"Sắn mà hết là nhịn đói luôn!"

Nguyễn Quỳnh Anh |

(Soha.vn) - Bữa cơm cho 5 người ăn là một nồi cơm nhỏ và một rá rau cải luộc chấm mói óc cay. Chị bảo: "Có cơm ăn là may rồi, nhiều ngày gạo hết, sắn hết là nhịn đói luôn...".

Mồng 8/3 được mặc định là ngày của phụ nữ nhưng với giới nữ đồng bào Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt, xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) một ngày trôi qua như mọi ngày, chỉ cần con cái được đi học đều đặn, gia đình không có bữa đói.

Bữa cơm "thịnh soạn" là cải luộc chấm mói óc cay

Xế chiều, trời càng trở nên rét lạnh. Sau một hồi luống cuống tìm đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Chuối, nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ người Mã Liềng sinh sống. Chị Hồ Thị Quỳnh (25 tuổi, bản Chuối, Lâm Hóa) bế con trên tay nhưng vẫn cố gắng loay hoay nấu bữa tối cho cả nhà. Bữa cơm cho 5 người ăn là một nồi cơm nhỏ và một rá rau cải luộc chấm mói óc cay (muối ớt), kèm thêm món ăn nhanh no là nước canh, được lấy từ nước luộc rau cải.

Chị Quỳnh cười tươi: “Có cơm mà ăn là may rồi, chứ nhiều ngày thiếu gạo, cả nhà phải ăn sắn trừ bữa, sắn mà hết là nhịn đói luôn!”.

Không riêng chị Quỳnh, nhiều sơn nữ đều cùng một câu trả lời, ai cũng mong có nhiều bữa cơm ngon để được ăn uống thỏa thích. Nhắc đến ngày 8/3, chị cười xòa: “Tôi có nghe đài báo  nói ngày gì đó của phụ nữ nhưng ở đây, ngày nào cũng giống nhau cả thôi! Chỉ mong trời không mưa bão để lên nương, lên rẫy kiếm cái ăn cho cả nhà”.

24 tuổi, chị Phạm Thị Bình (bản Chuối, Lâm Hóa) đã lập gia đình và sinh được 3 con nhỏ. Chồng chị, anh Phạm Văn Nam (24 tuổi) đi làm ăn xa nên mỗi năm chỉ về nhà được vài lần. Mọi công việc đồng áng, chăm lo con cái đều đặt lên đôi vai gầy của người vợ trẻ. Khi được hỏi chị có ý định sinh con nữa không, chị bẻn lẽn trả lời: “Mình sinh 3 đứa là nhiều rồi. Chừng ấy mà nuôi chúng lớn, cho chúng được ăn no, được đi học cũng khó lắm! Đẻ nhiều, rồi nuôi không được lại tội cho chúng”. Tranh thủ để đứa lớn trông đứa nhỏ, chị lại cặm cụi ra nương cuốc cỏ ngô, mong vụ mùa thu hoạch trúng đậm. Quần quật công việc nhưng 2 vợ chồng vẫn thiếu thốn cái ăn. Nhiều hôm 4 mẹ con chị vét cạn thùng gạo được một lon, đem nấu bữa trưa, rồi ăn…để dự trữ luôn bữa tối.

Chị gái chăm các em nhỏ để mẹ ra đồng.

Vùng quê nghèo, bị chia cắt liên tục bởi núi sông, con đường đi lại còn lắm gian nan vất vả. Riêng con đường đến chợ Hóa Tiến cách bản 40km là một điều ước xa xỉ đối với họ, đặc biệt là đối với những phụ nữ phải cáng đáng công việc gia đình khi chồng làm ăn xa nhà. Cả lượt đi lẫn về hết mất 80 nghìn tiền xe khách/người thì còn đâu tiền mua các thứ khác. Thời tiết vùng cao lại đỏng đảnh, sớm nắng chiều mưa nên công việc đồng áng, hay lên rừng làm nương rẫy luôn gặp phải khó khăn. Không hiếm những tháng, chồng băng rừng lấy mây, lấy mật, vợ cuốc cỏ, làm nương thuê nhưng thu nhập chỉ được 3 - 4 trăm nghìn đồng. Ngần ấy chưa đủ lo điện nước cho cả nhà, lấy đâu ra một bữa cơm thịnh soạn, có đầy đủ cá thịt.

'Một, hai nghìn to lắm, mua được cả mớ rau cho bữa ăn"...

Cuộc sống của chị Bình trở nên khó khăn hơn khi chị không biết đọc, biết viết. Nhiều hôm tham gia lớp học xóa mù chữ nhưng bận lo cho con cái, rồi gánh nặng nương rẫy khiến con chữ trong đầu chị cứ rụng dần. Chị cười khổ sở: “Cứ mỗi lần mua bán hay ra chợ là sợ bị lừa tiền. Một, hai nghìn to lắm, mua được cả mớ rau cho bữa ăn”. Thương hoàn cảnh mẹ, Phạm Văn Dương (9 tuổi học sinh lớp 4, trường THCS Lâm Hóa) một buổi phụ mẹ lên rẫy, một buổi cắp sách đến trường. Dương ham học chữ và mong muốn sau này được làm thầy giáo để giảng lại kiến thức cho trẻ em trong bản.

Không biết mặt chữ nhưng được trời phú cho khả năng nhớ, vì vậy mà vợ chồng Hồ Nhòi (26 tuổi, bản Chuối) đều biết được mệnh giá của các tờ tiền có trị giá từ 2 trăm đồng đến 200 nghìn đồng. Sau một hồi phân loại mệnh giá, đếm ra đếm vào, cuối cùng chị Hồ Thị Liễu (25 tuổi) cũng thống nhất với chồng số tiền kiếm được là 125 nghìn đồng. Nâng niu xấp tiền trong tay, chị Liễu nghẹn giọng: “Không biết con chữ, nhiều cái thiệt thòi. Vì thế mà tôi mong các con đều biết đếm, biết đọc, sau này cuộc sống đỡ cực”. Hiểu được ước mong của mẹ, Hồ Văn Nhất (11 tuổi, học lớp 5, trường THCS Lâm Hóa) luôn chăm ngoan, học tập để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai.

Cha mẹ những đứa trẻ này chỉ mong chúng được đến trường học con chữ...

Không chỉ đồng bào Mã Liềng mà cuộc sống của đồng bào Sách, Mày, Rục, A Rem vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Để giúp đồng bào thoát nghèo và lạc hậu, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho bà con như chương trình 135, 134; Dự án định canh định cư; Chính sách trợ giá, trợ cước; hỗ trợ văn hóa, y tế… Và hơn hết, người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực từng ngày để thay đổi cuộc sống, nâng cao được tầm hiểu biết và luôn mong muốn có đủ cái ăn, để con cái họ được đến trường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại