Sốt giá vàng: Dân có bị "mua đắt - bán rẻ"?

vytran |

Việc lo ngại “mua đắt – bán rẻ” như đã từng xảy ra không phải là không có căn cứ vì đã từng xảy ra vào cuối năm 2010.

Bằng việc lách luật, nhiều doanh nghiệp "hô biến"vàng nữ trang xuất khẩu có hàm lượng vàng dưới 99% để chịu mức thuế xuất khẩu thấp hơn 10%. Việc này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát một lượng thuế lớn. Kèm theo đó, người ta nghi ngại về việc tái xuất vàng ồ ạt có dẫn đến tình trạng mất cân bằng thị trường trong nước?

Ông Trần Trọng Quốc Khanh - Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu: "Lượng vàng xuất khẩu lớn chứng tỏ nguồn vàng dự trữ trong dân lớn và có thật"

Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh – Giám đốc Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu khẳng định: “Không thể có chuyện mất cân bằng cung cầu thị trường được vì thị trường có quy luật riêng của nó. Điểm yếu của chúng ta là đang dùng suy luận hành chính để tác động vào thị trường. Chính điều này mới nảy sinh các mối lo lắng về việc cạn kiệt nguồn vàng trong dân”.

Theo Th.S Khanh, thực tế, khi lượng xuất khẩu lớn chứng tỏ số vàng tồn trữ trong dân là rất lớn và có thực. Hành động bán ra vào thời điểm giá cao hay mua vào khi giá thấp của người dân phản ánh đúng quy luật thị trường.Những ngày trung tuần tháng 7, giá vàng thế giới và trong nước biến đổi không ngừng. Giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới và phá vỡ mọi kỷ lục thời đại. Giá vàng trong nước đã cán mốc 39,7 triệu đồng/lượng vào chiều ngày 19/7. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế có thời điểm là 800.000 đồng/lượng.Có thể nói, đây chính là một trong những yếu tố chính để thúc đẩy hoạt động tái xuất vàng ngày càng mạnh mẽ. Giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng vẫn kém giá thế giới nên thúc đẩy hoạt động tái xuất vàng là hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường.

Đánh giá được tầm quan trọng của vàng nhưng việc huy động được nguồn vốn này trong dân lại là một bài toán khó. Nếu không phát huy được nguồn vốn này thì rất lãng phí. Người dân và doanh nghiệp đang chủ động trong việc tham gia thị trường này và họ có những cái lý của họ."Nếu dân chỉ giữ vàng mà không thể dùng nó làm phương tiện trao đổi vì đã có quy định cấm của Nhà nước thì nguồn vốn này trở thành vốn “chết”, không tái sản xuất hay sinh lời được. Khi được giá, người dân mang vàng đi bán, doanh nghiệp mua vào thì phải có hướng sử dụng nguồn thu mua đó. Trong nước không sử dụng đến thì họ xuất khẩu: vừa đảm bảo đồng vốn được quay vòng, vừa mang lại lợi nhuận, giảm nhập siêu, giảm sức ép ngoại hối và vốn, giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc” – ông Khanh nói.Khi lượng vàng được xuất đi thì sẽ mang nguồn ngoại hối trở về và làm giảm căng thẳng nguồn vốn trong nước. Có vốn sẽ hỗ trợ được cho doanh nghiệp phát triển trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ở một mặt nào đó, hoạt động tái xuất vàng cần được khuyến khích trong giai đoạn hiện nay.

Việc giá vàng xấp xỉ mức 40 triệu/lượng khiến giao dịch loại kim loại quý này những ngày vừa qua trở nên sôi động. (Ảnh chụp tại Cửa hàng VBĐQ Bảo Tín Minh Châu)

Chỉ trong một tuần cao điểm, giá vàng tăng liên tục, ước tính có tới 3-4 tấn vàng xuất khẩu dưới dạng trang sức thô nhằm lách thuế. Điều này có thể khiến nhiều người lo ngại về việc cạn kiện nguồn vàng trong nước, dẫn đến giá vàng trong nước đẩy lên cao hơn giá quốc tế.Về việc này, ông Vũ Minh Châu – Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng: “Người dân luôn thông minh trong việc mua vào/bán ra với tài sản của mình. Việc lo ngại “mua đắt – bán rẻ” như đã từng xảy ra không phải là không có căn cứ vì đã từng có tiền lệ xảy ra vào cuối năm 2010”.

Trong khi đó, một số chuyên gia vàng đưa ra quan điểm: Nhà nước chưa cho phép hình thành một Sở giao dịch tập trung nên về cơ bản sẽ xảy ra các tình huống: hoặc sẽ có sự méo mó về giá trên thị trường, hoặc sẽ không có sự liên thông trong việc xuất nhập khẩu vàng giữa thị trường trong nước và quốc tế.Phải chăng, điều các cơ quan quản lý cần làm bây giờ là điều chỉnh lại các kẽ hở về chính sách thuế để tránh tình trạng các doanh nghiệp thay đổi hình thức vàng khối thành vàng trang sức để trốn thuế xuất khẩu. Kiểm soát tốt từ nguồn này sẽ giúp thị trường tránh những rủi ro do hoạt động tái xuất khẩu vàng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước VN dẫn số liệu của Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê Hải quan, từ 16/5 đến 8/6, khối lượng vàng trang sức mỹ nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 12.522 kg, tương đương trên 520 triệu USD.Cũng ở diễn biến này, phần lớn các công ty tư nhân lại có số lượng xuất khẩu rất lớn như công ty TNHH Kim Ngọc Phú (xuất hơn 2.800 kg); doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng Kim Hiền (xuất hơn 1.300 kg); công ty dịch vụ kinh doanh vàng xuất nhập khẩu Kim Việt (hơn 700 kg)...Ngay lập tức, NHNN đã có công văn số 539 gửi Bộ Tài chính, đề nghị xem xét điều chỉnh các loại vàng thành phẩm chịu mức thuế xuất khẩu 10% giảm hàm lượng vàng từ mức trên 99% xuống còn 80%.

Theo VTC,vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại