doanh này.
Ngồi trước mặt tôi trong quán cà phê vắng cuối đường Láng, nhớ lại những thời khắc "máu lửa" của mình, Ngọc buồn rười rượi, ánh mắt cô không giấu được vẻ thẹn thùng. Cô cho tôi biết, sau 8 tháng ôm mộng làm giàu nhanh chóng, cô đã "nướng" của gia đình hết gần 100 triệu đồng mà chưa thu về được đồng nào. Thấy vẻ mặt sửng sốt của tôi, Ngọc cười đáp: "Trong ngành kinh doanh này, ai càng tham vọng thì càng dễ ăn "trái đắng". Nếu không tỉnh táo sẽ chẳng mấy chốc tán gia bại sản".
Hỏi ra mới biết, giống như đa số các công ty đa cấp khác, công ty K. cũng áp dụng triệt để sức mạnh tuyên truyền thông qua những buổi hội họp. Và chính tại nơi đây, Ngọc vốn đã mờ mắt vì tiền đã dễ dàng trở thành những con tốt thí cho những người mà trước đó không lâu cô vẫn tôn thờ là thủ lĩnh.
“Một số thủ lĩnh còn sẵn sàng chỉ dẫn các thành viên cắm xe hoặc vay lãi ngày để có tiền ôm hàng” - Ngọc kể.
Nghe lời các "cấp trên", Ngọc vung tiền không tiếc vào quần áo và những buổi tiệc tùng sang trọng để thấy mình có vẻ... giàu lên. Và tất nhiên, mỗi lần như thế, cô đều mời theo "ứng viên tiềm năng", chiêu đãi họ để thuyết phục những người này cùng tham gia kinh doanh. "Những buổi tiệc tùng ấy, bọn tớ toàn phải tự bỏ tiền túi ra chứ chưa bao giờ công ty có chế độ trợ cấp" - Ngọc buồn bã nhớ lại – "Muốn hướng tới tầng lớp cao cấp trong xã hội thì mình cũng phải chiêu đãi họ xứng đáng với đẳng cấp, cho họ nể trước rồi mới nghĩ đến chuyện thuyết phục họ vào làm với mình".
Khi tôi thắc mắc tại sao lại không được công ty hỗ trợ vì việc đó rõ ràng chỉ có lợi cho công ty thì được Ngọc cặn kẽ giải thích. Theo đó, sở dĩ các công ty đa cấp từ chối hỗ trợ các hoạt động bên ngoài bởi họ không muốn mất thêm các chi phí phụ trội. Họ chỉ chấp nhận chi ra một khoản duy nhất, đó là hoạt động chính tại công của mình.
Thế nhưng, theo quan điểm của nhiều “thủ lĩnh”, vì bản chất các công ty đều cố gắng tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động nên những nơi tổ chức đó đều khá lem nhem, chỉ thích hợp với tầng lớp bình dân. Muốn hướng tới đối tượng cao cấp, cần phải làm bên ngoài, ở nơi càng sang trọng càng tốt.
Có một điều nữa cũng giải thích cho việc ấy, đó chính là cơ chế của ngành kinh doanh đa cấp. Theo Ngọc giải thích, khi một người mới đồng ý gia nhập vào hệ thống phân phối hàng của công ty, công ty sẽ mặc định coi người đó là đại lý theo kiểu “sống chết mặc bay”. Tức là trách nhiệm của công ty chỉ dừng lại ở việc sản xuất và phân phối hàng đến đại lý.
Đại lý đến công ty nhập hàng phải trả tiền ngay (không thể hy vọng việc nợ tiền như ở ngành kinh doanh truyền thống – PV) rồi bán chác thế nào ra ngoài thị trường là việc của đại lý, công ty không can thiệp. "Đó chính là cái nghiệt ngã của đa cấp. Họ (công ty) luôn nắm đằng chuôi, đẩy mọi rủi ro vào tay nhà phân phối" - Ngọc chua xót nói.
Thảm kịch “mua danh”
Tiếp sau quần áo, tiệc tùng là các buổi hội thảo, khóa đào tạo (mà không ít được tổ chức ở nước ngoài) cũng lấy đi kha khá số tiền vợ chồng Ngọc tích cóp. Tôi nhớ có lần, lúc hãy còn đang ở đỉnh cao danh vọng ở công ty đa cấp nọ, Ngọc gọi điện rồi hào hứng khoe với tôi cô sắp được công ty cử đi đào tạo ở… Bắc Cực.
Ở buổi đào tạo đó, một thủ lĩnh cấp cực cao người Trung Quốc sẽ rèn luyện các thủ lĩnh Việt Nam các kỹ năng chống chọi sự khắc nghiệt của thời tiết. Thông qua việc đó, ông này hy vọng sẽ truyền tải được cho “đồ đệ” những triết lý sâu xa của cuộc sống, cho thấy cái sự giàu nó quan trọng đến nhường nào! Tuy nhiên, cho đến lúc Ngọc đã là "người cũ" của công ty K., tôi vẫn chưa thấy Ngọc nhắc lại chuyện ấy một lần nữa.
Thế nhưng, tất thảy những chi phí đó chẳng thấm vào đâu so với một khoản chi phí khổng lồ khác, mà hầu hết không ai tránh được khi đã tham gia vào ngành kinh doanh đầy tranh cãi này. Cái đó, dân trong ngành gọi là "ôm hàng".
"Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các công ty kinh doanh đa cấp (hoặc bảo hiểm) đều tính mức độ lên cấp thông qua số lượng hàng "đại lý" đó và hệ thống của "đại lý" (những người được "đại lý" đó tuyển vào – PV) nhập vào trong một tháng. Công ty chỉ tính đến số tiền mình bỏ ra để mua hàng của công ty, họ không quan tâm đến việc mình có bán được nó hay không. Chính vì lẽ đó, triền miên các trường hợp "ôm" hàng nối tiếp xảy ra, đa phần đều bởi sự kích động của các thủ lĩnh phía trên" - Ngọc giải thích.
Rồi Ngọc cho biết, khi được thăng cấp, đồng nghĩa với việc thu nhập của các đại lý sẽ cao hơn và cũng được nhiều người nể trọng hơn. Thêm nữa, các công ty rất khéo léo gợi lòng tham của người tham gia bằng cách đưa ra hàng loạt các chương trình như thưởng nhà, thưởng xe, thưởng du lịch cho những người đạt thành tích nhất định. Vì lẽ đó, trong cả hệ thống đang sôi sục vì tham ấy, ai cũng quyết tâm cố gắng một tí, mua thêm hàng để đạt chỉ tiêu dù thừa hiểu không thể bán hết được. "Có những người tham chuyến du lịch trị giá chưa đến 10 triệu đồng của công ty mà bỏ đến mấy chục triệu ôm hàng" - Ngọc chua chát nói.
Tiếp sau quần áo, tiệc tùng là các buổi hội thảo, khóa đào tạo cũng lấy đi kha khá số tiền của vợ chồng Ngọc
Sau đó, tôi được Ngọc cho xem "kho hàng" của cô - người có thời lên đến thủ lĩnh cấp cao của công ty đa cấp K. Cả trăm triệu đồng tiền hàng với đủ loại chai lọ, máy móc vứt lăn lóc trong phòng ngủ và không thể bán được. Thậm chí cho cũng ít người dám lấy vì nghi ngại chất lượng rất “trời ơi” và chưa được kiểm chứng, đa phần đều chỉ được biết qua sự “nổ” quá đà của người bán.
Nhìn đống hàng, vừa xót ruột, vừa ngao ngán, Ngọc cho tôi biết, có những người còn cầm cố cả nhà cửa để tham gia kinh doanh, thậm chí bỏ cả bố mẹ, vợ con vì không ai chịu hiểu cho cái "lý tưởng" của họ. Nực cười ở chỗ, những người ấy chẳng những bị phê phán, lên án mà sau đó lại trở thành biểu tượng của công ty đa cấp nơi họ đang làm, một tấm gương sáng luôn được đem ra ca tụng vì lòng quả cảm và quyết tâm với nghề!?
Nay, tôi lại một lần nữa nhìn thấy bóng dáng của Ngọc trong con người của Thùy - cô bạn phổ thông nãy giờ vẫn luyên thuyên đủ thứ về những công dụng thần thánh của sản phẩm mà công ty cô đang làm nhà phân phối. Rồi xem chừng thấy tôi đã như “đờ đẫn” vì những sản phẩm “tuyệt diệu” đó, Ngọc chìa ra một bản hợp đồng rồi đề nghị tôi tham gia cùng với cô, để tương lai tôi sẽ từ đó trở nên tươi sáng.
Đó là một bộ hồ sơ được phát hành bởi công ty kinh doanh đa cấp T., chuyên kinh doanh cách sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Nói thực, lúc đó, tôi muốn đứng dậy cáo về rồi, nhưng vì một chút hiếu kỳ với thế giới lạ lùng này, tôi lại như muốn được đến công ty ấy một lần cho biết. Thấy tôi lưỡng lự, Thùy mau mắn đứng dậy, thanh toán tiền rồi kéo tót tôi lên xe, nhằm hướng Cầu Diễn thẳng tiến.
Những con hổ giấy
Tại công ty T., Thùy dẫn tôi đến gặp Phong - giám đốc kinh doanh của công ty T. Người thủ lĩnh cấp cao đón tiếp chúng tôi bằng cái siết tay rất chặt, liên tục ca ngợi sự năng nổ của Thùy và không quên bày tỏ sự ngưỡng mộ trước lựa chọn thông minh của tôi (!?)
Thời tiết những ngày cuối năm cắt da cắt thịt khiến ai trông cũng như một cái chăn di động nhưng Phong vẫn ăn vận rất đúng kiểu. Một bộ veston sẫm màu, áo sơ mi trắng bóc kết hợp cravat đỏ, sức nước hoa thơm nức khiến tôi hơi ái ngại. Tôi nhớ đến Ngọc. Cái ngày thú nhận với tôi rằng cô đã sai lầm khi đi theo kinh doanh đa cấp, Ngọc nói: "Ở ngành kinh doanh đa cấp, nghèo đến mấy cũng phải ăn mặc thật đẹp để tỏ ra là những doanh nhân thành đạt hòng "dọa vía" những người mới. Ở lĩnh vực này, câu “quen sợ dạ, lạ sợ quần áo" là điều đầu tiên cần phải học".
Phong đưa chúng tôi vào một sảnh rộng với la liệt những người và hàng hóa trưng bày. Trên tường, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu với ngôn ngữ rất kích thích... lòng tham và ảnh của những thủ lĩnh cấp cao. Theo Phong, những người đó có thu nhập tới cả trăm triệu một tháng và thậm chí, nhiều người còn được đích thân chủ tịch công ty trao tặng biệt thự, du thuyền hay máy bay... (?!)
Thấy tôi có tỏ vẻ "phê" trước những lời hoa mỹ ấy, Phong thì thầm gì đó với cô bạn cũ của tôi rồi dẫn tôi vào một khán phòng nhỏ đã chật cứng người cùng tiếng vỗ tay đến váng óc. Bên trên màn hình lớn đang trình chiếu "đại hội thù lao" của công ty. Trên đó, lần lượt từng người lên nhận thưởng với số tiền lên tới cả trăm triệu, dành vài phút ca ngợi công ty rồi lại đi xuống. Bên dưới, những tràng vỗ tay reo hò không ngớt.
Thấy cảnh tượng quá lố bịch, tôi viện cớ bận, "đánh bài chuồn". Thế nhưng, Phong đã tỉnh như sáo cố gắng níu tôi lại, nói tôi đang đánh mất một cơ hội rất lớn để làm giàu. Thấy thái độ quay ngoắt của tôi, cả Thùy lẫn Phong đều không giấu được sự thất vọng. Tuy nhiên, cả hai vẫn cười thật tươi, ngọt ngào khuyên tôi nên để lại chứng minh thư để chứng minh sự... thiện chí.
Thoát khỏi sự đeo bám dai dẳng của hai “thủ lĩnh” hàng đầu, đứng trước cổng công ty T., tôi thở phào, lập tức gọi điện thông báo “tin vui” cho Ngọc. Cô bạn vừa nghe điện thoại vừa cười ngằn ngặt, nói rằng những khoản tiền thưởng lên tới cả trăm triệu kia là hoàn toàn có thật và Ngọc đã một vài lần được tận hưởng món thưởng ấy rồi. Thấy tôi á khẩu vì ngạc nghiên, Ngọc nói tôi cứ ở nguyên chỗ đó rồi cô sẽ tới. Rất may, công ty nơi Ngọc đang làm chẳng cách xa trụ sở của công ty T. là mấy.
Nhìn thấy gương mặt thất thần của tôi, Ngọc vui lắm, cô phủ đầu tôi bằng tiếng cười lớn: “Chết vì tham phải không? Tưởng sau vụ của tớ, cậu phải cạch đến già rồi chứ?”. Rồi sau khi nghe tôi giải thích, Ngọc như hiểu ra, kéo tôi lại gần rồi thầm thì: “Toàn mỡ nó rán nó thôi cậu ơi. Tiền của mình cả đấy, chỉ có cái là số tiền ấy bằng 1/10 số tiền mình đầu tư vào”.
Rồi rất thiện chí và cũng nhân dịp cuối năm (âm lịch), công việc hành chính rảnh rỗi, Ngọc đã đưa tôi dạo một vòng qua vài công ty KDĐC, nơi Ngọc vẫn còn nhiều các mối thân quen.
Theo chân Ngọc, tôi đã được qua 3 - 4 công ty một lúc. Từ những công ty chuyên bán đồ lót phụ nữ cho đến công ty bán máy đấm lưng… tất thảy đều có một điểm chung, đó là sự thần kỳ của các dòng sản phẩm và đâu đâu cũng thấy những người tự xưng là thủ lĩnh, ăn vận rất đúng mốt và nói những lời ngọt như mía.
Ở công ty M. trên phố Trường Chinh, tôi cũng được chứng kiến hóa đơn thu nhập của một lãnh đạo lên tới 64 triệu đồng/tháng và ngắm chiếc Honda Civic bóng loáng được khoe là phần thưởng năm.
Chỉ có Ngọc là không choáng ngợp. Với kinh nghiệm xương máu trong lĩnh vực này, cô khẳng định, tất cả cũng chỉ toàn là tiền túi của chính mình, chẳng qua là dưới các hình thức khác nhau. Cô cũng khẳng định chắc nịch: "Kinh doanh truyền thống tỷ lệ thành công đã thấp, KDĐC còn thấp hơn nhiều. Những người thực sự kiếm được tiền chỉ 1%, còn lại toàn đem tiền nhà đi làm giàu cho chủ của mấy công ty đó. Thế nhưng rồi 1% kia có khi cũng trắng tay. Vừa rồi, có công ty đa cấp tự nhiên tuyên bố phá sản, bỏ về nước, để lại bao nhiêu nhà phân phối với các khoản nợ khổng lồ mà chẳng có chế tài nào bênh vực họ".
Rồi cô cũng rất nằm lòng cho biết, các “thủ lĩnh” trong ngành này đều là những người rất giỏi trong việc khai thác tâm lý, họ đều được khuyến khích đọc và làm theo những tác phẩm về tâm lý kinh điển như “Đắc nhân tâm” hay “Bí quyết chinh phục lòng người”… Nhiều thủ lĩnh không có tâm thậm chí còn áp dụng cả “tháp nhu cầu Maslow” (một nghiên cứu khoa học về tâm lý được thế giới công nhận rộng rãi - PV) để khơi gợi lòng tham của những thành viên bên dưới, qua đó trục lợi cá nhân.
Bằng những câu động viên, khích lệ tưởng như rất ân cần, họ biến những người bên dưới thành những con thiêu thân, khiến họ “ôm” cả trăm triệu tiền hàng để qua đó đạt được doanh số của chính mình. Mỗi khi cấp dưới thăng chức, họ tổ chức liên hoan tiệc tùng, chúc mừng rất linh đình khiến cho “hạ cấp” càng mờ mắt hơn. “Một số thủ lĩnh còn sẵn sàng chỉ dẫn các thành viên cắm xe hoặc vay lãi ngày để có tiền ôm hàng” - Ngọc kể.
Nhưng rồi "gậy ông đập lưng ông", khi quá nhiều người bỏ "cuộc chơi", chính những thủ lĩnh này phải tự móc hầu bao lấp vào những chân bị rụng để duy trì chức danh. Rồi như một vòng xoáy ma quái, cứ thế mãi, chính họ cũng kiệt quệ bởi cái danh hão của mình. "Trông ai cũng bóng bảy thế, chứ chẳng ai thực có tiền đâu, thậm chí là còn nghèo hơn công chức bình thường" - Ngọc nói.
Chia tay Ngọc, tôi nhớ lại câu chuyện đã có rất nhiều bạn bè cũng đã tham gia KDĐC, ban đầu ai cũng hào hứng rồi sau đó cứ thế "rụng" dần. Họ mang đủ thứ máy móc, thuốc thang ra mời mọc người thân, không mua thì hờn dỗi, trách móc. Giá như họ đủ tỉnh táo để hiểu được sự bí ẩn đằng sau những "con hổ giấy" ấy ngay từ đầu...
Theo Dã Liên
PNTD