Sư Phượng hét giá 5 triệu làm lễ, dân làm thơ châm biếm

Lên chùa rước vong, làm lễ 49 ngày đều có giá chung 5,5 triệu. Gia đình nào khá giả sư Phượng hét giá cao hơn.

Chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) là di tích lịch sử cấp Quốc gia, đã được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng. Trước kia chùa Chân Long không có nhà sư, đến năm 2002, sư thầy Thích Minh Phượng được sư bà Thích Đàm Lan (Chủ tịch hội Phật giáo huyện Thạch Thất) đưa về chùa làm trụ trì.

Tuy nhiên sau khi về làm trụ trì, sư Phượng bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý chùa. Người dân Chàng Sơn tố sư Phượng là nguyên nhân gây mất đoàn kết toàn dân. Nghiêm trọng hơn, vị sư này còn tráo tượng cổ trong chùa, tự đúc tượng mình.

Mỗi lần sư Phượng làm lễ cho người dân, ông thường hét giá và đẩy giá tùy hoàn cảnh gia đình người làm lễ. Trước kia khi làm lễ rước vong hay bất cứ lễ nào, người dân chỉ lên chùa đưa cho ban chấp tác in oản, đồ xôi, viết sớ lộc lá bao nhiêu tiền là tùy tâm. Nhưng từ khi sư Phượng về trụ trì, người dân muốn vào chùa làm lễ phải đưa tiền trước cho vị sư này, giá đồng hạng cho mỗi lễ rước vong là 5,5 triệu (đó là chưa kể tiền hàng tuần lên chùa làm lễ 49 ngày).

Anh Phí Hoài Nam (thôn 3, Chàng Sơn) cho biết: "Cách đây mấy năm con trai tôi mất do chết đuối, khi đó tôi lên chùa làm lễ rước vong cho con, sư Phượng lấy 5 triệu rưỡi, cúng 7 tuần, mỗi tuần nhà sư hét giá 3 triệu. Biết là bị o ép nhưng phải đành "cắn răng bấm bụng" vì đã theo nhà chùa từ nhiều năm nay".

"Đó là chưa kể tiền người dân vứt tiền qua đường để làm lễ cho con trai tôi, sư Phượng sau đó ôm hết về", anh Nam bức xúc nói thêm.

Bức tượng giống sư Phượng bị đưa ra khỏi chùa.

Mấy năm trước con trai mất, bà Thường chạy vạy lo tiền làm đám ma cho con. Do phải đi qua sông nên tiền đò nhiều. Người nhà nói với sư Phượng bớt lại cho gia đình vài trăm để lo tiền cho cháu bà Thường, sư Phượng nói: "Tiền không lo được cho con thì đem con lên chùa, thầy nuôi".

Anh Nguyễn Khải, người Chàng Sơn cho biết: "Do quá bức xúc và không chịu nổi việc sư Phượng ép giá, nhiều người dân phải xuống ngôi đền bên cạnh làm lễ, biết là "trái tuyến", nhưng nhiều người vẫn phải theo, vì xuống đấy không ai mặc cả tiền, làm cái gì cũng thoải mái, thanh thản".

Hiện chùa Chân Long có ban hộ tự, quản lý thu chi của chùa, tuy nhiên ban này không có quyền hành. Bà Nguyên, thư ký của ban cho biết: "Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ thu tiền hội viên trong chùa, còn thu chi do sư Phượng quản lý, nhiều lúc sư Phượng nói đi cúng giàng ở tỉnh, chúng tôi lại quyên góp tiền cho sư đi".

Việc sư Phượng hét giá mỗi khi người Chàng Sơn lên chùa làm lễ còn được ông Nguyễn Mạnh Hà (thôn 7, Chàng Sơn) viết thành thơ: Người chết muốn giữ cửa mây/ Nộp lên 5 triệu thì thầy lễ cho/ Cháu con đói khổ, co ro/ Chạy đôn, chạy đáo lo cho đủ tiền/ Biết đâu con cháu buồn phiền Hồn ơi..... Sự thật chua chát đến mức, người dân Chàng Sơn phải căng băng rôn trước cổng chùa để phản đối sư Phượng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại