Sau khi bị giấu kín suốt 8 năm qua vì nhiều lý do, các bức ảnh cuối cùng đã được công bố và gây ra không ít tranh cãi tại Trung Quốc.
Các bức ảnh trông như mới chụp từ ngày hôm qua, nhưng thực tế chúng đã 8 năm tuổi. Ngày 24/6/2003, một phóng viên Trung Quốc đã được chính quyền cho vào Nhà tù số 1 dành cho phụ nữ ở thành phố Vũ Hán, để tìm hiểu về đời sống của các tử tù.
Những hình ảnh hiếm hoi
Trong khoảng thời gian từ 21h tới 7h21 sáng hôm sau, phóng viên đã được tiếp xúc và chụp hàng loạt các bức ảnh của 4 tử tù là Ma Qingxiu, Li Juhua, Dai Donggui và He Xiuling. Cả 4 đều bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy và sẽ ra pháp trường vào sáng sớm ngày 25/6/2003.
Ban đầu các bức ảnh dự kiến được dùng làm công cụ răn đe những người khác. Nhưng về sau chúng lại bị cấm xuất bản, bởi chính quyền lo ngại nội dung trong ảnh có thể khuấy động sự cảm thông của dư luận dành cho các nữ tử tù.
Xiuling (thứ 4 từ trái sang) và Qingxiu (thứ 6), vui vẻ ngồi chơi bài giết thời gian trước giờ ra pháp trường.
Quả thực nhìn những tấm ảnh, không ai có thể hình dung những người phụ nữ đó chỉ còn vài giờ đồng hồ ít ỏi để sống. He Xiuling, tử tù trẻ nhất trong nhóm, luôn tỏ ra vui vẻ quá mức. Cô nhoẻn cười khi cho chân vào đôi giày mới sẽ dùng trong ngày cuối đời. Lúc khác cô lại dựa đầu vào một bạn tù, miệng vẫn cười tươi.
Ở góc khác của nhà tù, các bức ảnh cho thấy Donggui đã cẩn thận gấp ngay ngắn chăn màn trước giờ ra pháp trường. Cô cũng nhoẻn cười khi diện một chiếc áo màu đỏ khoe với phóng viên. Đó sẽ là chiếc áo mới cuối cùng cô mặc trước khi bị xử bắn.
Bữa ăn cuối cùng của Donggui khá giản dị, chỉ gồm cháo đậu xanh và đồ ăn nhanh. Ít phút sau khi cô ăn xong, một cán bộ quản giáo xuất hiện và bón mấy quả vải cho cô ăn giải khát.
Riêng Juhua không cười đùa, nhưng gương mặt cũng chẳng lộ vẻ buồn bã. Cô ngồi trong phòng giam và khẽ đọc di chúc để một bạn tù viết hộ. Trong mấy giờ cuối cùng trước khi trời sáng, Xiuling và Qingxiu ngồi chơi bài với nhau, cười râm ran như thể ngày mai không phải ra pháp trường vậy. Donggui thì nhờ một cán bộ quản giáo vẽ hộ cho cô bộ móng tay có màu đỏ tươi.
Lúc 7h sáng, cả 4 người được đưa ra pháp trường để thi hành án. Chỉ vài phút trước khi nhận một viên đạn duy nhất vào sau gáy, Xiulinh mới bật khóc. Cô là tử tù duy nhất khóc trong buổi sáng hôm đó.
Tử tù Donggui ăn bữa cuối cùng trước khi ra pháp trường
Nhiều ý kiến trái chiều
Mặc dù Trung Quốc gần đây đã giới hạn bớt các tội danh có thể lãnh án tử hình, đất nước này vẫn giữ nguyên hình phạt cao nhất với bất kỳ ai bị phát hiện buôn lậu từ 50 gram heroin trở lên. Thực tế có khá nhiều tử tù ở Trung Quốc là dân buôn bán ma túy. Người ngoại quốc nếu phạm tội này cũng không thoát án tử hình.
Hiện có 7 người Nga đang chờ ngày thi hành án tử hình ở Trung Quốc, gồm một phụ nữ mới bị kết án tử hồi tuần trước vì mang theo 200 gram heroin. Trung Quốc đã hành quyết một doanh nhân người Pakistan vì phạm tội buôn bán ma túy hồi tháng 9 năm nay. Và bất chấp lời khẩn cầu xin ân xá từ Tổng thống Philippines, một người Philippines vẫn sẽ bị đưa ra hành quyết vào ngày 8/12 tới đây.
Trở lại trường hợp của 4 người phụ nữ kể trên, sau 8 năm nằm trong im lặng, các bức ảnh chụp họ và lời chú thích kèm theo đã bất ngờ được đăng tải trên trang web của kênh truyền hình Phượng Hoàng có trụ sở ở Hong Kong.
Gần 300.000 người đã xem những bức ảnh kể từ khi chúng xuất hiện trên trang web của Phượng Hoàng. Họ cũng để lại hơn 3.600 bình luận khác nhau và tạo nên một cuộc tranh cãi lớn về việc có nên duy trì án tử hình hay không.
Tuy nhiên có khá đông người tỏ ra ít cảm thông với các tử tù. Họ thậm chí còn chỉ ra rằng việc cả 4 người đều tỏ thái độ vui vẻ trông giống như họ đang tham gia một kỳ nghỉ, chứ không phải chuẩn bị ra pháp trường.
“Khi tôi nghĩ về những con người, với cuộc sống đã bị hủy hoại bởi ma túy, thì cái chết là chưa đủ với những nữ tử tù đó" - blogger với nick fenghuangwang viết - "Họ đã giết người vì lợi nhuận khi buôn bán cái chết trắng. Tiêm thuốc độc là hình phạt quá nhẹ nhàng. Họ phải bị bắn ít nhất 10 lần mới đủ để trả giá".
Theo Thể thao & Văn hóa