Săn ong cuối mùa

Đắc Thành |

Vào mùa ong lấy hoa làm mật, những người thợ bắt ong chuẩn bị đồ nghề vào rừng sâu để tìm kiếm những giọt mật ngon ngọt.

Họ ở lại trong rừng cả chục ngày săn ong nhưng nay ở một số vùng phía Tây tỉnh Quảng Nam, việc bắt ong dễ dàng. Bởi từ ngày những rừng keo tràm xanh tốt, ong mật lũ lượt kéo về làm tổ.

Rừng xanh ong về

Chuyện những người dân miền núi từng tốp kéo nhau vào rừng sâu săn ong lấy mật không hiếm. Mỗi vụ lấy mật họ lên đường tìm kiếm những giọt mật ngon ngọt mà con ong xây tổ làm ra.

Những tốp người đi cả tuần, thậm chí cả tháng trời vào rừng sâu săn ong.

Thế mà, ở Quảng Nam có nhiều tốp săn ong nay không cần đi xa, họ tìm kiếm những tổ ong quanh làng rất dễ dàng. Nghe vậy, tôi thấy lạ nên muốn được mục sở thị.

Lên đường bắt ong
Lên đường bắt ong

Theo chân anh Đào Duy Linh, ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam, một người chuyên thu mua mật ong tự nhiên về ngâm sâm Ngọc Linh bán ra thị trường, tôi được chứng kiến cảnh bắt ong rất thuận lợi.

Như lịch trình lên sẵn, sáng sớm chúng tôi xuất phát từ TP Tam Kỳ, vượt quãng đường gần 1 giờ đồng về xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước. Tại đây đám thợ ong đã chuẩn bị đồ nghề để đi bắt ong. Không chần chừ, nhóm người nhanh chóng lên đường.

Anh Võ Tấn Thành, thôn 2, xã Tiên Mỹ - một người chuyên bắt ong chia sẻ, trước đây, vùng đất Tiên Mỹ rừng cây rậm rạp, cứ đến mùa, người dân trong thôn vào rừng đốt tổ ong lấy mật.

Ngày đó, số mật thu được sử dụng trong gia đình, chẳng buôn bán gì. Có năm lấy được hàng trăm lít mật, mình dùng không hết chia cho mọi người trong thôn.

Nhưng sau đó, những cánh rừng cổ thụ bị người ta chặt phá biến thành đồi núi trọc lốc và ong bắt đầu biến mất. Để có được lít mật ong, từng nhóm người cơm nắm muối vừng đi vào rừng sâu hàng chục ngày để săn ong.

Một tổ ong mật đóng tại cây keo
Một tổ ong mật đóng tại cây keo

Cứ nghĩ, con ong sẽ bỏ vào rừng không bao giờ quay lại vùng đất này, người dân thèm giọt mật cũng nuốt nước miếng vào trong.

Thế rồi khoảng 10 năm về trước, khi cây keo, cây tràm có giá, người dân phủ xanh đồi núi trọc. Trong xu thế đó, người dân Tiên Mỹ đua nhau trồng keo tràm bán gỗ công nghiệp.

Đâu đâu cũng thấy màu xanh của keo tràm, sau chu kỳ 5-7 năm, nó đem lại nguồn kinh tế cho người dân, đồng thời dụ ong quay lại nơi đây làm tổ.

Và đúng với quy luật tự nhiên, rừng xanh mọc lên, hoa keo tràm nở khắp nơi và con ong tìm đến hút mật. Ban đầu thì vài tổ, sau đó lên đến hàng chục, hàng trăm tổ đóng ở trên cây keo.

Càng ngày, đất đai được trồng cây lên xanh tốt thì ong lũ lượt kéo về làm tổ càng nhiều.

Theo những sợ săn ong mật tại đây, những người trong làng ai cũng biết những chiêu bắt ong. Người đi trước làm, người đi sau học hỏi. Cứ thế, người nào phát hiện tổ ong thì sắm đồ nghề đến lấy mật.

Trèo lên cây đuổi ong lấy mật
Trèo lên cây đuổi ong lấy mật

Hằng năm từ tháng 3 đến 6 âm lịch là thời điểm ong cho nhiều mật nhất, đặc biệt vào mùa lúa trỗ, con ong bay đến ruộng lúa hút mật, cho thứ mật ngon ngọt vô cùng.

Còn tầm tháng 10 âm lịch, đây là những đợt khai thác mật cuối vụ, do đó mật ít, nhưng đổi lại rất đậm đặc.

Theo anh Thành, người săn mật phải giỏi phán đoán và phải có đôi mắt tinh để theo dõi đường bay của ong. Mật ong tìm được cũng có nhiều dạng, nếu là loài ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ thường cho mật tốt, đậm nhưng ít.

Loài ong bọng thường ở trong bọng cây, ụ mối, khe đá, có chất lượng mật ngon, thơm. Còn ong mật làm ở cành cây, thường cho mật nhiều. Vào mùa mưa, hay gặp nhất vẫn là loài ong trên cây cao, tổ lớn, có tổ cho đến 10 lít mật.

“Ở đây muốn tìm tổ ong, hằng ngày đi vào những vườn keo tìm kiếm, khi phát hiện thì làm dấu là của mình để không ai xâm phạm đến. Sau đó chờ đến ngày có mật thì mới khai thác”, anh Thành chia sẻ.

Sau quãng đường ngắn ngủi, chúng tôi đến khu vực núi Hố Vong, thuộc thôn 2, xã Tiên Mỹ, đứng từ xa phía một tổ mật to chừng nửa mét vuông đóng ngay cành cây tràm.

Lúc này, anh Thành ra lệnh người phụ mình lấy mật đi bẻ một ít lá cây xoan đào, cỏ… tươi. Anh mở bao đồ nghề lấy một bó hương, rồi cẩn thận ghép từng cành lá vào hương. Tất cả được bó lại một cục và buộc chặt.

Công đoạn đuổi ong ra khỏi tổ đâu vào đó, anh Thành khoác bộ áo mưa, đầu đội mũ bảo hiểm. Tiếp đến, anh châm lửa vào bó hương, từng làn khói bốc ra ngùn ngụt.

Ngay lập tức, tất cả mọi người trong đoàn chạy trốn, chỉ mình anh đứng dưới thân cây rồi leo lên tổ ong. Anh vừa leo đến nơi thì đàn ong vỡ tổ, bay khắp nơi.

Những tổ ong được đem xuống
Những tổ ong được đem xuống

Càng tiến sát tổ ong, hàng ngàn con lần lượt bay khỏi tổ để lại một thứ sáp ong treo lơ lửng ở cành cây. Anh Thành nhanh chóng lấy từng miếng sáp cho vào thùng.

Đứng phía dưới tôi nhìn lên thì thấy anh Thành không lấy hết sáp ong mà để lại một ít.

Theo những người bắt ong tại Quảng Nam, hiện mật ong được làm giả rất nhiều để đánh lừa người tiêu dùng. Để phân biệt mật ong tự nhiên với mật ong nuôi chỉ có cách dựa vào mùi vị của nó.

Riêng mật ong tự nhiên có mùi rất thơm, khi mở nắp ra ngửi mùi đã thấy, rất thơm. Còn thử bằng phương pháp bỏ một cọng hành vào sau đó bị héo hay bỏ vào tủ lạnh bị đông cứng… cũng không phân biệt được.

Thấy vậy, tôi hỏi: Sao không lấy hết luôn? Anh Thành đáp: “Đấy là cách để giữ ong chú ạ. Mình để lại một ít để cho ong còn cái mà ăn, mình lấy hết ong không còn mật thì chết mất. Ở đây chúng tôi bắt ong không theo kiểu lấy sạch. Mình chỉ dùng khói đuổi đi, không dùng lửa đốt vào tổ. Do đó, đàn ong sống gần 100% và sau đó lại tiếp tục làm tổ”.

Đánh dấu chủ quyền

Việc ong làm tổ ở vườn keo tràm, hằng ngày có nhiều người qua lại, dễ phát hiện, nhưng tại sao không bị phá, hay bị người ta bắt, tôi thắc mắc.

Nghe tôi nói, anh Thành cho hay, mỗi khi ong về đóng tổ, ai phát hiện thì làm dấu tổ ong đó đã có chủ nhân. Một khi đã làm ký hiệu ở dưới gốc cây thì không ai xâm phạm đến chủ quyền của mình.

Mỗi tổ ong đóng từ 15-30 ngày là người dân địa phương khai thác. Điều đặc biệt, họ không dùng lửa đốt chết đàn ong mà dùng khói đuổi ong đi, do đó đàn ong không bị thất thoát về số lượng.

Sau khi bị lấy mật, đàn ong bỏ đi làm tổ mới quanh quẩn các vườn keo tràm gần đó, có tổ làm lại tại nơi vừa bắt. Bởi tại đây, lượng hoa cây keo tràm dày đặc, nên giữ chân con ong ở lại rất tốt.

Chắt lọc lấy mật ong
Chắt lọc lấy mật ong

Từ đầu đến cuối mùa như nhóm của anh Thành bắt được 15 tổ, tổ nhiều cho 10 lít mật, tổ ít vài ba lít. Với mức giá từ 350-400.000 đồng/lít thì đây quả là số tiền không nhỏ. Đặc biệt, mỗi gia đình đều có mật ong để sử dụng.

“Như tổ vừa bắt, tổng được 3 lít mật, với giá bán 400.000 đồng/kg, hai người trong nhóm được mỗi người hơn 500.000 đồng.

Từ đầu mùa đến nay nhóm tôi bắt được 10 tổ, đầu mùa mỗi tổ cho từ 5-10 lít mật, còn cuối mùa từ 2-3 lít. Nhưng mật cuối mùa có giá đắt hơn, vì đậm đặc.

Từ ngày cây keo mọc lên, bà con nơi đây có thêm khoản thu nhập, đặc biệt gia đình nào cũng có mật ong để sử dụng”, anh Thành bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại