"Sói biển" bốn lần bị bắt ở Hoàng Sa

Nhơn Thành |

(Soha.vn) - Trong chuyến ra Lý Sơn (Quảng Ngãi), may mắn được gặp lại “sói biển”. Trong lúc “lai rai”, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về cuộc mưu sinh trên biển của mình.

“Sói biển” là biệt danh mà người ta dùng để gọi cho anh Mai Phụng Lưu (43 tuổi, xã An Hải). Tất nhiên, đó không phải là một ngẫu nhiên, mà là sự ghi nhận của mọi người đối với một người đàn ông bám biển mưu sinh, mà công cuộc mưu sinh ấy còn là một quá trình bảo vệ biển đảo quê hương.

Bốn lần bị bắt ở Hoàng Sa

Tôi hỏi, hơn 25 năm làm biển chắc anh có nhiều kỷ niệm lắm nhỉ? Anh cười đáp: “Nhiều chứ, nhưng nhớ nhất là… bốn lần bị bắt ở Hoàng Sa”. Hóa ra, với những người đã dày gió dạn sương thì kỷ niệm khó quên nhất của họ lại là những lúc cập kề cái chết hay tận cùng của khó khăn.

Anh Lưu trên chiếc tàu nhỏ của mình vì sau những lần bị Trung Quốc bắt phải gán tàu lớn cho chủ nợ

Anh Lưu trên chiếc tàu nhỏ của mình vì sau những lần bị tàu lạ bắt phải gán tàu lớn cho chủ nợ

Lần đầu tiên anh bị bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là vào giữa tháng 4/2005. Vào ngày thứ 7 của phiên biển, khi anh đang cùng các bạn tàu lặn hải sâm ở đảo Lin Côn (thuộc nhóm đảo An Vĩnh) thì từ phía đảo Phú Lâm xuất hiện chiếc tàu lạ đang nhắm thẳng hướng tàu anh lao tới.

Chiếc tàu này chạy với tốc độ rất lớn, khiến anh và bạn tàu không kịp nhổ neo chạy trốn. “Khi đến gần, chúng chĩa súng, đồng thời cho hai chếc sà lan nhỏ đến tiếp cận tàu của tôi. Chúng bắt 9 anh em lên trước tàu quỳ xuống và giơ hai tay lên. Sau đó lục lấy gần 3 tạ hải sâm", anh Lưu nhớ lại.

Rồi bọn chúng bỏ đi. Ấm ức vì bị bắt trên vùng biển của mình, anh Lưu bàn với anh em là quyết ở lại làm tiếp. Lần này cũng ở đảo Lin Côn, bốn ngày sau khi được chúng thả, tàu các anh lại bị bắt, lúc này các anh đã bắt được khoảng 7 tấn cá và 70 con hải sâm.

Tất cả số cá và hải sâm này đều bị bọn chúng lấy hết, cùng với ngư cụ. Sau đó lai dắt tàu của anh đến một hòn đảo, giam giữ anh và bạn tàu vào tù 3 tháng và yêu cầu phải nộp tiền chuộc nếu không sẽ đưa lên tù của người điên để đánh cho chết.

Chuyến biển này anh Lưu đi hai tàu, bọn chúng cho anh chạy một tàu về để lấy tiền chuộc 8 thành viên và chiếc tàu còn lại.

“Số tiền mà bọn chúng yêu cầu là khoảng 175 triệu. Lần này, cả bốn cha con tui bị bắt nên về tới nhà thấy bà vợ khóc dữ quá”, anh Lưu cho biết thêm.

Lần thứ hai anh bị bắt cũng vào năm 2005. Lúc đó là khoảng đầu tháng 6, anh cùng 11 bạn tàu đang làm biển ở đảo Phú Lâm thì bị bắt. Lúc này mới chỉ làm được hai ngày với 3 tấn cá và gần 3 tạ hải sâm.

Lần thứ ba “sói biển” bị bắt là vào giữa tháng 3/2010. Phiên biển này cũng có 4 cha con anh Lưu và 7 người khác. Làm tại đảo Phú Lâm, được 10 ngày với 9 tấn cá và hơn 3 tạ hải sâm thì bị bắt.

“Lần này chúng không lai dắt nữa mà bắt tôi chạy tàu vào đảo Phú Lâm. Do tui khóa dầu máy nên chỉ chạy một đoàn thì tắt máy, bọn chúng không tin máy bị hư nên không thả anh em mà lai dắt tàu vào đảo Phú Lâm, lúc này khoảng 7 giờ tối.

 Lần này chúng nhốt một tháng rưỡi và đòi gần 200 tiền Việt. Mấy ngày đầu, nghĩ có tiền chuộc nên bọn chúng cho ăn no, sau thấy lâu có tiền nên chỉ cho ăn cầm chừng.

Cứ mỗi ba đêm một lần, khoảng 7 giờ tối chúng xuống bắt tui đi. Vừa lên xe là bọn chúng đánh đấm, dí roi điện khiến tui bị ngất. Khi tui tỉnh dậy là bọn chúng tại tiếp tục tra tấn.

Anh em thấy người tui bị bầm tím nên xin đi thay nhưng bọn chúng không chịu. Có lần tui suýt khóc vì thằng Tâm (Mai Chí Tâm, 23 tuổi- con trai trưởng của anh Lưu) van xin chịu đánh thay tui”, anh Lưu nhớ lại những giây phút bị tra tấn.

Anh Lưu kể và mô tả hành động bị Trung Quốc tra tấn

Anh Lưu kể và mô tả hành động bị tra tấn

Giữa tháng 8 năm đó 4 cha con anh và 5 bạn tàu lại bị bắt khi đang đánh bắt tại đảo Phú Lâm sau đó được giải cứu.

Nhớ Hoàng Sa

Cũng vì bị bắt nhiều lần như thế hầu như tài sản của Mai Phụng Lưu đều mang đi thế chấp để trả tiền chuộc, mua sắm ngư cụ, máy móc mới để làm biển.

Đã có thời gian, anh phải vào đất liền để làm thuê cho người ta. Đó là những lúc anh nhớ biển, nhớ Hoàng Sa, nhớ từng con sóng, từng luồng lạch ngoài đấy nhưng không thể ra được vì không còn tàu.

Hiện “sói biển” đang làm giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Lý Sơn. Anh bảo mình không hề thấy “oai” chức vụ này nhưng vô cùng sung sướng. Vì lẽ, theo như kế hoạch thì công ty anh sẽ có một chiếc võ sắt trọng tải 300 tấn với công suất gần 1.000 CV. Với chiếc tàu này, anh sẽ thỏa chí ngang dọc Hoàng Sa, giúp đỡ anh em ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, trao đổi: “Mai Phụng Lưu là một ngư dân quả cảm. Dù nhiều lần bị bắt, lấy hết tài sản và bị đánh đập nhưng Lưu vẫn không chịu khuất phục. Nếu anh Lưu cần, chính quyền sẽ cố gắng hỗ trợ anh làm ăn”. 

Trước khi chia tay anh, trên chiếc tàu nhỏ chuẩn bị đi Hoàng Sa, anh Lưu tâm sự: "Mong chuyến này đi Hoàng Sa bình yên, để kiếm ít nhiều về ăn tết".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại