Ở đó, những bản nhạc cổ điển được tấu lên, từ đôi bàn tay tài hoa của hai nghệ sĩ, một nam, một nữ. Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, vì tại sao những nhạc cụ “quý tộc” tưởng như chỉ để biểu diễn trong nhà hát, sao lại… ra đường.
Cũng có người bùi ngùi thương cảm, khi những nghệ sĩ chơi những nhạc cụ ấy, giờ đây chỉ để mưu sinh ở những nơi lẽ ra không phải là không gian âm nhạc của chúng.
Cặp nghệ sĩ này biểu diễn hàng đêm, khắp các góc phố, quán nhậu Sài Gòn, ở những nơi tưởng chừng như nồng nặc mùi bia rượu, tiếng cười tiếng nói xô bồ…
Đam mê và nghị lực
Quán nhậu đường Hoàng Sa (Q.3, TP.HCM), 11 giờ đêm.
Tiếng nhạc phát ra từ những ngón tay điêu luyện. Anh Nguyễn Hòa Minh (SN 1970, quê Tiền Giang), và bạn diễn của mình lướt trên phím đàn xưa cũ.
“Nếu một ngày không được nghe anh Minh đàn thì vắng lắm, thiếu lắm, uống rượu cũng mất ngon”, anh Hoàng Thế Anh (thực khách) chia sẻ.
Đều đặn hơn 10 năm nay, tối nào anh Minh cũng đến chơi nhạc trước các quán nhậu quen thuộc trên đường Hoàng Sa (Q.3, TPHCM). Tiếng kèn harmonica, tiếng ghita, violon của anh và bạn diễn dường như là món ăn tinh thần không thể thiếu nơi góc đường này.
Hơn 10 năm đánh đàn, nhiều lần anh khóc theo bài đàn của mình, rồi bất ngờ khi thấy khách cũng rơi nước mắt. Âm nhạc là vậy, nó làm cho những tâm hồn đồng điệu, nhận ra nhau rồi bất chợt vỡ òa.
Xe hai bên đường dường như cũng bớt vội vã hơn, họ ghé vào ngân nga theo điệu nhạc quen thuộc. Có những vị khách xao lòng đến rơi nước mắt, ai cũng lặng yên nghe những bài nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên,…
Tiếng nhạc điều đặn vang lên như kéo họ vào một thế giới khác, một khoảng không về sự suy nghĩ, những cảm xúc mà nhạc và tâm sự đan xen lẫn nhau, có người vừa nghe nhạc vừa rơi nước mắt.
Từ đó, họ gọi anh là nghệ sĩ đường phố. Không dám nhận mình là nghệ sĩ, nhưng anh Minh luôn chỉnh chu từ trang phục đến phím bấm, bởi theo anh, anh không đàn để mua vui kiếm tiền, mà anh đang làm nghệ thuật.
Ai tặng bao nhiêu anh cũng đầu tư vào đàn, vào những bài nhạc điêu luyện. Có thể từ đó mà tiếng nhạc của anh lại yên bình đến thế, cảm tình đến thế.
Anh Minh mê nhạc từ bé, yêu đến nỗi sáng ra đồng, chiều về là bật radio để ngân nga theo nhạc, anh không thích hát, chỉ thích nghe tiếng đàn lúc thăng, lúc trầm, rồi vẽ đàn dưới đất mà… bấm phím theo cảm nhận đúng sai của riêng anh.
Năm 20 tuổi, ruộng nhà mất mùa, không còn hạt lúa gieo vụ sau, anh xin gia đình lên Sài Gòn để đi vác hàng thuê. Tiền dành dụm được anh trích một phần trả tiền nhà, còn lại để dành mua nhạc cụ rồi tự tập.
“Ban đầu mua được cây harmonica, tôi mê lắm, cứ đợi đến Chủ Nhật được nghỉ là luyện suốt ngày đêm, có khi hăng say quá tôi bị hàng xóm la, thậm chí đuổi đi nơi khác.
Những buổi tối mệt mỏi tôi tự dặn mình thổi nhỏ thôi, thật nhỏ nhưng khi đã cầm kèn lên tôi quên hết, thổi đến nỗi mọi người không chịu được phải mời cảnh sát khu vực đến nhắc nhở”, anh Minh tâm sự.
Anh Minh thèm đàn nhưng lúc đó đàn rất mắc, mà theo anh, muốn được chơi đàn phải… nằm mơ rồi mặc sức gảy.
Một lần anh đến nhà người dì chơi, thấy dì quăng cây đàn violon vào sọt rác mà… tái mặt, vội vàng chạy đến xin thì đàn chỉ có cái khung cũ kỹ. Tiền sửa cũng mất vài tháng lương.
Có đàn anh học không biết mệt, những lúc vác hàng về đau buốt vai, chỉ cần cầm đàn lên là anh như một con người khác, mặc dù để cảm âm phải mất hết 3 tháng kiên trì.
Đàn được bài đầu tiên, mặc dù bị chê dở tệ nhưng anh mừng rơi nước mắt. Cứ miệt mài cố gắng, với mơ ước được đi đánh đàn cho đám cưới anh sẽ vui hơn… trúng số.
Nghĩ rằng mình cần được đào tạo bài bản, anh xin học bổ túc hết lớp 12 rồi luyện thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM để hiêu hơn về âm nhạc. Và mơ ước một lần được biểu diễn thực thụ.
Anh chia sẻ: “Lúc xưa tôi đàn vì đam mê, chứ không nghĩ mình sẽ kiếm tiền từ nó, tôi chỉ ao ước một lần được đàn trước khán giả, người yêu nhạc muốn nghe tiếng đàn của mình, nhưng điều đó tôi chỉ dám ước chứ không dám nghĩ nhiều”.
Mỗi đêm chơi nhạc anh được ủng hộ khoảng 300.000 đồng, nhưng với anh Minh được chơi nhạc đã là hạnh phúc.
Những bản nhạc thoát kiếp nhọc nhằn
Ấy thế mà nhờ lòng đam mê và rèn luyện, ngày nay ngoài đánh đàn cho đám cưới, đám sinh nhật anh Minh còn được mời đánh đàn tại phòng trà, khách sạn, resort, lẫn dạy nhạc…
Chính lòng yêu nghề đã nuôi sống anh, giúp anh cải thiện kinh tế, không còn phải nhọc nhằn mưu sinh.
Đó là một cơ duyên khi một lần anh khao khát diễn trước khán giả đến đỉnh điểm, vô tình xem trên tivi về một nghệ sĩ nước ngoài đánh đàn trên đường phố, anh cũng học theo mang đàn ra góc đường.
Anh Minh nhớ lại: “Nghĩ sao làm vậy, tôi mang đàn ra góc đường, nhưng ai cũng nhìn làm tôi quá thẹn thùng, tay cứng đơ, đầu quay cuồng, bủn rủn hết người.
May nhờ có anh đi đường ghé vào đàn với tôi, người khác thì hát, những người sau thì đung đưa theo tiếng nhạc, tôi lấy lại tinh thần chơi một loạt bài dưới những tràn pháo tay. Thế là từ đó đến nay đã hơn 10 năm, tôi đi đàn ở các góc phố”.
Hơn 10 năm đi diễn, anh Minh đào tạo 4 bạn nữ diễn chung, nhưng vì nhiều lý do, họ lần lượt để anh cô độc trên các góc đường.
Một năm trở lại đây, anh Minh tìm được tri kỷ âm nhạc của mình là chị Ngọc (giáo viên mầm non, chơi violon) để đi biểu diễn khắp con phố Sài Gòn.
Cứ mỗi đêm diễn qua 5 - 6 quán nhậu, anh và chị Ngọc được thưởng khoảng 300.000 đồng, nhưng cả hai rất vui vì lượng khán giả của anh chị ngày càng nhiều.
Người nghe ngày càng hiểu tiếng đàn của họ hơn khi cùng nghe, cùng khóc, cùng cười… nhạc cất lên.
Đêm càng về khuya, mọi hoạt động tạm lắng, càng làm cho tiếng nhạc vang xa, càng làm anh Minh, chị Ngọc kéo đàn hăng say hơn, mặc tiếng xe ồn ã, mặc gió lạnh, nhạc cứ vang theo nhịp: “Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây, đấu vui với bạn bè, và ly rượu ngon…”.
Nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển trên phố đêm
(Còn nữa)