Sở Giao thông Hà Nội: "Một số đường đã giảm ùn tắc"

camnhung |

Tuy vậy, nhiều tuyến đường trên địa bàn vẫn lâm cảnh ùn tắc, nhất là đường nhỏ và tuyến tập trung nhiều trường học.

Sau 2 ngày điều chỉnh giờ học, giờ làm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá, mật độ phương tiện đã giảm trên một số tuyến đường hay xảy ra ùn tắc, như: Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định...

Chiều 2/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã có báo cáo nhanh gửi Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội đánh giá ban đầu tình hình giao thông sau 2 ngày áp dụng đổi giờ học, giờ làm.

Theo đó, trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, tuy lượng phương tiện vẫn đông nhưng không gây tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể, như một số tuyến: Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy - Cầu Giấy...

Để phục vụ việc đi lại của người dân khi đổi giờ, cơ quan này đã phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội tăng thêm 129 lượt xe buýt trên 7 tuyến có đông các trường đại học, cao đẳng. 7 tuyến buýt được tăng cường thêm xe.

Hà Nội cần nhiều biện pháp để giải quyết ùn tắc giao thông. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, Sở Giao thông cho rằng, một số tuyến đường trọng điểm hệ thống chiếu sáng chưa điều chỉnh phù hợp với thời gian sinh hoạt của nhóm người thuộc diện điều chỉnh giờ, như học sinh, sinh viên, gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển giao thông trong khoảng thời gian buổi sáng từ 5h đến 6h và buổi chiều từ 18h đến 19h.

Để khắc phục hạn chế, cơ quan này đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội điều chỉnh giờ đóng, mở hệ thống chiếu sáng trên toàn bộ hệ thống đường của thành phố cho phù hợp với việc thay đổi giờ làm, giờ học.

Tuy vậy theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường trên địa bàn vẫn lâm cảnh ùn tắc, nhất là đường nhỏ và tuyến tập trung nhiều trường học.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, cũng cho biết trong ngày đầu triển khai việc điều chỉnh giờ làm việc và học tập, áp lực giao thông không lớn bởi lượng người tham gia giao thông chưa đông như ngày thường. Những ngày sắp tới, khi lượng sinh viên đại học, cao đẳng và người lao động ở các nơi trở về Hà Nội học tập và làm ăn, chắc chắn sẽ nảy sinh những bất cập mới.

Thăm dò ý kiến độc giả trên VnExpres.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, đổi giờ chỉ là một trong nhiều biện pháp giải quyết ùn tắc và có tính chất tình thế khi mật độ giao thông quá lớn vào giờ cao điểm. Nếu giãn thêm giờ cao điểm vào buổi sáng và chiều thì sẽ giảm được mật độ phương tiện.

Tuần tới, Sở Giao thông sẽ lấy ý kiến lãnh đạo các trường đại học về thuận lợi, khó khăn và tổ chức điều tra tại các nút giao thông trọng điểm.

Theo Đoàn Loan

VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại