Sa thải người đã chết
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cà phê 731 (thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam có trụ sở tại huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum) đã ký quyết định số 87 về việc xử lý kỷ luật lao động công nhân Tạ Thị Mơ.
Điều gây bức xúc dư luận là vì người bị kỷ luật với hình thức sa thải đã qua đời cách đây hơn 16 năm do bị sét đánh.
Để có căn cứ cho quyết định nói trên, ông Nguyễn Hữu Tư - PGĐ công ty cà phê 731, khẳng định: “Hồ sơ của bà Mơ tại thời điểm kỷ luật là hồ sơ vẫn đầy đủ. Hơn nữa, không ai xác minh là bà đã chết cả. Hiện tại, hồ sơ vẫn là còn sống, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương”.
Sa thải công nhân đã mất hơn 16 năm.
Bà Tạ Thị Mơ vào làm công nhân Công ty cà phê 731 từ trước năm 1992, nhận khoán chăm sóc trên 1ha cà phê của công ty. Sau đó vài năm, bà Mơ không tiếp tục chăm sóc diện tích cà phê này mà giao lại cho chị dâu là bà Bùi Thị Đoạn và anh trai Tạ Văn Hạnh chăm sóc.
Sau khi bà Mơ mất vào năm 1996, việc chăm sóc cà phê và thực hiện các nghĩa vụ với công ty, như nộp khoán sản lượng hàng năm, đóng bảo hiểm xã hội được gia đình ông Hạnh bà Đoạn thực hiện đầy đủ với công ty dưới tên bà Mơ.
Đây chính là minh chứng cho sự quản lý nhân sự lỏng lẻo của một số công ty, bài học về cách xử lý tình huống chưa phù hợp với thực tế.
Cụ ông 73 tuổi có bầu 4 tháng
Đi điều trị chấn thương cột sống, sau 4 ngày theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe của cụ ông Nguyễn Văn Tính (73 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Bình 1, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tương đối ổn định nên được bác sĩ cho xuất viện về nhà đồng thời chỉ định uống thuốc và hẹn ngày tái khám.
Cả gia đình cụ Tính vui mừng vì chấn thương của cụ không để lại hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng sau khi xuất viện hai ngày, gia đình bất ngờ nhận được điện thoại từ bệnh viện với nội dung xin lỗi vì đã có sự nhầm lẫn ở phần nội dung chẩn đoán “thai 16 tuần” trong giấy ra viện của cụ.
Cụ ông 73 tuổi có thai 16 tuần.
Sau khi phát hiện nhầm lẫn, bệnh viện đã chủ động liên hệ xin lỗi gia đình vì sự cố do “lỗi đánh máy”.
Cưỡng chế bắt giam hòn đá
Câu chuyện còn nực cười hơn, khi gia đình bà Trần Thị Sắc và ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông, huyện Chư Sê, Gia Lai bị khốn khổ đủ đường, chỉ vì lấy 3 hòn đá trong rẫy của mình về nhà để chơi.
Tự nhiên cơ quan chức năng địa phương đã quy cho ông Dũng và bà Sắc khai thác khoáng sản trái phép rồi tiến hành cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá này. Trong đó, chỉ có hòn đá của bà Sắc là chính quyền thu hồi thành công, còn 2 hòn đá của ông Dũng thì cưỡng chế bất thành.
Điều lạ lùng là mặc dù cưỡng chế bất thành 2 hòn đá của ông Dũng, nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn giao cho UBND xã H’bông quản lý.
Còn hòn đá thu hồi của bà Sắc, dù đã đem về đặt trong khuôn viên UBND huyện, nhưng huyện Chư Sê vẫn cho làm một lồng sắt kiên cố để nhốt hòn đá có khối lượng hàng tấn này.
UBND xã bắt giam hòn đá cho vào cũi sắt để bảo vệ.
Trong khi đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai cho rằng việc cưỡng chế là đúng pháp luật: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 3 hòn đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại luật Khoáng sản”.
Được biết, hòn đá này do bà Trần Thị Sắc vô tình tìm thấy trong quá trình đào ao lấy nước tại phần đất của gia đình (đã được chính quyền H.Chư Sê cấp).
Theo kết quả giám định của Liên đoàn Địa chất bản đồ miền Nam, mẫu đá lấy từ hòn đá bị tịch thu của bà Sắc là loại đá bán quý casidol.
Không bằng lòng với việc UBND xã thu hồi không có lý do, bà Sắc nộp đơn kiện lên tòa nhưng đã bị bác bỏ và phạt thêm 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và tịch thu hòn đá.
Hiện nay, hòn đá hiện đang được đặt trên bệ tượng Anh hùng Núp ở TP.Pleiku, sau khi tượng Anh hùng Núp được dời đi địa điểm khác.