Sau 2 vụ hôi của, hy vọng không có vụ thứ 3 ở TP. Biên Hòa

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - Sau 2 vụ hôi của xảy ra trong năm 2013 ở TP. Biên Hòa, ông Đỗ Mạnh Hùng hy vọng rằng sẽ không có lần thứ 3.

Hiện tượng nhiều người ùa vào "hôi của", thậm chí, có người còn leo lên cả thùng xe để lấy bia khi những thùng bia rơi xuống đường ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) trong ngày 4/12 vừa qua càng thu hút sự chú ý của dư luận khi trước đó cũng tại Thành phố này cũng đã xảy ra một việc tương tự.

Trước đó, ngày 15/3, một chiếc xe tải đi đến phường An Bình, TP Biên Hòa - Đồng Nai thì bị lật, khiến hàng trăm thùng dầu nhớt MP-ENGINE OIL 40 và MP-ENGINE OIL 50 loại 18 lít trên xe bị văng ra ngoài, nhiều thùng bị vỡ làm dầu đổ lênh láng ra đường. Khi đó, hàng trăm người dân địa phương đã tranh thủ ra hôi của là những thùng dầu bị đổ ra thành vũng trên đường.

Trước hai sự việc với tính chất tương tự cùng xảy ra ở một Thành phố, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Ông Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: “Truyền thống của dân tộc Việt Nam là thương người như thể thương thân. Và cho đến nay, dù đã có nhiều địa phương phát huy tốt truyền thống dân tộc nhưng tôi thực sự cảm thấy tiếc khi vẫn còn những hiện tượng đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp đó. Đó là hiện tượng khi thấy đồng bào bị hoạn nạn, đã không giúp đỡ mà còn hôi của, thậm chí là có những cơ quan chức năng bớt xén tiền vật, chất giúp đỡ nhân dân vùng gặp thiên tai”.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội này cho biết ông rất buồn và cho rằng dư luận xã hội cần phải lên tiếng phê phán những hiện tượng đó.

Theo ông Hùng, dưới góc độ pháp luật, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để có hình thức xử lý thỏa đáng. Việc lấy của người khác là một thói hư tật xấu và nặng hơn đó là hành vi vi phạm pháp luật. Lấy của người khác khi người đó gặp hoàn cảnh không may hoặc khi gặp tai nạn thì càng đáng lên án hơn.

Trước hai sự việc liên tiếp xảy ra với tính chất tương tự ở cùng một thành phố, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: “Tôi chưa có đánh giá rằng ở TP. Biên Hòa sẽ tiếp tục có vụ hôi của nếu có một vụ việc tương tự xảy ra lần sau. Trong vụ thứ nhất là dầu đổ ra đường gây trơn trượt thì việc lấy lượng dầu đỏ đó đi còn có thể được nhìn dưới góc độ nhẹ nhàng là hành vi dọn dẹp môi trường.

Còn với thứ tài sản có thể thu lại cho người bị nạn mà không được trả lại như những lon bia, thùng bia kia thì rất đáng phê phán và lên án”.

Ông Hùng cho rằng: “Nếu dùng phương pháp quy nạp cho rằng tại Biên Hòa đã xảy ra hai vụ việc như thế mà bảo có trường hợp thứ 3 thì tôi không đặt giả thiết  như vậy. Tôi nghĩ rằng với một sự việc xảy ra không chỉ một lần mà còn tái diễn thì cấp ủy, chính quyền ở địa phương đó phải có biện pháp xử lý. Một trong các biện pháp đó là tuyên truyền giáo dục, trong đó việc chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ xử lý nghiêm những người vi phạm là hết sức cần thiết”.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, người nào vi phạm cần phải bị xử lý hành chính hoặc theo quy định của pháp luật hình sự. Còn việc xin lỗi người tài xế lái xe chở bia thì những người trong cuộc (những người tham gia hôi của - PV) chắc cũng sẽ có suy nghĩ về việc này.

“Tôi tin những người dân ở Biên Hòa nói chung chắc sẽ không đồng tình và sẽ rất giận hành vi hôi của của một số người dân trong ngày 4/12 vừa qua. Tôi mong rằng TP. Biên Hòa sẽ không có lần thứ 3 như thế…”, ông Đỗ Mạnh Hùng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại