Trên tầng 4 ngôi nhà khang trang của mình, anh Lê Chính (quận Tân Phú, TP.HCM) dành hẳn cho những "cún cưng" của mình hai phòng ở "sang trọng" như những "công tử" con nhà giàu. Bốn chú chó trưởng thành, đẹp đẽ, sang trọng, oai vệ vừa thấy "thủ lĩnh" bước vào giới thiệu có "khách" tới thăm liền bày tỏ thái độ vui mừng chào đón bằng những tràng "gâu, gâu... gâu".
Anh Chính giải thích: "Chúng đang bày tỏ niềm vui và thái độ hân hoan khi gặp người. Chúng sủa là "tự giới thiệu" về bản thân mình để làm quen thôi, chứ chúng chưa biết làm đau một ai bao giờ...".Anh Chính cho biết, vô tình xem bộ phim "Âm độ", một bộ phim tuyệt hay về loài chó trung thành Alaska Malamute. Rồi anh "kết" Alaska với một tình yêu mãnh liệt và quyết tâm tìm mua về nuôi cho bằng được.
Anh Lê Chính đang ra hiệu cho chú khuyển có tên Noble - Alaska biểu diễn cho khách xem.
Tìm hiểu thông tin, nguồn gốc đầy đủ rồi năm 2006, anh quyết định qua Mỹ, đến tận vùng Alaska băng giá xa xôi, để "tầm" thú cưng trong "mộng". Thế nhưng qua Alaska là một chuyện và tìm được một chú "Alaska Malamute" nguyên bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn lại là chuyện khác. Đến đây, anh phải rong ruổi trong cái lạnh thấu xương để "truy lùng" cho bằng được đối tượng ưng ý và nhanh chóng "thoát thân" trước sự khắc nghiệt của khí hậu.
Và trời đã không phụ lại niềm đam mê của anh. Sau cả tháng đỏ mắt lùng sục, anh đã bay về vùng đất nhiệt đới Sài thành cùng ba chú chó "tuyết" Alaska Malamute tuyệt đẹp. Nhẩm tính sơ sơ đã thấy để đưa được những chú chó được mệnh danh là "hoa vương của vùng băng giá" này về anh đã phải chi gần 25.000 USD (gần 500 triệu đồng).
Về đến nhà, tuy thở phào nhẹ nhõm vì ba chú vẫn mạnh khỏe nhưng anh lại thấp thỏm, lo âu, chờ đợi những ngày tháng sắp tới xem nó thích nghi như thế nào. Vài tháng đầu, mỗi tháng anh mua vài chục cây nước đá về bỏ trong phòng, máy lạnh bật tối đa. Khi chó không còn "ngơ ngác" trước không gian mới, anh bắt đầu cho chúng ra ngoài làm quen dần với khí hậu nhiệt đới.
Vừa ra ngoài, sức nóng "táp" vào mặt bất ngờ làm chúng bị choáng vì chưa từng biết qua cảm giác như thế. Anh chỉ cho chúng "tắm nhiệt" vài phút rồi lại đưa vào "kho lạnh". Và cứ như vậy theo từng ngày, thời gian ra ngoài thêm nhiều và dài hơn, đá ngày một ít đi và cho đến nay, nó không cần đến máy lạnh mà chỉ cần chiếc quạt gió.
Chăm sóc đặc biệt chỉ để... kéo xe?!
Alaska Malamute ăn rất "khiêm tốn" so với những loại chó khác có cùng kích cỡ hay trọng lượng. Tuy nhiên, anh Chính nhấn mạnh thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh và đủ dưỡng chất như con người. Mỗi ngày anh Chính cho ăn thức ăn chuyên dụng được sản xuất tại Pháp. Ngoài dưỡng chất từ thịt cá, anh còn cho ăn bổ sung nguồn vitamin từ rau củ như bí đó, khoai lang, cà rốt,... để cơ thể chúng luôn được thanh lọc mát mẻ.
Đối với những con nhỏ mới sinh (mỗi năm 2 lứa) thì ngoài sữa mẹ, anh còn cho uống thêm sữa dành cho chó con. Khi chó sinh thì có phòng lạnh cách ly và chăm sóc đặc biệt trong môi trường vô trùng. Anh cho biết: "Tôi phải đầu tư tủ thuốc cho chó tại nhà, đưa chó đi khám và chích ngừa định kỳđều đặn...".
Người ta bảo, "chăm chó khó nhất chăm lông" và Alaska là loài rất cần sự chải chuốt. Anh Chính kinh nghiệm: "Alaska mỗi năm thay lông 2 lần, tuy nhiên ở môi trường nhiệt đới này chúng rất dễ rụng lông mỗi khi thời tiết thay đổi. Vì vậy, phải có "bài" chăm sóc riêng biệt cho bộ lông của nó thì chó mới đẹp và sạch sẽ được...".
Một vài ngày, anh Chính phải chải lông cho chó 1 lần bằng lược chuyên dụng nếu không lông chúng sẽ bị kết dính và trông mất đẹp. Rồi anh phải "tắm khô" bằng cách xịt hỗn hợp các loại dầu đặc biệt lên người chúng rồi xoa,massage lông và sau đó là dùng lược chải lại cho thẳng mượt.
Với loài Alaska bản xứ, kéo xe thồ hàng, chạy trên băng tuyết được coi như nhiệm vụ "bất khả chiến bại" của chúng. Vì không muốn chúng mất đi cái "gốc" lao động "oanh liệt" ngày nào nên anh lâu lâu lại "nài cương" cho chúng kéo xe máy chạy lòng vòng trong khu công nghiệp Tân Bình.
Anh Chính tâm sự: "Cứ mỗi lần thấy tôi "thắng yên cương" là chúng lồng lên hào hứng. Chúng chạy rất hưng phấn, ngoan và chính xác theo hiệu lệnh. Thái độ chúng như một người giúp việc trung thành, biết buồn vui, biết bảo vệ chủ và biết làm gì để đền ơn cho người chăm sóc mình...".
Theo Nguoiduatin.vn