Nhằm giải quyết những vướng mắc về mặt bằng tại một số điểm giao cắt trên đường vành đai 2 để Sở GTVT nhanh chóng đưa ra phương án thực hiện dự án đường trên cao, ông Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội tại khu vực nút Ngã Tư Vọng.
Cầu vượt Ngã Tư Sở, Hà Nội Ảnh: Trọng Đảng.
Theo kiến nghị mà Sở gửi lên thành phố thì để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư của tuyến vành đai 2 thời gian tới, ngay cả khi tuyến đường sắt số 1 chưa thi công thành phố cũng cho phép được giao mặt bằng thực hiện dự án. Cũng theo Sở GTVT, để đảm bảo đồng bộ, tạo thuận lợi cho đường bộ trên cao đi trên tầng 3, cần khống chế cao độ mặt ray tuyến đường sắt số 1 cao hơn cao độ mặt đường vành đai 2 theo quy hoạch là không quá 7m.
Như vậy phương án đường trên cao đi qua nút Ngã Tư Vọng sẽ vượt trên cầu vượt và là làn đường nằm trên tầng 3 (trên cả cầu vượt Ngã Tư Vọng, tuyến đường sắt số 1) tại nút giao thông này.
Cũng theo Sở GTVT, phương án này sẽ được thực hiện tương tự khi đường trên cao đi qua cầu vượt Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng lưu ý đến phương án thứ 2. Cụ thể, trong trường hợp nếu giải phóng được 3.600 hộ dân ở hai bên đường để có mặt bằng như thiết kế thì phương án đường trên cao đi tránh cầu vượt sẽ thực hiện được.
Như chúng tôiđã phản ánh, một số chuyên gia xây dựng cảnh báo, nếu xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2 và 3 thì 3 cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng sẽ phải phá bỏ. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Sở GTVT trong những ngày qua cho biết, đang nghiên cứu để tìm ra phương án tối ưu, còn ông Đỗ Quang Minh, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án đường trên cao tại nút Mai Dịch cho biết, phương án phá dỡ hay đi tránh sẽ được tính đến khi dự án có tiền triển khai các đoạn tiếp theo. Trong khi đó, trong công văn gửi báo chúng tôi ngày 29-6, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết Hà Nội không có chủ trương và giải pháp phá bỏ 3 chiếc cầu vượt kể trên.
Theo Tiền Phong