Đảo nổi Sinh Tồn sáng thứ hai, tất cả bộ đội trên đảo đều tập trung, xếp thẳng hàng trước khoảng sân rộng, nơi lá Quốc kỳ ngày đêm bay phấp phới. Phía trên cột mốc chủ quyền, một chiến sĩ được giao nhiệm vụ trực gác đứng nghiêm trang. Còn người dân sống trên đảo, phụ nữ mặc áo dài truyền thống, đàn ông mang trang phục dân quân tự vệ dẫn theo con nhỏ mặc quần áo đẹp đến chào cờ.
Tiếng nhạc vang lên mọi người đồng thanh cất tiếng hát hùng hồn: "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca...". Các em nhỏ cũng đứng nghiêm, hát vang.
Kết thúc bài hát, một chiến sĩ tiến lên phía trước, ngay dưới lá cờ Tổ quốc trịnh trọng đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam: "Chúng tôi, Quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc... Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình...". Dứt mỗi lời thề, mọi người đồng thanh đáp "Xin thề!".
Sau nghi thức chào cờ, lãnh đạo đảo nhận xét tuần, thông báo tin tức thời sự, nội dung tuyên truyền, thông báo chính trị đến từng chiến sĩ để mọi người nắm lịch làm việc. Khép lại buổi lễ là nghi thức duyệt đội ngũ.
"Lễ chào cờ làm cho mọi quân nhân và người dân đang làm nhiệm vụ trên đảo tăng thêm nhiệt huyết để xác định trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", trung tá Phạm Văn Dũng, chính trị viên đảo Sinh Tồn nói.
Trong khi đó, ở những đảo chìm, chỗ đứng làm lễ chào cờ chỉ là khoảng sân nhỏ. Có đảo phải chào cờ trong hội trường hay trên sân thượng. Cũng vì đảo chật nên lễ chào cờ được lược bớt phần duyệt đội ngũ.
"Thời tiết ở Trường Sa nắng mưa thất thường. Nhiều hôm đang làm lễ chào cờ thì trời đổ mưa. Để mặc mưa và gió hắt vào mặt, anh em vẫn dõng dạc hát Quốc ca, hoàn thành trọn vẹn lễ chào cờ", thượng úy Nguyễn Đình Dinh đảo Cô Lin kể và tâm sự, mỗi lần về nghỉ phép anh lại nhớ tới sáng thứ hai, nhớ các đồng đội. Cảm xúc đó đã thôi thúc anh hơn 10 năm gắn bó với Trường Sa.
Thượng tá Nguyễn Văn Thư, phó chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), cho biết, sáng mùng 1 Tết, sau khi hát Quốc ca, chính trị viên của đảo đọc thơ chúc Tết của Chủ tịch nước đến toàn thể chiến sĩ. Sau đó, đảo tổ chức chơi trò chơi như kéo co, bóng chuyền... Và phần không thể thiếu là mọi người trên đảo đi chúc tết nhau, lì xì cho những em nhỏ.
"Thời khắc đầu năm mới hết sức thiêng liêng với việc hát Quốc ca ở điểm cực đông của Tổ quốc. Có lẽ vì điều này tạo sự khác biệt giữa quân đội nói chung, và lính Trường Sa nói riêng với các cơ quan dân sự khác chỉ chào cờ vào sáng thứ hai", thượng tá Thư nói thêm.
“Con yêu Tổ quốc. Lớn lên con sẽ làm lính Trường Sa!”, câu nói hồn nhiên, chất phác của bé Trần Anh Thái (7 tuổi) khiến những người vừa đặt chân lên đảo rưng rưng xúc động. Thái là con của chị Võ Thị Bích Liên và anh Trầm Kim Sơn sống trên đảo Sinh Tồn. Với những em bé nơi đây, từng lời Quốc ca như đã ngấm vào máu, để các em lớn lên như cây phong ba giữa Trường Sa.