LTS: Vụ thảm sát kinh hoàng tiệm vàng Ngọc Bích chấn động dư luận của sát thủ Lê Văn Luyện đã trôi qua được hơn hai năm. Cái tên của Luyện đã dần dần lùi xa mặt báo, nhưng với những người thân của hung thủ và nạn nhân thì nỗi ám ảnh, sự đau đớn tột cùng mà họ phải gánh chịu, chưa bao giờ nguôi ngoai.
Họ đã sống vật vã, ám ảnh ra sao trong suốt hai năm qua? Mời Quý độc giả lần lượt đón đọc tuyến bài công phu của nhóm phóng viên báo điện tử Trí thức trẻ: NHỮNG SỐ PHẬN ĐAU ĐỚN SAU THẢM ÁN.
Bài 1: Tận mắt "ngôi nhà hoang phế" của sát thủ Lê Văn Luyện
Bài 2: Hình ảnh mới nhất trong "ngôi nhà hoang" của Lê Văn Luyện
Bài 3: Tìm đến nơi "ở ẩn" đặc biệt của người mẹ sát thủ Lê Văn Luyện
Bài 4: Cậu ruột Lê Văn Luyện: Gia đình chị tôi tan nát hết rồi
Bài 5: Bà ngoại 78 tuổi của sát thủ Lê Văn Luyện: Tôi chỉ có một ước mơ
Bài 6: "Niềm hy vọng hồi sinh" của gia đình Lê Văn Luyện
Nam thanh niên xã đi xin việc bị… “tẩy chay”
Sau hai năm, những “vết thương” trên mảnh đất Thanh Lâm sau vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra với tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) vào tháng 8/2011 dường như đã lành lại. Nhưng những dư chấn ở trong lòng người thì vẫn chưa nguôi ngoai. Đó là sự bất ngờ, là nỗi hoảng sợ, là những day dứt trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Ông Hùng cho hay, ngôi nhà của sát thủ Lê Văn Luyện nằm đối diện Ủy ban nhân dân xã, trước kia, bố mẹ của Luyện là anh Lê Văn Miên và chị Trương Thị Thơm làm nghề giết mổ lợn và thu gom sản phẩm nông nghiệp. Cuộc sống của họ trôi đi rất yên ả mà không để lại điều tiếng gì tại địa phương. Bản thân Lê Văn Luyện cũng thế, ở quê nhà Luyện là người ngoan ngoãn, thỉnh thoảng vẫn đi làm đồng cùng bố mẹ.
“Nhưng không ai ngờ, Luyện đi ra ngoài lại bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của các tệ nạn xã hội nên mới có những suy nghĩ và hành động như thế. Tai họa từ đâu ập tới chứ xã Thanh Lâm từ nhiều đời nay không có điều tiếng gì”, ông Hùng nói.
Nhớ lại quãng thời gian mà đi đâu cái tên Lê Văn Luyện cũng được nhắc đến như một sự ám ảnh, các lực lượng chức năng trên địa bàn xã Thanh Lâm nói riêng, huyện Lục Nam rồi tỉnh Bắc Giang nói chung đã có những tháng ngày rất vất vả.
“Đảng ủy phải chỉ đạo công an làm việc thật quyết liệt trong vụ này. Đây là vụ án “chấn động”. Trước hết là làm sao để làm dịu đi được làn sóng của dư luận xã hội. Thứ hai là phải đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã vì gia đình nạn nhân bị tổn thương nặng nề. Nhưng cũng may mọi việc đã không vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi, không có điều gì đáng tiếc xảy ra sau đó. Thực sự ngày đó khi nghe tin tất cả đều bàng hoàng, không ai nghĩ đó lại là sự thật và Luyện lại có thể hành động như thế”, ông Hùng nói thêm.
Nhưng câu chuyện của Luyện đi qua thì những dư âm từ cái tên Lê Văn Luyện lại một lần nữa khiến chính quyền địa phương “đứng ngồi không yên”. Bởi lẽ, sau vụ thảm án do Luyện gây ra, lại có thêm những công dân khác của xã Thanh Lâm, tỉnh Bắc Giang gây án khi đi làm ăn tại Hà Nội. Những sự cộng hưởng đó khiến nam thanh niên của xã mang hồ sơ đi xin việc ở các doanh nghiệp cũng đều bị nhìn với ánh mắt dò xét hoặc nếu không là bị “tẩy chay”. Vì nhắc tới xã Thanh Lâm là mọi người nhắc tới Lê Văn Luyện, nhắc tới vụ án cướp tiệm vàng, giết người bằng hành vi tàn độc.
“Năm 2012, các nam thanh niên của xã ra Hà Nội xin việc về hầu hết đều nói bị tẩy chay chỉ vì là đồng hương của Luyện. Nhưng năm 2013, tình trạng trên đã được cải thiện nhiều. Nếu không cải thiện thì nguồn lao động trẻ của xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì Thanh Lâm mưu sinh chủ yếu bằng nông nghiệp. “Nổi tiếng” kiểu này là sự “nổi tiếng” không tốt”, ông Hùng chia sẻ.
Nỗi đau người mẹ
Trong câu chuyện của mình, ông Hùng cũng kể chúng tôi nghe về quãng thời gian gần 1.000 ngày đã trôi qua đầy u ám với chị Trương Thị Thơm (mẹ của Lê Văn Luyện). Hiện tại, chị đã rời ngôi nhà “hạnh phúc” một thời của mình để sống bên nhà bố mẹ đẻ, trấn an lại tinh thần, làm lụng nuôi con ăn học.
“Chị Thơm vô tội nhưng chị ấy nặng trên vai là trách nhiệm, tình thương của người mẹ. Gia đình đang yên ấm tự nhiên không còn hi vọng gì nữa nên chị ấy bị sốc. Cũng một thời gian bị ảnh hưởng tới thần kinh, giờ thì sức khỏe chị ấy cũng ổn định hơn rồi”, chỉ về phía ngôi nhà mà sát thủ Lê Văn Luyện đã từng sinh sống lâu nay vẫn đóng cửa im lìm, ông Hùng tâm sự.
Rồi ông Hùng nói: “Ở lại ngôi nhà này, chị Thơm mặc cảm với chính mình, với xã hội. Trước đây Thơm là người khỏe mạnh nhưng giờ yếu đi nhiều rồi. Sự việc diễn ra là ngoài tầm kiểm soát, suy nghĩ của mọi người nhưng tất cả đều dành cho chị Thơm cái nhìn đầy cảm thông, không chút dị nghị. Tất nhiên không thể tránh khỏi những mặc cảm từ chính bản thân chị ấy. Ngày đó vì còn những người nợ tiền gia đình nên nhiều lần tôi thấy chị Thơm đi đòi nợ nhưng vẫn bịt mặt kín”.
Hiện tại, chị Thơm vẫn sinh hoạt trong hội phụ nữ của địa phương và làm ruộng nhưng hạn chế tới những nơi ồn ào bởi những mặc cảm chưa thể vứt bỏ.
Gia đình và chính quyền địa phương ngày đó đều rất căng thẳng. Nhưng hiện nay, với đề án của huyện về vấn đề đoàn kết, tập hợp thanh niên, lực lượng thanh niên của xã đã tham gia tích cực vào các sinh hoạt tập thể nên tình hình an ninh trật tự vẫn được đảm bảo bình yên trên địa bàn xã. Đó là thông tin chúng tôi được ông Nguyễn Việt Hùng cung cấp.
“Dân tình giờ cũng dịu đi nhiều rồi”, ông Hùng nói.