Sói lửa - ác mộng của đồng bào dân tộc Tây Bắc

Có lúc chúng ăn ngấu nghiến và sạch banh con mồi, có lúc chúng ăn dở dang rồi để đó, mấy ngày sau quay lại ăn nốt.

Có một dạo chẳng thấy những con sói lửa kéo về, trâu bò thả trên các bãi chăn gia súc tha hồ nhởn nhơ gặm cỏ. Nhưng rồi, chúng lại về và 3 năm trở lại đây, mỗi năm bà con phải đành nhắm mắt "hi sinh" cho chúng 30 - 40 con trâu bò. Đó là tình trạng diễn ra trong suốt nhiều năm qua tại vùng biên giáp ranh giữa huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và huyện Mường Ét (CHDCND Lào).

30 - 40 trâu bò bị sói giết hại mỗi năm

Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, dong xe mấy chục km đường đồi núi, chúng tôi tìm đến xã Mường Lạn, khu vực giáp ranh giữa huyện Sốp Cộp và nước bạn Lào. Ở các bản Co Muông, Nậm Lạn và Pá Kạch... trong nhiều năm qua vẫn có thực trạng các đàn gia súc (trâu/bò/dê/ngựa) của bà con bị sói lửa ăn thịt và giết hại.

Trong đó, Pá Kạch sát sịt biên giới là bản có số lượng trâu bò bị giết hại nhiều nhất (30 - 40 con/ năm). Đây là địa bàn cư trú của 74 hộ với 585 nhân khẩu của đồng bào người Mông.

Anh Sổng A Dua (24 tuổi, trú tại bản Pá Kạch) kể rằng, hằng năm, cứ đến tháng 4, bà con ở đây lại mang tất cả gia súc lên các bãi chăn thả (đến tháng 11 lên mang về). Sở dĩ phải mang lên các bãi thả cách nhà 6 - 7 km và để ở đó là bởi nếu nuôi tại nhà thì không ai trông, bà con đi làm nương rẫy, lại không có gì cho nó ăn, đó là chưa kể không có đất để làm chuồng trại.

Tuy nhiên, chó sói về ngày càng nhiều, mỗi năm giết hại 30 - 40 con gia súc của dân bản. Có trường hợp cả năm không thu về được con nào. Riêng gia đình anh trong năm qua bị loài mãnh thú này bắt đi 3 con trâu và 1 con bò.

Chỉ tính trong mấy tháng đầu của năm nay, cả bản đã có 10 con gia súc bị giết. Bà con cứ canh cánh, lo sợ đêm ngày vì chẳng biết ngày mai tỉnh dậy, đàn gia súc (đi kèm đó là một số vốn không nhỏ của mình) có bị mất trắng hay không? Khi phó thác chúng trên những ngọn đồi cỏ xanh cũng đồng nghĩa với việc họ phó thác số phận cho ông trời, cho thần núi, thần rừng rồi.

Anh Sổng A Dua cũng nói thêm, mặc dù thả trên đó biền biệt hơn nửa năm trời nhưng hằng ngày dân bản vẫn thay phiên nhau lên kiểm tra một lần. Gia súc nhà nào thì làm dấu nhà đó nên nhà nào bị mất là biết ngay. Theo một số người đi tuần tra, đàn sói giết gia súc này chỉ xuất hiện và kiếm mồi vào ban ngày. Mỗi ngày chúng tấn công mồi vào 2 thời điểm, sáng từ 6 - 7h, chiều từ 16 - 17h.

Qua tìm hiểu, đường đi nước bước của đàn chó sói này rất khó xác định. Nó cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác miễn là nơi đó có mồi. Trong một buổi sáng, chúng có thể "càn quét" một lúc mấy bãi thả. Có lúc chúng giết gia súc bãi này xong thì chuyển qua bãi khác.

Cũng có lúc, vì thấy bóng người, chúng chuyển ngay sang bãi khác luôn và đi biền biệt vài ngày không thấy bóng dáng rồi bỗng nhiên lù lù xuất hiện. Có lúc chúng ăn ngấu nghiến và sạch banh con mồi, có lúc chúng ăn dở dang rồi để đó, mấy ngày sau quay lại ăn nốt. Và cụ thể đàn sói này bao nhiêu con, thậm chí có mấy đàn, cũng là một ẩn số mà bà con chưa biết.

Nhập mô tả cho ảnh
Sói lửa, một loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Được biết, ngoài nghề chính là làm nương rẫy thì chăn thả gia súc mang lại nguồn thu lớn đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Tất cả các gia đình ở Pá Kạch nhà nào cũng đưa trâu bò lên thả trên bãi. Có nhà mấy chục con, có nhà mấy con. Một bãi thả như thế không khu biệt loại gia súc, có cả trâu, có cả bò; có thể chứa được mấy chục con.

Có bãi chứa được hàng trăm con. Cả bản có 5 - 6 bãi thả gia súc hình thành từ 5 - 6 quả đồi ghép lại, tha hồ cỏ cho trâu bò gặm cả năm cũng không hết. Năm ngoái, số lượng trâu bò thả trên các bãi tổng cộng chừng 400 con.

Vì quá tức nên đi mua bẫy

Ông Sổng Sấy Tủa, Trưởng bản Pá Kạch.
Ông Sổng Sấy Tủa, Trưởng bản Pá Kạch.

Ông Sổng Sấy Tủa, Trưởng bản Pá Kạch nhớ lại, năm 1987, khi chuyển từ Sài Khao về Pá Kạch, dân bản đã cho thả trâu bò trên bãi. Lúc này những con chó sói từ Lào tràn qua biên giới và tấn công gia súc rất nhiều. Từ năm 1995 - 2005, chẳng thấy bóng dáng của chúng nữa. Bản làng yên bình, trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ. Nhưng từ năm 2005 trở đi, chúng lại kéo nhau về và trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm đàn sói đã giết hại từ 30 tới 40 con trâu bò.

Vào tháng 5, năm 2013, đàn sói này tấn công một lúc 7 con bò, dồn vào 1 khe rồi cắn. Có con chúng ăn hết, có con chúng cắn chết rồi để xác đó, máu tanh tưởi một vũng rộng. Khi nói về đàn sói này, ông Sổng Sấy Tủa bảo chúng là ác mộng với không chỉ riêng ông mà còn với tất cả đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Ông bảo loài này ác lắm, tàn độc lắm, "áp bức" lắm. ("áp bức" theo cách nói của bà con ở đây diễn dịch ra là không ăn hết mà cũng cắn chết - PV).

Sói lửa là loại thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam cũng như thế giới, thuộc danh mục cấm săn bắt. Theo các chuyên gia, loài sói này đang bị khai thác và săn bắn một cách nghiêm trọng. Chúng đang gặp nguy hiểm và cần phải có được những chính sánh để bảo vệ. Đồng thời nếu không có chính sách hợp lý thì loài sói này có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước tình trạng bầy gia súc bị giết hại như thế, nhiều người dân Pá Kạch bàn nhau cách bẫy sói. Vì không được phép sử dụng súng săn cũng như thuốc nổ nên bà con dùng dây thép, dây phanh xe đạp, xe máy để bắt sói.

Nhưng cách này không ăn thua và cũng nguy hiểm. Họ lại rủ nhau đi mua bẫy sắt. Có loại bẫy to và bẫy nhỏ, bẫy to nhất có giá từ 800 - 1 triệu đồng/cái. "Vì quá tức rồi nên mọi người mới mua cái bẫy này. Người dân nhà nào nhà đó tự đi mua và đi mua rất nhiều. Riêng đầu năm trở lại đây, dân bản đã bẫy được 8 con sói rồi".

So với những con chó sói mà chúng ta thường thấy, những con chó sói này có bộ lông màu hung đỏ pha vàng giống kiểu lông trộn màu của hoẵng, tai tròn vểnh lên, bụng màu sáng, thân dày và cao hơn chó bản, trong khi đó chân và đuôi lại màu nâu đen hoặc đen. Nó có hàm răng nhìn qua thì không nhọn lắm nhưng khi cắn con mồi thì thật sự biến thành dao cạo, nó có thể cắn nát tất thảy mọi thứ trong nháy mắt. Theo những thợ săn, thịt của loài sói lửa này tanh, khó ăn hơn thịt chó bản.

Sói lửa trước nguy cơ tuyệt chủng

Khi các bãi thả gia súc của người dân bị xâm hại nghiêm trọng cũng là lúc số phận của loài mãnh thú này bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng. Các cuộc vây bắt và đột kích dày hơn theo số lần trâu bò của dân bản bị giết hại.

Những người dân này nói với tôi, đó là cách họ bảo vệ đàn gia súc, tiền của và cả tính mạng của mình. Trước mắt, những con sói lửa này thấy người là chạy, và hiện tại chúng cũng chỉ mới tiếp cận các bãi chăn thả gia súc nhưng trong tương lai gần, khi mà đồng loại của nó từ Lào qua ngày càng nhiều, địa bàn bị phân mảnh thì khu vực sinh sống của người dân liệu có còn an toàn? Đó là một câu hỏi mà người dân Pá Kạch đang lo lắng.

Nhập mô tả cho ảnh
Một góc Sốp Cộp, một trong những vùng ít ỏi trên đất nước ta còn sự xuất hiện của loài sói lửa.

Ông Giàng Nỏ Ly, bản Pá Kạch, khoe: Con chó sói to nhất mà tôi bắn được là con đực, khi mang về bản cân lên được 32kg. Ở Pá Kạch, có người ở bản trên, từng bẫy được một gia đình sói cả mẹ cả con (sói con nặng từ 1,4 - 1,5 kg). Năm nay, ông Giàng Bả Sinh và Giàng Mạc Ma cũng bẫy bẫy được 4 -5 con sói lửa. Những người dân bản Pá Kạch cho biết con sói to nhất mà họ biết lên tới 40kg. Tuy nhiên, trưởng bản Sổng Sấy Tủa cho biết vẫn chưa có ai hạ thủ được con sói đầu đàn. Con này rất khôn, thông minh, nhiều người bẫy mà không được. Làm như thế nào cũng không được.

Ông Trưởng bản Pá Kạch cho biết, mặc dù biết nhà nước cấm săn bắt nhưng vì thiệt hại kinh tế mà loại này mang lại lớn quá, xót quá nên người dân cũng chẳng còn cách nào khác. Ước muốn của dân bản bây giờ là "cấm chúng tôi săn bắn, vậy thì chính quyền phải có biện pháp gì để đuổi đàn sói, bảo vệ đàn gia súc của dân bản".

Liên hệ với ông Giàng Sấy Tủa, Phó Chủ tịch xã Mường Lạn thì ông cho biết, đến thời điểm hiện tại, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là người dân phải tự bảo vệ đàn gia súc của mình, phải mang về, chăn nuôi trong chuồng trại, không đưa thả ở các bãi chăn gia súc tập trung. Ông cũng nói thêm, nếu dân không làm theo cách đó thì chỉ biết chấp nhận thực tế mà thôi. Và gia đình ông hằng năm cũng đành phải "hy sinh" mấy con trâu bò cho loài sói này.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng đồn Biên phòng Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La: Mấy năm trở về trước, khu vực quanh Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cũng có tình trạng sói tràn về giết gia súc của đồng bào dân tộc ở đây. Thế nhưng, cuộc di chuyển này bây giờ chủ yếu diễn ra ở xã Mường Lạn. Hằng năm, một số lượng lớn gia súc của bà con bị giết hại, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Với người dân ở đây, trâu bò và nương rẫy như máu thịt của họ vậy. Sở dĩ sói lửa về ngày càng nhiều, theo tôi, một trong những nguyên nhân chính là do nhà nước tịch thu hết vũ khí săn bắn, súng và cả thuốc nổ. Bây giờ cả bản chỉ được phép dùng 1 khẩu súng và súng đó sẽ được giao cho một người uy tín trong bản giữ để dùng trong ma chay theo phong tục của đồng bào.

Vì thế mà, số lượng sói già hoá và phát triển thêm. Kéo theo đó, Lào còn rất nhiều rừng già, sói từ đó qua biên giới cũng nhiều. Địa bàn sinh sống và kiếm mồi bị phân mảnh, thành ra mới có tình trạng sói về các bãi chăn thả để tìm mồi.

Thời sự VTV 19h ngày 2/6/2014

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại