Sơn La xây dựng tượng 1.400 tỷ: Tình cảm khó đong đếm (?!)

Thanh Hà - Diệu Thu - Mai An |

Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La vừa thông qua Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP.Sơn La có tổng vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng. Đề án này đang nhận được sự quan tâm của dư luận...

“Không thể đong đếm tình cảm”

Ngày 3.8, phóng viên NTNN liên lạc với lãnh đạo Sở VHTTDL Sơn La để hỏi rõ thêm về đề án này.

Bà Lường Thị Vân Anh- Giám đốc Sở cho biết, bà đang bận chăm sóc người thân ốm nặng nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Sau đó phóng viên liên lạc với ông Trần Bảo Quyến- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La.

Ông Quyến cho biết, xây dựng tượng đài cũng là một nét văn hóa đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử, tính giáo dục, tính truyền thống và nhân văn sâu sắc, là di sản văn hóa vô giá cho các thế hệ.

“Đặc biệt, sau khi xây dựng tượng đài, Sơn La sẽ có cơ hội quảng bá về du lịch. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho người dân đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng” - ông Quyến cho hay.

Trước ý kiến cho rằng, Sơn La là tỉnh nghèo,  đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc xây dựng tượng đài với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng vào thời điểm này liệu có hợp lý, ông Quyến cho rằng:

“Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.

Cũng theo ông Quyến, Sơn La là một tỉnh nghèo nên kinh phí xây dựng tượng đài 1.400 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ (ông nói chỉ biết chủ trương chung như vậy chứ không nắm rõ văn bản cụ thể).

Ngoài ra, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc người dân, con em Sơn La làm ăn xa cũng thể hiện tình cảm bằng cách đóng góp kinh phí.

Theo ông, quy mô diện tích tượng đài khoảng 10-15ha. Các hạng mục chính của công trình gồm đền thờ Bác Hồ (tượng Bác Hồ cao từ 5-8m); đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường sức chứa 20.000 người...

Ông Quyến cho biết thêm, hiện nay đề án này chưa hoàn thiện, nhưng nếu được cấp trên thông qua thì dự kiến sẽ động thổ  xây dựng vào tháng 10.2015.

 - 1
Ảnh minh họa: Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại TP.Pleiku, Gia Lai.  Ảnh:  zizouhanoi

Tượng đài nằm ở lòng dân

Về đề án của tỉnh Sơn La, trao đổi với NTNN, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm-  Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng:

“Trong phát triển kinh tế nói chung của xã hội và định hướng của Nhà nước thì hiện nay tượng đài đang là loại hình nghệ thuật được nhiều người chú ý.

Tượng đài là loại hình nghệ thuật mới tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận dễ dàng tới công chúng, thực hiện được việc truyền bá giá trị văn hóa lịch sử.

Nhưng bài học kinh nghiệm ở tất cả các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... đều trên cơ sở có định hướng chung về tượng đài để xác định rõ dự án ưu tiên trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta hiện nay.

Hầu như ở tỉnh, thành phố nào cũng có dấu ấn của Bác, tuy nhiên mỗi tỉnh lại phải xem xét, tính toán dự án đó cho phù hợp với mỗi tỉnh, thành. Sau đó mới lựa chọn phương án ưu tiên phù hợp kinh tế hiện nay”.

Theo ông Nghiêm, cho dù không ai phủ nhận những giá trị của tượng đài này, nhưng với bối cảnh kinh tế như hiện nay, cũng cần phải xem xét lại việc thực hiện dự án này.

“Hải Dương là tỉnh có dấu chân của Người và cũng muốn xây dựng tượng đài về Bác. Tuy nhiên sau khi xem xét, Hải Dương đã ưu tiên xây dựng tượng đài du kích, nhằm tôn vinh giá trị quần chúng trước.

Phải đặt sự lựa chọn tượng đài trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cũng như phải gắn kết tượng đài với đặc thù của từng địa phương”- ông Nghiêm nói.

Còn GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì phân tích:

“Tôi nghĩ tượng đài Bác Hồ là ở trong lòng dân, đó mới là điều vĩ đại ở Bác, chứ không phải cứ càng xây dựng tượng đài cao to thì mới thể hiện hết sự uy nghiêm của Bác và giá trị của tượng đài.

Một dự án với kinh phí 1.400 tỷ đồng vào lúc này tôi thấy chưa cần thiết, trong khi đời sống nhân dân Sơn La còn rất nhiều khó khăn”.

“Thông tin trên các báo về đề án xây tượng đài Bác Hồ và quảng trường tại tỉnh Sơn La với kinh phí lên 1.400 tỷ đồng, theo tôi được biết Bộ  VHTTDL chưa có quan điểm chính thức.

Còn cá nhân tôi cho rằng, cần có sự kiểm chứng lại thông tin. Nếu có thông tin như vậy thật thì tỉnh Sơn La đã báo cáo lên cấp trên chưa?

Hơn nữa, nếu có đề án đó thì trong bối cảnh hiện nay cũng phải cân nhắc với một nguồn kinh phí lớn như vậy. Sinh thời, Bác Hồ là người rất tiết kiệm, chống phô trương hình thức.

Chúng  ta cũng cần học tập, làm theo Người”- ông Phan Đình Tân- Chánh văn phòng Bộ VHTTDL cho biết.

134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, hiện trên cả nước có 134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh các loại. Trong đó, tại các khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước có 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong đó có 45 tượng “Bác Hồ với Bộ đội Biên phòng” được nhân bản từ một mẫu đặt ở khuôn viên 45 đơn vị bộ đội biên phòng trong cả nước). Tượng đài được xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị là 31 tượng. Ngoài ra, vừa qua các tỉnh, thành phố đề xuất đưa vào quy hoạch xây dựng mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hết năm 2030 là 58 tượng đài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại