Nhiều trẻ sống thực vật, tử vong…
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh (khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2) cho biết, mới đây nhất bé trai tên N.T.K.H (22 tháng tuổi) trú tại quận Bình Thạnh bị xuất huyết não do té ngã từ con ngựa gỗ đập đầu xuống đất tại một nhà trẻ tư nhân. Ngoài ra, một trường hợp thương tâm khác là cháu bé 13 tháng tuổi (ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12), đã chết ở nhà trẻ do bé bị sặc cháo.
Trước đó, khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 cũng vừa cấp cứu bé N.G.B (11 tháng tuổi, ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai) bị té trong nhà vệ sinh của một nhà trẻ tư nhân, chấn thương sọ não và có thể sống thực vật suốt đời.
Vụ việc xảy ra vào sáng 27-10, chị L.T.H mang con gái N.G.B đến gửi tại nhà trẻ tư nhân để đi làm. Sau khi chị rời khỏi trường, bé B khóc nhiều, nôn ói và sặc cháo lên mũi. Cô giáo dọn dẹp, vệ sinh cho bé xong liền để bé ngồi lên bô trong nhà vệ sinh, vài phút sau quay lại, cô hoảng hốt khi nhìn thấy bé nằm gục xuống đất.
Nhà trường nhanh chóng chuyển bé đến cấp cứu tại BV Nhi Đồng Nai. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy thức ăn đã sộc vào phổi của bé, vùng não bị tụ máu.
Các bác sĩ đã sơ cứu và chuyển bé lên BV Nhi Đồng 2. Do thời gian ngừng tim, ngừng thở quá dài nên vùng não chết của bé B đã lan rộng, máu tụ nhiều...
Vụ việc gây thương tích cho trẻ chấn động dư luận vừa xảy ra ở nhà trẻ tư nhân Hoa Lan (địa chỉ 162 A Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM). Bé Lê Quang Vinh, 4 tuổi, đã bị giáo viên nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn và cho thang máy chạy đi chạy lại khiến bé Vinh bị lóc da thái dương đỉnh trái 15cm, lộ sọ; chấn thương đầu, xuất huyết vùng cổ và mặt, tổn thương phổi; gãy 1/3 xương đòn trái...
Cần kiểm soát chặt cơ sở nuôi dạy trẻ
Không chỉ tại TP.HCM mà tại Bình Dương, Đồng Nai... cũng phát hiện nhiều trường hợp trẻ bị thương tích nghiêm trọng khi đang ở các trường mầm non. Tai nạn thương tích trẻ em liên tiếp xảy ra tại các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình trong thời gian gần đây cho thấy chất lượng nuôi dạy trẻ, mức độ an toàn tại các cơ sở này cần phải được rà soát lại toàn diện, đặc biệt là kiến thức nuôi dạy trẻ và kỹ năng cấp cứu các tình huống của đội ngũ giáo viên giữ trẻ.
Bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp - Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, lưu ý gia đình, đặc biệt là trường mầm non, nhóm trẻ gia đình khi trông trẻ không nên lơ là vì trẻ em trong độ tuổi này rất hiếu động. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ và giáo viên mầm non cần phải trang bị kiến thức về cách xử trí tai nạn sinh hoạt xảy ra tại nhà và trường học như: Ngạt nước, ngộ độc thức ăn, sặc sữa, phỏng, chấn thương do vấp ngã...Các vật dụng xung quanh trẻ như đồ chơi, tủ bàn ghế rất dễ gây tai nạn. Ngoài ra, điện giật, cầu thang (ngã cầu thang trong khi bé tự lên xuống), chậu, xô nước (bé ngã vào chậu, xô nước dẫn đến ngạt nước), bếp (bé vào bếp chơi rồi bị bỏng lửa, thức ăn nóng, nước sôi) là các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tích cho trẻ.
Theo Dân Việt