Tuy đã có quy định thông thoáng nhưng những người chưa sang tên xe đúng hạn vẫn còn phải chờ. Ảnh: Lê Hiếu.
Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an vừa tiếp tục khẳng định cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ không xử phạt người đi đường khi giấy tờ xe không chính chủ. Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn sẽ xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện từ ngày 15/4 khi Thông tư 11/2013 của Bộ này có hiệu lực.
Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị đưa quy định xử phạt này vào Nghị định mới (thay thế cho Nghị định 71) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sắp được Chính phủ ban hành.
Thời gian phạt… trong 2,5 tháng
Theo Thông tư 11/2013, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số, tạm giữ phương tiện, vi phạm hình sự… CSGT sẽ phát hiện người mua, hoặc người bán đã làm thủ tục sang tên hay chưa.
Nếu quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định, người dân sẽ bị xử phạtvề hành vi “mua, bán xe không sang tên”. Theo Nghị định 71, mức phạt áp dụng đối với ô tô là từ 6 - 10 triệu đồng/lần vi phạm và xe máy là từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/lần vi phạm.
Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 15/4, nhưng nó chỉ có hiệu lực trong 2,5 tháng cho đến khi Nghị định mới ra đời (có hiệu lực từ ngày 1/7). Trong thời gian này, Bộ Công an sẽ xử phạt hành vi mua, bán xe không sang tên như trên.
Một trong những lý do Bộ Công an đưa ra khi đề nghị giữ quy định xử phạt làThông tư 12/2013 của Bộ này đã quy định rất đơn giản, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi sang tên đổi chủ xe.
Thông tư 12/2013 là thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 cho Thông tư 36/2010 (cũng do Bộ Công an ban hành về việc quy định đăng ký xe) cũng có hiệu lực kể từ ngày 15/4 và tạo điều kiện cho người dân thực hiện theo thủ tục này đến ngày 31/12/2014.
Như vậy, việc quy định xử phạt xe không chính chủ có được đưa vào Nghị định mới thay thế cho Nghị định 71 hay không, nếu có thì mức phạt thế nào hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian thông tư 11 tồn tại, nếu bị phát hiện không làm thủ tục sang tên đúng hạn khi mua bán xe, người dân sẽ bị phạt.
Tự buộc chân?
Theo luật sư Nguyễn Trung Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM), Thông tư 12 đã quy định rất thông thoáng. Theo đó, từ ngày 15/4/2013 đến 31/12/2014, những xe mua bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng, hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu thì sẽ được cấp đăng ký lại.
Người sử dụng xe chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.
Ngoài ra, Thông tư 12 còn quy định rõ nhiều trường hợp khác để người dân có thểsang tên đổi chủ xe mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
“Ai cũng biết việc đăng ký xe chính chủ là rất quan trọng, nhưng với những quy định phức tạp trước đây, người dân lảng tránh việc sang tên đổi chủ cũng là điều dễ hiểu. Thông tư 12 đã tiến bộ hơn giúp việc sang tên xe của người dân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, số lượng xe chưa sang tên theo đúng quy định là rất lớn, đặc biệt là xe máy. Nhưng nếu Bộ Công an vẫn quyết định xử phạt theo Thông tư 11, thậm chí còn kiến nghị đưa quy định này vào Nghị định mới, thì tôi nghĩ sự thông thoáng của Thông tư 12 chưa đủ để tạo động lực để người dân tự giác đi sang tên đổi chủ xe”, luật sư Hiếu phân tích.
Vẫn theo ông Hiếu: “Nếu biết sẽ bị phạt khi đi sang tên xe muộn, người dân sẽ có tư tưởng thà để vậy còn hơn. Điều đó cho thấy, Bộ Công an đang tự làm vướng chân mình với hai Thông tư liên tiếp, nhưng quy định của nó lại gây cản trở lẫn nhau”.
Luật sư Hiếu cũng cho hay, Thông tư 12 đã tạo điều kiện cho người dân sang tên đổi chủ xe theo thủ tục đơn giản đến tháng 12/2014. Do đó, các cơ quan chức năng nên để đến hết thời gian này mới ra quy định xử phạt. Đến khi có Nghị định mới, người dân sẽ không dại gì đi sang tên đổi chủ ngay khi Thông tư 12 có hiệu lực trong khi Thông tư 11 đang đi song hành.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị rút quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện ra khỏi Nghị định mới vì cho rằng quy định này thiếu tính khả thi. Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng đề nghị này xuất phát từ việc tiếp thu ý kiến của nhân dân cả nước.