Hơn 6 năm, thời gian chưa phải là nhiều nhưng vì cuộc sống, vì con, vì cháu,… những người mẹ, người vợ của nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ở xã Mỹ Hoà (Bình Minh, Vĩnh Long) đã vơi dần nỗi đau. Bên cạnh những người phất lên làm giàu chính đáng thì cũng có một vài hộ gia đình, cá nhân tiêu tán hết tài sản vì cách ăn xài như "công tử Bạc Liêu".
Trở lại xã Mỹ Hoà – nơi trong 1 ngày có 34/55 người tử nạn cách đây hơn 6 năm, chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Lê Thành Trinh - 1 nạn nhân trong thảm hoạ sập cầu Cần Thơ may mắn sống sót. Tuy nhiên, do anh Trinh bị dập tủy sống nên 2 chân anh liệt hoàn toàn, việc tiểu tiện, đại tiện anh không thể kiểm soát được.
Nhắc lại ngày đó, anh Trinh trầm ngâm cho biết, lúc đó anh là thợ hàn, đang hàn các thanh sắt ở trụ thứ 13 thì bỗng dưng anh bị kèo rơi xuống đất. Cũng may, khi xảy ra sự việc, anh Trinh làm việc ở trên mặt cầu nên may mắn sống sót, còn 8 công nhân khác trong tổ anh làm việc dưới gầm cầu đều tử vong.
Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng lúc nào chị Trang cũng làm tròn trách nhiệm của một người vợ và một người mẹ.
Theo chị Võ Thị Thuỳ Trang – vợ anh Trinh cho biết, lúc đó chị đang phụ việc cho một quán cơm gần công trình nên sau khi nghe tiếng nổ lớn, chị chạy đến hiện trường nhưng mãi đến gần 10 giờ mới tìm được anh Trinh, toàn thân đẫm máu. Lúc đó, chị cùng đoàn ứng cứu đưa anh Trinh đến bệnh viện 121 và đến sáng hôm sau anh Trinh mới được phẫu thuật. Kết quả chỉ giữ được mạng sống cho anh Trinh, còn 2 chân anh bị liệt vĩnh viễn.
Anh Trinh chia sẻ: “Kể ra mình cũng còn may mắn hơn nhiều người lắm rồi, chỉ tội cho vợ con phải chăm sóc mình vất vả, vừa phải cáng đán hết mọi việc lớn nhỏ, đôi lúc mình cũng buồn lắm! Tuy nhiên, thấy 2 con học giỏi, biết phụ giúp mẹ nó, tui cũng thấy an ủi phần nào với nửa đời ngồi trên xe lăn của mình.”
Riêng trường hợp goá phụ Bùi Thị Nhanh – vợ của nạn nhân Lê Văn Lai cho biết, do trước đây gia đình nghèo, sống bằng nghề làm thuê nên gia đình bà có đến 4 thành viên đi làm ở cầu Cần Thơ. Trong ngày xảy ra tai nạn, chồng bà và đứa con trai thứ 5 Lê Tuấn Đạt ở chung một tổ. Ông Lai tử vong còn đứa con thì bị gãy xương đùi, chấn thương sọ não.
Bà Nhanh cũng an lòng khi các con của bà thoát cảnh đời làm thuê làm mướn như vợ chồng bà trước đây.
Bà Nhanh chia sẻ: “Hơn 6 năm nay, cháu Đạt nằm viện nhiều hơn ở nhà, lúc thì đau nhức, lúc thì bị co giật,… May mắn là hơn 1 tháng nay sức khoẻ cháu hồi phục tốt, cháu đi lại được, biết giúp tôi tỉa cành, hái bưởi. Giờ đây, mỗi lần nhìn cầu Cần Thơ cũng nhớ ông nhà lắm.”
Từ số tiền hỗ trợ, bà Nhanh tằn tiện làm ăn, mua được 9 còn bò, 2 con trâu và 2 công vườn bưởi Năm Roi, cuộc sống khấm khá hơn trước gấp nhiều lần. Theo bà Nhanh, niềm vui lớn nhất của bà sau nỗi đau mất chồng là các con của bà đã thoát khỏi cảnh đời làm thuê, làm mướn.
Kỳ diệu nhất là trường hợp công nhân Lê Hoàng Nam. Nam được xem là ca chấn thương nặng nhất, lồng ngực bị “mở toang”, thấy cả trái tim phập phồng, phổi lòi ra ngoài... Vậy mà Hoàng Nam vẫn sống sau hơn 10 ngày hôn mê. Trở về sau mấy tháng nằm viện, Hoàng Nam đi học lái xe, rồi dùng số tiền cứu trợ mua chiếc xe tải để chở bưởi từ Mỹ Hòa đem bán các nơi. Hai đứa con anh cũng nhờ sự trợ giúp của xã hội mà có thêm điều kiện để học hành đàng hoàng.
Trao đổi với PV ông Huỳnh Minh Thiệt – Phó chủ tịch UBMTTQ xã Mỹ Hoà cho biết: “Sau tai nạn đau lòng đó, các đoàn thể, các nhà hảo tâm đến hỗ trợ trực tiếp cho mỗi gia đình có người tử nạn thấp nhất cũng từ 400 – 500 triệu đồng. Tuy nhiên trong số này chỉ có gần 10 hộ biết tận dụng phát triển kinh tế gia đình; 10 hộ ở mức trung bình nhưng đáng tiếc nhất có hơn 10 hộ, ngoài việc tiêu tán hết tiền bạc được các nhà hảo tâm hỗ trợ thì còn cảnh vợ chồng ly tán, mẹ bỏ con, vợ bỏ chồng,… đây là những điều đáng tiếc nhất khi trình độ dân trí dân mình còn thấp!”
Cụ thể như vợ chồng ông bà Lê Thị Dung và ông Lưu Văn Khâm có 2 đứa con tử nạn và 1 đứa con trai khác bị thương nặng trong vụ sập cầu. Các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình này đến bạc tỷ, bởi thế ông Khâm bỏ ra 400 triệu đồng xây căn nhà hoành tráng giữa xóm nghèo.
Ngoài ra, ông Thiệt còn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện bi hài về “công tử lớn tuổi” tên Khâm này, chẳng hạn việc ông Khâm thuê nguyên chiếc xe từ trong nhà ra chợ ăn sáng là chuyện thường xuyên. Đặc biệt, trong một lần ông Khâm đi đám cưới về qua cầu sắp ngã, một thanh niên đến định dắt ông qua cầu nhưng ông Khâm nói: “Không phải vì say đi không được mà vì sợi dây chuyền trên cổ nặng quá!”
Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương khi có tiền ông Khâm sa vào cờ bạc, ăn chơi rồi vợ chồng ly tán. Bây giờ ông Khâm đang sống với một phụ nữ khác cũng có chồng chết trong vụ sập cầu Cần Thơ.
Ông Thiệt còn chỉ ra hộ L., bà T.,… ngoài việc sắm xe, xây nhà, tiêu tiền như nước và người dân khó chịu nhất là những hộ này thuê người giúp việc. Tuy nhiên, không được bao lâu thì tài sản tiêu tán hết, một số hộ còn lâm vào cảnh nợ nần