Lập trang mạng xã hội để kinh doanh
Việc sử dụng nhiều trang mạng xã hội hiện nay rất đơn giản, người dùng dễ dàng lập một tài khoản trên đó để tham gia, trở thành thành viên của diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội như Blog, Google +, facebook, forum, twitter, dropbox, delicious,…
Bạn H.Anh – Trường ĐH FPT là một ví dụ. Bạn đã tự lập cho mình một shop quần áo trực tuyến qua các trang mạng, chủ yếu là facebook với “nick-name” Cheappie Wings.
Chỉ cần ngồi nhà, nhiều sinh viên tự làm chủ shop quần áo online được rao bán trên mạng. Đây là công việc được khá nhiều bạn sinh viên lựa chọn để kinh doanh.
Công việc của cô nàng là liên tục cập nhật các mẫu quần áo mới, đang “hot” trên thị trường, đăng lên trang để giới thiệu đến khách hàng online. Sau khi đăng lên, khách hàng sẽ hỏi và trả giá sản phẩm và H.Anh phải trực tiếp tư vấn người mua bằng cách bình luận trực tuyến qua ảnh sản phẩm.
Còn bạn Thu – Trường ĐH Hòa Bình, để thu hút khách hàng ngoài facebook, bạn lập một toppic trên trang bán hàng trực tuyến và giới thiệu sản phẩm của mình gồm mỹ phẩm, quần áo.
Ở mỗi hình ảnh Thu ghi rõ giá sản phẩm và cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng có thể xem hàng và liên hệ mua sản phẩm nếu đồng ý.
Không chỉ sử dụng các trang diễn đàn, mạng xã hội để kinh doanh mà nhiều sinh viên còn gửi trực tiếp thông tin sản phẩm, thông tin khuyến mãi, quà tặng của mình vào trực tiếp địa chỉ email của khách hàng.
Bạn Phương – CĐ Sư phạm Trung Ương, chia sẻ: “Hiện tại tớ đang bán mỹ phẩm online không chỉ trên facebook, trang bán online mà mình gửi thông tin sản phẩm, khuyến mãi, quà tặng đến từng địa chỉ email của khách hàng”.
Ngoài việc kinh doanh bán hàng qua mạng, nhiều sinh viên còn đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng tới tận nơi cho khách hàng. Tùy theo độ xa gần mà các bạn tính cước phí.
Không bỏ ra quá nhiều tiền vốn, công sức hay thuê địa điểm mở quán, không ít sinh viên trở thành chủ “shop online” và bội thu nhờ mối quan hệ bạn bè và sức mạnh của mạng xã hội.
Kinh doanh qua mạng cũng là một nghệ thuật
Tất nhiên, để trở thành chủ cửa hàng online không phải dễ, đặc biệt là làm thế nào để lập một cái tên shop thật bắt mắt, hấp dẫn trên các trang mạng xã hội cũng là một nghệ thuật.
Tên shop phải phù hợp với sản phẩm bán và mang yếu tố ấn tượng mạnh cho khách hàng khi nhìn thấy hoặc vô tình lướt qua. Bạn H.Anh chia sẻ: “Hiện tại không chỉ có sinh viên kinh doanh qua mạng internet mà nhiều cửa hàng, công ty nổi tiếng cũng kinh doanh, vì vậy mà mình phải đặt tên shop online phải đặc biệt và thu hút hơn họ”.
Để giới thiệu và thuyết phục khách mua hàng của mình trong vô số sản phẩm ở trên mạng thì không phải dễ dàng gì. Vì vậy, khi đối thoại trực tiếp với khách hàng (qua dòng comments bên dưới ảnh sản phẩm) cũng thật khéo léo.
Nếu bạn trả lời đủ ý của khách hàng thì thực sự bạn chỉ mới đáp ứng nhu cầu muốn biết thông tin về sản phẩm của khách hàng mà chưa lôi kéo khách hàng vào giai đoạn muốn dùng.
Kinh nghiệm của bạn Thu chính là: “Khi khách hàng hỏi “mẫu này còn không ạ?” thì đừng trả lời một cách ngắn gọn là “có!” mà hãy trả lời khéo léo “mẫu này còn bạn ạ, nhưng nếu bạn không nhanh tay thì sẽ hết, vì mẫu này có rất nhiều người hỏi và đặt mua!”, việc đó như khích lệ tính quyết định mua hàng nhanh chóng của khách”.
Hơn nữa, để đem đến độ tin cậy và sự thu hút thì ảnh và thông tin về sản phẩm phải rõ ràng, chi tiết. Việc đó rất có lợi cho việc khách hàng tìm hiểu, gây ấn tượng về sản phẩm của bạn.
Một số hình thức kiếm tiền khác qua internet của sinh viên
Bạn Quỳnh Anh – ĐH FPT được một công ty truyền thông thuê post (đăng) bài lên trang web của công ty với phí post bài là 500 đồng một bài. Không cần đi đâu xa, không mất quá nhiều thời gian mà Quỳnh Anh trung bình đăng được 2000 bài/1 ngày.
Công việc quản lý facebook của một cửa hàng bán quần áo lớn ở Hà Nội và kết bạn cũng như cập nhật thông tin sản phẩm tới khách hàng đem lại cho Tân – sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội mức lương 1 triệu đồng/ tháng.