Sáng 11/12, khi thấy cửa hàng gas Phú Vinh (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) cháy ngùn ngụt, người dân lao vào đập cửa, gọi gia đình chủ đang ngủ say. Trong khi người chồng và nhiều thanh niên thoát được ra ngoài thì người vợ và con trai 7 tháng tuổi bị kẹt trên tầng 2 và chết cháy.
Nguyên nhân vụ việc đang được công an điều tra, tuy nhiên thông tin ban đầu có thể do rò rỉ khí gas và chủ cửa hàng đã không tuân thủ quy định an toàn như: có lối thoát hiểm phía sau, không được sinh hoạt tại cửa hàng gas...
Cửa hàng gas Trang Nhung (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) có không gian chật hẹp, nhiều bình gas được để cả ra đường. Ảnh: Lê Hiếu.
Không chỉ có Phú Vinh, việc các cửa hàng kinh doanh gas diện tích nhỏ hẹp, không có lối thoát hiểm phía sau, ăn ngủ ngay tại cửa hàng... diễn ra phổ biến. Nguyên nhân phần lớn điểm kinh doanh gas thuê mặt bằng, vừa làm nơi bán hàng, vừa sinh hoạt nhằm tiết kiệm chi phí và dễ quản lý.
Nằm ở mặt phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội), cửa hàng gas Trang Nhung chỉ rộng hơn 10 m2 với lối ra vào duy nhất ở phía trước. Cả việc kinh doanh lẫn sinh hoạt... đều diễn ra tại đây. Thậm chí, đêm nào cũng có một nhân viên ngủ lại trông coi. Chủ cửa hàng cho biết, có nghe thông tin cháy nổ gas thời gian gần đây nhưng với thâm niên kinh doanh gas 4 năm chưa từng xảy ra hỏa hoạn, anh khá yên tâm về vấn đề an toàn cháy nổ.
Tương tự, dù chật hẹp nhưng cửa hàng gas đối diện chợ tạm Trung Hòa (Cầu Giấy) hay trên đường Bưởi (quận Ba Đình, Hà Nội) được chất đầy bình gas khiến lối đi chật chội, phải lách người mới qua lại được. Một nhân viên ở chợ tạm Trung Hòa cho biết: "Buôn bán lâu rồi nhưng có thấy xảy ra cháy nổ gì đâu. Cửa hàng thường xuyên kiểm tra các bình gas nên chắc chắn an toàn".
Anh Thái, chủ cửa hàng gas trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) cho hay, rất khó để đạt đủ tiêu chuẩn quy định, đặc biệt là mặt bằng vì liên quan đến kết cấu xây dựng trước đó. Cụ thể, cửa hàng của anh dù có cửa thoát hiểm, rộng rãi, phân rõ khu bán hàng và nhà kho, nhưng tường chỉ xây bằng gạch nung chứ không làm bằng gạch chịu lửa, cửa ra vào không làm bằng vật liệu chịu lửa trong 30 phút.
Cửa hàng gas đối diện chợ tạm Trung Hòa (Cầu Giấy) có lối đi hẹp nhưng để đầy bình gas. Ảnh: Lê Hiếu.
Một số cửa hàng trên đường Láng, Trần Quốc Hoàn... không có phương án chữa cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ không đầy đủ hoặc để quá xa khu vực quy định. Trên các vỏ bình gas không ghi rõ hướng dẫn sử dụng cùng khuyến cáo khi có sự cố rò rỉ khí gas. Một số bình gas rỉ sét, mòn, hết hạn kiểm định lại được sơn mới để qua mắt người tiêu dùng và cơ quan chức năng dẫn đến đường dẫn dễ bị rò rỉ, mất an toàn khi sử dụng.
Sáng 13/12, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, theo quy định, các cửa hàng gas ở thủ đô đều phải đăng ký giấy phép kinh doanh, nhưng do nhu cầu sử dụng tăng cao nên nhiều cơ sở kinh doanh gas trái phép mọc lên, rất khó quản lý.
"Quy định cũng nêu rõ cửa hàng gas phải có lối thoát hiểm phía sau, không được ngủ tại cửa hàng, phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chỗ, nhưng hầu hết đều vi phạm. Nhiều trường hợp chúng tôi đã lập biên bản vi phạm để xử lý", ông Thiều nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thiếu, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang phối hợp với các cơ quan chức năng, để thanh kiểm tra các cơ sở vi phạm ở thành phố.
Theo Lê Hiếu
VNE